Tuy đã được công nhận là đô thị loại II và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu từng bước hiện đại, song, hạ tầng đô thị của TP.Bạc Liêu vẫn chưa đồng bộ và chưa tạo đà để thành phố phát huy hết vai trò, vị trí trung tâm của tỉnh Bạc Liêu. Do vậy, việc tiếp tục đầu tư nâng cấp và giải quyết những khó khăn do quá trình đô thị hóa tạo ra có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển một thành phố hiện đại.
Thành phố Bạc Liêu hôm nay.
TP. Bạc Liêu hiện chỉ có một số tuyến đường chính rộng trên 6m như: Trần Phú, Hòa Bình, Võ Thị Sáu… Còn lại nhiều con đường chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, chiều rộng mặt đường quá nhỏ, không đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Đặc biệt, đường giao thông có cao độ nền thấp, hạ tầng thoát nước đô thị yếu kém, cộng thêm triều cường đổ vào từ biển nên nhiều con đường ngay trung tâm thành phố và các khu dân cư gần thành phố thường bị ngập vào mùa mưa, hay khi thủy triều dâng cao. Hệ thống thoát nước của thành phố hiện không đảm bảo và vẫn chưa có hệ thống thoát nước bẩn riêng. Vì vậy, toàn bộ nước bẩn thoát chung với hệ thống thoát nước mưa, hoặc trực tiếp xả ra các kênh, rạch.
Trong thu gom và xử lý rác thải, thành phố có Trung tâm Dịch vụ đô thị, các phường có tổ thu gom rác. Tuy nhiên, lượng rác thu gom mới bằng khoảng 50% lượng rác của thành phố. Tất cả rác thải được thu gom về bãi rác ở xã Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) và xử lý bằng cách chôn hoặc đốt, gây ảnh hưởng môi trường dân cư xung quanh…
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Kinh tế TP.Bạc Liêu, để giúp TP. Bạc Liêu phát triển xứng tầm là trung tâm hành chính của tỉnh, việc đầu tư nâng cấp và phát triển đô thị đã trở thành nhu cầu bức thiết. Do vậy, UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho tỉnh thực hiện Tiểu dự án đầu tư và nâng cấp thành phố từ Dự án nâng cấp và phát triển đô thị Việt Nam. Bởi dự án này phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển chung của thành phố đến năm 2020. Đó là thành phố với cấu trúc không gian của đô thị du lịch sinh thái biển gắn với cảnh quan thiên nhiên. Khung giao thông chính theo dạng hướng tâm, từ khu đô thị trung tâm truyền thống hiện hữu phát triển hướng chính theo hướng Nam (hướng ra biển) theo trục đường Cao Văn Lầu, kênh 30/4 ra đến Nhà Mát. Phát triển thêm một phần về phía Đông Bắc, Tây Bắc đến đường vành đai, tuyến Quốc lộ 1A…
Phát triển và cải thiện hệ thống giao thông sẽ giúp tăng sự kết nối về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa…, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Hệ thống cấp, thoát nước của thành phố nếu được cải tạo, nâng cấp sẽ cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng ngập lụt làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Quan trọng hơn, Tiểu dự án đầu tư và nâng cấp thành phố nếu được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo tại các khu đô thị. Đồng thời, thông qua phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, kéo theo sự phát triển về thương mại, dịch vụ và du lịch; làm giảm ách tắc giao thông, tạo thuận lợi cho thành phố tiếp tục mở rộng không gian và đẩy mạnh thu hút đầu tư...
Mục tiêu cụ thể của dự án là nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 ở các khu dân cư thu nhập thấp; tăng cường khả năng kết nối của mạng lưới giao thông, giảm mật độ lưu thông cho các tuyến đường chính; cải tạo điều kiện thoát nước, điều kiện vệ sinh môi trường cho các tuyến kênh rạch trong thành phố; thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án có 4 hợp phần, với các nội dung chính như: Cải tạo rạch Kênh Xáng; xây dựng đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường đê Lò Rèn, đường nội bộ khu phía Tây Nguyễn Đình Chiểu, đường Hai Bà Trưng kéo dài; kè và nạo vét rạch Ông Bổn, sông Bạc Liêu,...; lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước cho thành phố.
Ông Đức hy vọng, sau khi dự án hoàn thành, tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện đáng kể, qua đó giảm được chi phí khám - chữa bệnh hàng năm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội; thúc đẩy kinh tế biển phát triển theo đúng định hướng phát triển của thành phố.
Nguyễn Thái
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.