Kinh tế vườn đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ở nhiều địa phương, thu nhập từ nghề vườn chiếm 50 - 70% thu nhập của kinh tế hộ.
Vườn không chỉ tạo nên những làng quê trù phú, xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần hoàn thiện thêm tiêu chí thu nhập và góp phần nâng tầm nông thôn mới (NTM).
Vai trò hạt nhân trong xây dựng NTM
Vườn là thuật ngữ rất quen thuộc và gần gũi với chúng ta. Theo từ điển tiếng Việt: vườn là “khu đất thường rào kín ở cạnh sát nhà ở để trồng cây” hoặc “vườn là khu đất xung quanh nhà hoặc khu đất riêng có trồng cây trái, rau, quả”. Một số chuyên gia cho rằng “kinh tế vườn là một bộ phận cấu thành hữu cơ của kinh tế VAC” có nghĩa là: Vườn bao hàm “A” - ao, “C’’ - chuồng, “V” - vườn và “V” quyết định “A”, “C”, nhưng thiếu “A hoặc C” thì hiệu quả kinh tế của vườn sẽ kém đi.
Những năm gần đây, kinh tế vườn là một cột trụ và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt là các tỉnh ở phía Nam, kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân. Nếu so với trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi... thì kinh tế vườn vượt trội về mặt kỹ thuật sản xuất và hiệu quả kinh tế, gắn với công nghệ hiện đại, có thị trường rộng lớn và nhạy bén với quan hệ thị trường.
Kinh tế vườn đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả đất đai, lao động và tài nguyên sẵn có. Đặc biệt vườn hộ, vườn mẫu đã trở thành hạt nhân trong việc xây dựng NTM ở nhiều địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: Phát triển kinh tế vườn chính là giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời góp phần đa dạng hóa thu nhập, hoàn thiện thêm tiêu chí thu nhập trong xây dựng Nông thôn mới.
Vườn mẫu, cách làm sáng tạo ở Hà Tĩnh
Xuất phát từ thực tiễn Hà Tĩnh, là vùng quê thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, những năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM chủ yếu đang tập trung vào các chỉ tiêu quy định trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn (theo quy định Bộ tiêu chí Quốc gia Quyết định số 491). Mặc dù, việc đánh giá, công nhận rất chặt chẽ, song các xã đã đạt chuẩn NTM chưa thật sự rõ về chiều sâu và tính bền vững chưa cao, nhất là từng hộ gia đình, trong cộng đồng thôn xóm như: phát triển vườn hộ một cách tùy tiện, thiếu quy hoạch; tình trạng bê tông hóa nông thôn, không gian truyền thống tại làng quê đứng trước nguy cơ bị phá vỡ; cảnh quan môi trường chưa được quan tâm… nhất là vai trò chủ thể của người dân chưa được thể hiện rõ, sự gắn kết trong thôn xóm chưa được nâng lên...
Từ những thực trạng đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh, UBND tỉnh ban hành tạm thời Bộ tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và chỉ đạo thí điểm xây dựng 5 Khu dân cư NTM kiểu mẫu và 240 Vườn mẫu đại diện cho 3 vùng sinh thái.
Cùng với ban hành bộ tiêu chí, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Phần vốn hỗ trợ chủ yếu cho các nội dung như: Quy hoạch, làm hàng rào xanh, hỗ trợ giống cây, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm, chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...)
Chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nhanh chóng được người dân hưởng ứng, tự giác tham gia và dần trở thành phong trào có sức lan tỏa nhanh, trên diện rộng. Đến nay, Hà Tĩnh có 5.244 vườn mẫu đạt chuẩn; thu nhập bình quân/vườn ở vùng đồng bằng đạt trên 70 triệu đồng/năm, miền núi và bán sơn địa trên 150 triệu đồng/năm; trên 1.200 vườn doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 261 vườn có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình cho rằng, phong trào xây dựng vườn mẫu đã thực sự đánh thức nhiều tiềm năng lâu nay bị lãng quên. Những “tấc vàng” ngay trong khu vườn mình sinh sống, nguồn lực lao động trong mỗi gia đình đã được phát huy tối đa để mang lại thu nhập hàng chục, hàng trăm, thậm chí tiền tỷ mỗi năm/hộ. Đặc biệt, vườn kiểu mẫu đã đặt ra yêu cầu hàng đầu là sản phẩm an toàn, phương thức canh tác thân thiện với môi trường sống, cộng đồng và người tiêu dùng. Từ hướng đi đó làm cho tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt và nhân lên những giá trị văn hóa trong NTM.
Có những địa phương 100% hộ dân đều hướng đến xây dựng vườn kiểu mẫu có liên kết với các hợp tác xã như thôn Tân An (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên), thôn Yên Mỹ (Cẩm Yên, Cẩm Xuyên), thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc)… Các địa phương ngoài ứng dụng công nghệ vi sinh đã ứng dụng công nghệ hữu cơ trong xây dựng vườn kiểu mẫu hướng tới một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, điển hình như xã Tượng Sơn (Thạch Hà), xã Hương Trà (Hương Khê).
Từ vườn không ít những mô hình hàng trăm triệu đồng ra đời, cũng từ kinh tế vườn đã có không ít nông dân thành triệu phú, thành những doanh nhân thành đạt trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển nông sản hàng hóa chủ đạo. Chưa bao giờ kinh tế vườn lại trở thành một hướng phát triển, tạo ra nhiều diện mạo mới cho nông thôn Hà Tĩnh như hôm nay.
Lan tỏa các mô hình vườn mẫu trong xây dựng NTM
Không chỉ ở Hà Tĩnh, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã của huyện Hòa Vang – Đà Nẵng cũng thực hiện tăng cường thực hiện các tiêu chí nâng cao, đặc biệt là xây dựng vườn mẫu, thực hiện các mô hình kinh tế mới hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng NTM hiệu quả.
Giai đoạn 2016 - 2020, song song với thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) còn bắt tay thực hiện các tiêu chí nâng cao, nhất là xây dựng vườn mẫu NTM. Để việc thực hiện xây dựng vườn mẫu đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM xã Hòa Phước phổ biến tiêu chí đến mọi hộ dân, vận động các hộ đủ điều kiện tham gia xây dựng vườn mẫu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, trong quá trình xây dựng NTM, nhiều xã đã đẩy mạnh xây dựng các vườn mẫu, vườn trái cây tập trung; kết hợp chăn nuôi và phát triển vườn; phát triển các mô hình sản xuất mới như trồng nấm, trồng hoa, sản xuất lúa hữu cơ; nhờ đó, đã đa dạng hóa được các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Những năm qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tập trung thực hiện xây dựng vườn mẫu nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều phương diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn theo hướng kinh tế thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời thực hiện tốt việc chỉnh trang nhà ở, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ở mỗi địa phương.
Xây dựng vườn mẫu NTM là một trong những cách làm sáng tạo trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới. Mặc dù mới triển khai thực hiện nhưng phong trào xây dựng vườn mẫu NTM đã phát triển sâu rộng trong toàn huyện, tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc phát triển kinh tế vườn kiểu mẫu NTM, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Thực hiện xây dựng vườn mẫu từ năm 2017-2019, toàn huyện Cam Lộ đã xây dựng 173 vườn mẫu, trong đó khoảng 50 vườn mẫu đạt chuẩn về quy hoạch, diện tích, thu nhập… được gắn biển.
Có thể nói, kết quả đạt được nổi bật trong xây dựng vườn mẫu NTM chính là người dân đã chú trọng vào phát triển kinh tế vườn, sử dụng các giống cây trồng mới cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao thay cho các loại cây trồng kém hiệu quả; chú trọng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; sử dụng hiệu quả lao động nông nhàn… Chính sự hiệu quả trong phát triển kinh tế vườn kiểu mẫu so với vườn tạp trước đây đã từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Cam Hiếu Trần Thanh Hoài cho biết: Hiện nay toàn xã Cam Hiếu đã cải tạo 34 vườn tạp; đăng ký xây dựng 11 vườn mẫu, trong đó có 2 vườn mẫu được công nhận, cắm biển vườn mẫu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xây dựng vườn mẫu NTM, xã đã tổ chức cho các hộ dân đi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả trong, ngoài huyện cũng như tập huấn cải tạo vườn tạp; tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp.
Nổi bật là, từ năm 2018, được tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí không lãi suất 500 triệu đồng, xã Cam Hiếu đã chọn hỗ trợ 17 hộ gia đình thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, trong đó có 2 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng rau sạch và 15 hộ trồng cây ăn quả. Xã Cam Hiếu cũng tích cực hỗ trợ người dân về giống, cử cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn cho người dân cải tạo vườn tạp, đồng thời chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản cho người dân.
Bên cạnh đó, xã cũng chủ động xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương; đưa các sản phẩm nông sản từ các vườn mẫu NTM đi tham dự các hội chợ triển lãm trong huyện để giới thiệu sản phẩm nông sản nổi bật của địa phương. Đặc biệt là sự chủ động của người dân trong việc cải tạo vườn tạp bằng cách đầu tư trồng các giống cây trồng mới như bưởi da xanh, ổi, cam, rau sạch các loại…, từ đó hình thành nên các vườn mẫu mang lại thu nhập cho người dân.
Ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh cho rằng, việc xây dựng kinh tế vườn không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nên một hệ sinh thái xanh – sạch – đẹp. Điều quan trọng nhất mà phong trào xây dựng vườn mẫu ở Hà Tĩnh đạt được là, người dân đã nhận thức và phát huy tốt vai trò chủ thể, tự giác thực hiện ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng thôn xóm. Đặc biệt, xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Chính việc xây dựng, phát triển kinh tế vườn đã tạo tiền đề vững chắc cho việc duy trì, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM tại các xã; tạo ra xã đạt chuẩn NTM thuyết phục hơn, là cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh phấn đấu có nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng đến xây dựng Tỉnh NTM trước năm 2025.
GS.TS Ngô Thế Dân, nguyên Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, bày tỏ: “Khi về tham quan vườn mẫu ở Hà Tĩnh, tôi thật sự ấn tượng với kinh tế vườn, vườn được bố trí khoa học, cho hiệu quả cao, người dân cũng rất nhanh nhạy trong việc áp dụng tiến bộ KHKT. Đặc biệt, việc xây dựng vườn mẫu sản xuất VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ đã tạo ra khuôn viên hộ xanh, sạch, đẹp, hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Vườn mẫu - một sáng tạo hiệu quả, thiết thực của Hà Tĩnh, tạo ra diện mạo mới trong các khu dân cư cả về kinh tế - cảnh quan - môi trường đã được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương triển khai nhân rộng trong toàn quốc”.
Bài học lớn từ thực tiễn
“Cái khó đầu tiên là lâu nay, truyền thống của người dân thích gì trồng nấy, có đất là trồng, bây giờ quy hoạch thành vườn mẫu cũng phải đến từng hộ để động viên, tuyên truyền. Quan trọng là phải làm thay đổi nhận thức của người dân để họ thấy rằng: Vườn là phải có quy hoạch, có khai thác và có thu nhập. Muốn vậy phải đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân. Cùng với đó phải đưa ra cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ “ TS Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội LV- TT Hà Tĩnh cho biết.
Việc triển khai mô hình vườn mẫu được Hà Tĩnh thực hiện rất khoa học, từ thấp lên cao. Trước khi thực hiện mô hình, Hội LV – TT đã hoàn thiện “Bộ tiêu chí vườn mẫu”, gồm 5 tiêu chí, xây dựng phương án và dự toán xây dựng mô hình, khảo sát các hộ đủ điều kiện thực hiện, cuối năm mới phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương phân loại vườn.
Để khuyến khích thực hiện chủ trương này, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Giai đoạn đầu (2014-2016), đối với xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm và năm kế tiếp, hỗ trợ 300 triệu đồng/1 khu dân cư NTM kiểu mẫu; 20 triệu đồng/01Vườn mẫu (mỗi xã 10 vườn), phần vốn hỗ trợ chủ yếu cho các nội dung như: quy hoạch, làm hàng rào xanh, hỗ trợ giống cây, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm, chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...)...
Để phát huy hiệu quả kinh tế vườn, đối với vườn chuẩn nông thôn mới sẽ dựa trên nền tảng đã có sẵn, tiến hành cải tạo lại, được thiết kế có bản đồ, bản vẽ, quy trình một cách khoa học. Trong đó, con người chủ động trong công tác tưới, tiêu không phụ thuộc vào thiên nhiên, làm chủ mô hình cho kết quả sản phẩm như ý muốn. Từng hộ phải có thiết kế quy hoạch (2D, 3D), lập phương án - dự toán triển khai thực hiện (có tư vấn của cán bộ chuyên môn xã, huyện, tỉnh và các chuyên gia), đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp thực tiễn cả về kinh tế, văn hóa, môi trường, định hướng phát triển đảm bảo tính bền vững; cây, con được bố trí hợp lý gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp lợi thế của địa phương; một số vườn hộ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa lại hiệu quả cao. Các vườn chủ yếu tập trung quy hoạch trồng một số sản phẩm chính tạo hàng hóa và đều dành diện tích trồng rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
“Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện 5 tiêu chí vườn mẫu ở Hà Tĩnh là tiêu chí sản phẩm từ vườn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phải giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Để đảm bảo vườn mẫu đạt 5 tiêu chí một cách trọn vẹn, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã sớm ứng dụng công nghệ E - GAP, tổ chức sản xuất rau củ quả VietGAP, hữu cơ vào phát triển kinh tế vườn, kết nối với các tổ chức, cá nhân để tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm từ vườn mẫu nói riêng”, TS Nguyễn Xuân Tình trăn trở.
Giải pháp nào để phát triển kinh tế vườn?
“Việc xây dựng kinh tế vườn, hay vườn mẫu cần căn cứ thực tiễn từng vùng miền để có định hướng chỉ đạo phù hợp. Mỗi người dân phải nhận thức và phát huy tốt vai trò chủ thể, tự giác thực hiện ngay từ mỗi gia đình cộng đồng thôn xóm và toàn xã hội. Làm vườn mẫu không phải để ngắm mà điều quan trọng hơn nữa là từ vườn mẫu đã tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình”, ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) chia sẻ.
Thực tế, để phát triển kinh tế vườn hay làm vườn mẫu đặt ra nhiều nan giải đối với các địa phương khi triển khai, thực hiện. Không chỉ là đảm bảo diện tích hay nhận thức của người dân, xung quanh đó còn là câu chuyện đầu tư, tạo giá trị thu nhập, tạo cảnh quan môi trường, hơn nữa giá trị sản phẩm phải thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ lệ tối thiểu 75% tổng giá trị sản phẩm từ vườn...
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân, xác định, vườn mẫu chính là kết quả thực chất của chương trình xây dựng NTM, huyện tiếp tục tập trung cao các giải pháp cho mục tiêu này. Ngoài sự chỉ đạo, đồng hành của huyện thì hệ thống chính trị cấp xã giữ vai trò quyết định. Đây chính là nơi trực tiếp xây dựng khung kế hoạch chi tiết; bám sát tiến độ để đôn đốc, bổ cứu kịp thời, đặc biệt là vận động người dân vào cuộc.
Theo TS. Nguyễn Xuân Tình, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu tìm lời giải cho bài toán tiêu thụ sản phẩm khi các khu vườn trên toàn tỉnh đồng loạt đầu tư sản xuất. Làm thế nào để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa những người làm vườn, xây dựng thương hiệu kinh tế vườn nói chung và những sản phẩm chủ lực nói riêng; những doanh nghiệp nào sẽ là đầu kéo cho kinh tế vườn. Vì vậy, việc cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, phát triển kinh tế vườn muốn đạt hiệu quả thì quá trình thực hiện việc đưa giống cây, giống con phải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thực hiện nghiêm túc, khoa học, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tính toán hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng bền vững kinh tế vườn phải phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm làm ra phải có thị trường đầu ra ổn định.
Vì vậy người nông dân cần phải thay đổi về nhận thức, ứng dụng nhanh tiến bộ KHCN vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ giảm được chi phí đầu tư, giá thành thấp, đẩy lợi nhuận lên cao trên cùng một quỹ thời gian và đơn vị diện tích; xây dựng vườn VietGAP sẽ tạo thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm…
TS. Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, kinh tế vườn đã và đang trở thành hướng phát triển chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nước ta, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phá thế độc canh cây lương thực, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa đa dạng phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến, xuất khẩu để gia tăng giá trị thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
“Trong những năm tới, trên cơ sở phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được từ thực tiễn vừa qua, từng địa phương, tổ chức kinh tế, trang trại và hộ gia đình cần nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt thời cơ và tiềm năng thế mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức, tăng cường hợp tác, liên kết cùng chung tay thúc đẩy kinh tế vườn phát triển lên tầm cao mới, góp phần xây dựng NTM, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…”, TS. Phan Huy Thông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.