Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 16:50

Phát triển VAC: Giải pháp kéo giảm suy dinh dưỡng bền vững

Kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) không chỉ giúp nhà nông nâng cao thu nhập, nhất là khi thực hiện sản xuất quy mô lớn mà VAC là giải pháp giúp cho bữa ăn cân đối và giàu dinh dưỡng...

t5.jpg
Mô hình VAC đạt 1,5 tỷ đồng/năm ở Quảng Bình.

 

Kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) không chỉ giúp nhà nông nâng cao thu nhập, nhất là khi thực hiện sản xuất quy mô lớn mà VAC là giải pháp giúp cho bữa ăn cân đối và giàu dinh dưỡng, góp phần xóa suy dinh dưỡng trẻ em, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vì vậy, kinh tế vườn gắn chặt với người dân trên mọi địa hình.    

Vài nét về suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta

Theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng trẻ em của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (VDDQG): Năm 1985, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 51,5% và SDD thể thấp còi là 59,7%; năm 2000 các tỷ lệ này là 33,8% và 36,5% (tương ứng), giảm 1,5 - 2%/năm, đến năm 2014 còn 14,5% và 24,9% (tương ứng), là mức giảm nhanh so với một số nước trong khu vực. UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc) và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt mức giảm SDD trẻ em, về đích Mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời gian.

Các cuộc điều tra những năm của thập niên 80 của thế kỷ 20 thấy khẩu phần của người dân đa phần là thiếu về số lượng, kém về chất lượng. Đó chính là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

Cũng từ các cuộc điều tra này thấy tiềm năng cải thiện bữa ăn vẫn có ở ngay tại chỗ, nếu vườn, ao, chuồng được phát triển đúng  hướng.

Trong năm 1981, Báo Nhân dân đã đăng nhiều bài báo của GS. Từ Giấy giới thiệu hệ sinh thái Vườn-Ao-Chuồng mà nay gọi là hệ sinh thái VAC. Một hướng đi về cải thiện cơ cấu bữa ăn được đề xuất.

Tháng 1 năm 1986, Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) ra đời. Phong trào đầu tiên Hội phát động là xây dựng Ô dinh dưỡng (gồm vài luống rau, mùa nào rau nấy, một số cây ăn quả; ao thả cá theo phương thức đánh tỉa thả bù; chuồng nuôi gà, vịt đẻ trứng) để cải thiện cơ cấu bữa ăn gia đình. Vì tính thiết thực và dễ làm, ai cũng làm được nên phong trào lan tỏa mạnh mẽ, dù ở miền xuôi hay miền núi, nông thôn hay thành thị. Và thực tế chứng tỏ rằng, trong những thập niên vừa qua, mô hình hệ sinh thái VAC hộ gia đình đã được thực hiện có hiệu quả, tạo thêm nguồn thực phẩm tại chỗ, đóng góp vào đảm bảo an ninh thực phẩm hộ gia đình và cải thiện tình trạng dinh dưỡng. VAC cải thiện dinh dưỡng trong các gia đình bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng, hay trứng, cá, thịt cho nhu cầu các bữa ăn hàng ngày của gia đình. VAC cũng có thể giải quyết vấn đề thiếu đói trong các thời kỳ “giáp hạt” giữa các vụ thu hoạch.

Mặc dù vậy, SDD vẫn là vấn đề không nhỏ và có ý nghĩa đối với xã hội. Bởi hiện nay, SDD nhẹ cân giảm đáng kể nhưng SDD thấp còi vẫn còn chiếm 1/4 tổng số trẻ  Việt Nam dưới 5 tuổi và đặc biệt, tỷ lệ này vẫn còn cao ở nông thôn và các dân tộc ít người.

Đất nước không thể vươn tới những tầm cao mới với chất lượng nguồn nhân lực thấp còi. Bởi vậy, vai trò của VAC đối với xoá SDD thấp còi, nhất là ở nông thôn, miền núi còn nguyên giá trị.

VAC, hệ thống canh tác tuần hoàn

VAC là  mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm là các hoạt động chính. Các hoạt động này có những mối quan hệ mật thiết và khăng khít nhau, tạo nên Hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.

Trong khái niệm chung, “vườn” là yếu tố phản ánh các hoạt động trồng trọt trong vườn. “Ao” là chỉ các hoạt động nuôi cá trong ao. “Chuồng” chỉ các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm...

“Vườn” cung cấp các thức ăn cho chăn nuôi và nuôi cá (rau, cỏ, thân cây đậu, ngô, rau lang, lá sắn...). “Chuồng” cung cấp phân bón được chế biến từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong vườn. “Ao” cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng trong vườn. Nhiều sản phẩm và phụ phẩm từ “Ao” là nguồn thức ăn bổ sung có chất lượng cho chăn nuôi gia cầm (ruột, xương và đầu tôm, cá các loại...), làm thức ăn bổ sung với lượng đạm cao cho gia cầm. Nước từ “Ao” rất cần để rửa sạch và vệ sinh hệ thống chuồng trại chăn nuôi và sau xử lý quay trở lại “Ao” với nguồn dinh dưỡng tốt cho cá... Chất thải gia súc sau khi phân hủy để tạo khí sinh học thay thế chất đốt truyền thống (củi, than đá, rơm rạ...) thì bã thải của nó trở thành nguồn thức ăn có giá trị để nuôi cá, hoặc nuôi giun làm thức ăn cho cá hoặc cho gia cầm... Vì vậy, VAC có thể được quản lý và phát triển như  mô hình sản xuất tổng hợp, khép kín, phi chất thải.

 

t6.jpg

Mô hình VAC ở Quảng Ngãi.

 

Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương và từng hộ gia đình, hệ thống VAC có thể đầy đủ cả 3 thành phần V, A, C hoặc chỉ có 2 thành phần như VA, VC hoặc AC.

Mô hình VAC là hệ thống canh tác kết hợp truyền thống và hiện đại, đặc biệt tạo ra nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, sẵn có, giàu dinh dưỡng và an toàn để cải thiện chất lượng bữa ăn của gia đình.

VAC, kho thực phẩm tươi sống cho gia đình

Về nguyên tắc, một bữa ăn đa dạng, cân đối phải đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả, trái cây...). Nguồn thực phẩm dồi dào từ VAC đã góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn của các gia đình gồm: các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau giền, rau đậu, cà rốt, chuối, đu đủ, bầu bí, trái cây có múi...), hay trứng, cá, thịt là những nhu cầu tối cần thiết trong gia đình, trước hết là bữa ăn của bà mẹ và trẻ em.

Theo kết quả các cuộc điều tra tại Cẩm Bình (Hải Dương, 1996) và Định Hóa (Thái Nguyên, 2003) về vai trò của VAC với dinh dưỡng thấy khẩu khần ăn của gia đình được cải thiện rõ rệt. Cụ thể như:  Cá tăng 2,7 lần; thịt các loại tăng 2,0 lần; trứng (gà, vịt) tăng 2,5 lần; trái cây tăng 2,1 lần. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của nhóm trẻ 5-6 tuổi của nhóm hộ gia đình có  VAC thấp hơn nhóm không canh tác VAC là 1,4 lần.

Sản phẩm VAC còn tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn, giúp bổ sung dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Đây là giai đoạn phát triển tối ưu cả về thể chất, trí tuệ và tầm vóc khi trưởng thành, ngoài ra, làm vườn còn tăng cường hoạt động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì. Giúp hạn chế ăn mặn, do luôn có đủ thức ăn xanh.

Sự lan tỏa của mô hình VAC dinh dưỡng

Chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là ưu tiên trẻ em và phụ nữ. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý còn giúp phòng chống suy dinh dưỡng bền vững, và hạn chế các bệnh mạn tính không lây, có liên quan đến dinh dưỡng.

 

t6a.jpg
Các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.

 

Không gói gọn trong hộ gia đình, kinh tế vườn còn được các thầy cô ở những ngôi trường bán trú tăng gia sản xuất để “tăng lực” cho học sinh, họ không chỉ là những người “gieo chữ” nơi vùng cao, mà còn làm VAC để cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày cho cả thầy và trò rất tốt. Nhờ các sản phẩm từ VAC,  bữa ăn của các em có đầy đủ thịt (cá, gà), rau xanh, có sức khoẻ, trí tuệ tốt, nhờ vậy, chất lượng học tập được duy trì tốt hơn. 

Thầy Nguyễn Văn Hối, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Quảng Nam), cho hay, năm học 2019 - 2020, điểm trường chính của trường có 325 học sinh, trong đó có 265 em bán trú. Đầu năm học, giáo viên trong trường bắt tay vào việc trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn cho học sinh.

Song song với việc trồng rau, giáo viên còn đóng góp 12 triệu đồng mua 12 con lợn giống. Đàn lợn được cả trường chăm sóc, nguồn thức ăn tận dụng phụ phẩm thừa của trường, nên không tốn là bao. Sắp tới, nhà trường còn làm thêm chuồng nuôi gà, vịt để góp phần tăng thêm nguồn thực phẩm cho học sinh. Việc tăng gia sản xuất đã góp phần không nhỏ  trong việc cải thiện bữa ăn, đảm bảo nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho các em và giúp các em hiểu về giá trị của lao động.

Phát triển ô dinh dưỡng trong vườn gia đình

Từ lâu, cha ông ta đã nhận thức được vai trò của thức ăn nguồn thực vật trong bữa ăn của người Việt Nam.

Về dinh dưỡng, nếu một bữa ăn kết hợp nhiều thực phẩm nguồn thực vật như chất đạm từ đậu đỗ, vừng lạc; chất bột đường từ ngũ cốc, khoai củ; chất béo từ các loại hạt và quan trọng là thức ăn nguồn thực vật có chứa nhiều các loại vitamin (như caroten, là tiền chất của vitamin A; hoặc các loại vitamin C, B1, PP, E, K...), các khoáng chất (kali, magiê...), chất xơ, chất kháng sinh thực vật (có nhiều trong các loại rau gia vị), các yếu tố bảo vệ (isoflavon, phytosterol, antioxydant... có nhiều trong các loại hạt) có tác dụng loại trừ các gốc tự do trong cơ thể, sẽ làm cho cơ thể chúng ta trẻ lâu, tăng sức đề kháng...

Mặt khác, một khẩu phần ăn có đầy đủ rau xanh sẽ làm cho bữa ăn của chúng ta ngon miệng hơn, dễ tiêu hóa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà chưa thể kiểm soát hết nguy cơ các loại rau, củ, quả không an toàn lưu thông trên thị trường, chúng ta có thể phát triển ô dinh dưỡng trong vườn gia đình, hoặc ngay cả ở khu vực đô thị cũng có thể sản xuất được rau xanh để đáp ứng nhu cầu bữa ăn cho gia đình đảm bảo an toàn và giàu dinh dưỡng.

Đảm bảo đủ rau ăn: Vào vụ giáp hạt, rau có thể ít hơn do đó phải tính toán bố trí cơ cấu cây trồng thâm canh, gối vụ để đảm bảo rau ăn. Sử dụng một số giống rau có thời gian sinh trưởng nhanh có thể thu hoạch sớm để giải quyết giáp vụ rau như các loại cải, củ cải, thời gian sinh trưởng 35 - 55 ngày, trong các tháng nóng từ 7 - 15 ngày cho thu hoạch một lứa hoặc trồng bí đỏ để lấy lá, lấy hoa làm rau ăn cũng là món rau được nhiều người ưa chuộng.

Nâng cao chất lượng rau: Nên phối hợp nhiều loại rau, giữa rau ăn lá với rau ăn thân, củ, quả, hạt, hoa. Nên sử dụng rau mùa nào thức ấy.

Lợi dụng tối đa không gian nhiều chiều: Như chiều rộng, chiều ngang, chiều dài, chiều sâu để tận dụng tối đa năng lượng mặt trời của vùng nhiệt đới. Có thể trồng trên luống, leo trên giàn, trồng ở mép ao, thả bè để tranh thủ đất trồng được nhiều vụ trong năm, có thể trồng xen, trồng gối. Ở các khu đô thị, có thể có các giàn treo với góc độ nghiêng, vừa tận dụng tối đa diện tích, vừa tận dụng được ánh nắng mặt trời.

Bố trí mùa vụ thích hợp: Loại rau có thể trồng được nhiều tháng trong năm (như các loại rau: rau muống, rau giền, rau mồng tơi, rau ngót, các loại cải, một số loại rau gia vị); rau vụ đông xuân (cải bắp, cà chua, khoai tây, su hào, súp lơ, cà rốt, hành tây, dưa chuột, sà lách...); rau trồng vụ xuân hè (bầu bí, mướp, rau muống, rau ngót, các loại dưa, các loại cà, đỗ đũa).

Biết dự trữ chế biến để khi giáp vụ: Thiếu rau thì đem ra dùng bí ngô, bí xanh; muối cà, muối dưa, làm tương cà chua, bột cà chua, sấy khô su hào, củ cải...

Biết kỹ thuật gieo trồng: Kết hợp với chăm bón, thâm canh rau và chủ động để được giống cho vụ sau.

Nên tận dụng hết các nguồn thực phẩm và khả năng sẵn có để bổ sung thêm vào chủng loại rau ăn thêm phong phú. Ví dụ: cây chuối (có thể sử dụng cả thân, củ, quả và  hoa chuối làm rau).

 

Trẻ em suy dinh dưỡng rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Đáng quan tâm nhất là việc trẻ bị phát triển chậm cả về thể chất lẫn tinh thần. Suy dinh dưỡng khiến tất cả các cơ quan giảm phát triển, thứ nhất là hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ. Thứ hai là giảm phát triển trí não, chậm chạp, giảm học hỏi, tiếp thu, giao tiếp xã hội kém và khả năng làm việc thấp hơn khi trưởng thành.

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
Top