Những năm gần đây, Phú Xuyên (Hà Nội) đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống nông dân. Huyện phấn đấu cán đích NTM vào năm 2020.
Tập trung dồn điền đổi thửa
Thực hiện Chương trình XDNTM, Phú Xuyên đã tập trung dồn điền đổi thửa hơn 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại ruộng đất, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng; chuyển đổi hơn 2.430ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Huyện còn tổ chức các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư mua sắm hơn 450 máy làm đất, gần 150 máy cấy, hai máy gieo mạ khay tự động, 30 máy gặt đập liên hoàn, giúp người dân sản xuất ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, Phú Xuyên đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển các ngành nghề truyền thống, như nghề da giày ở xã Phú Yên; nghề may mặc ở xã Vân Từ; khảm trai xã Chuyên Mỹ; cơ kim khí và mộc ở xã Đại Thắng… Nhờ đó, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Long Bùi Ngọc Lan cho biết, khi thực hiện XDNTM, không ít người dân trong xã có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của huyện, thành phố, dẫn đến trong suốt thời gian dài, các tiêu chí rất khó hoàn thành. Ban Chỉ đạo XDNTM đã kiên trì tuyên truyền, vận động; kết hợp kiện toàn bộ máy, huy động cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc vận động để khơi gợi tinh thần tự lực tự cường trong nhân dân. Cùng với đó, các dự án, đề án XDNTM đều được công khai để người dân dân chủ thảo luận, thống nhất thực hiện. Quá trình thực hiện các dự án được người dân giám sát chặt chẽ… Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, nhận thức của người dân có chuyển biến rõ nét, chủ động và tích cực tham gia XDNTM. Năm 2018, người dân tự nguyện đóng góp gần 2 tỷ đồng để cứng hóa đường giao thông 8 ngõ, xóm, với chiều dài khoảng 1,5km, trong khi ngân sách chỉ có hơn 200 triệu đồng. Đến nay, xã đã đạt 12 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt và 2 tiêu chí chưa đạt là trường học và giao thông. Để hoàn thành hai tiêu chí này, UBND thành phố đã quyết định đầu tư xây dựng hai ngôi trường đạt chuẩn quốc gia trong năm nay, huy động nguồn lực triển khai các dự án đầu tư các công trình giao thông.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng Nguyễn Đức Soát, xã được chọn làm điểm thực hiện Chương trình XDNTM với trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nghề mộc, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân trong xã. Trên địa bàn xã đã hình thành gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút hơn 1.000 lao động địa phương và các địa bàn lân cận, với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống đường giao thông nội đồng, thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, giúp cho sản xuất của người dân thuận lợi. Người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy làm đất, máy gieo mạ khay, máy cấy, không chỉ phục vụ sản xuất tại xã, mà còn làm dịch vụ ở các xã bạn, góp phần nâng cao thu nhập. Sau khi về đích NTM đầu năm 2018, người dân tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu, tự nguyện đóng góp cải tạo, xây dựng cổng làng, nhà văn hóa…
Đẩy nhanh tiến độ
Ông Trần Công Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, cho biết, Phú Xuyên đã có 20/26 xã được TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2019, huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành XDNTM 6 xã còn lại là Thụy Phú, Phượng Dực, Hoàng Long, Sơn Hà, Tri Thủy và Đại Xuyên.
Toàn huyện hiện có 27 mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, có 6 mô hình dự án trồng rau an toàn (như mô hình măng tây tại các xã Hồng Thái, Khai Thái...); 4 mô hình trồng cây ăn quả, 1 mô hình trồng nấm tại xã Tân Dân,...
Từ nay đến cuối năm, Phú Xuyên tập trung đẩy nhanh tiến độ XDNTM, nhất là các dự án cấp nước sạch, triển khai dự án cung cấp nước sạch từ nhà máy nước của Công ty Nước sạch Hà Nam đến tất cả các xã, thị trấn; ưu tiên đầu tư cho một số tiêu chí chưa đạt, như đường trục kênh mương nội đồng, chợ, cơ sở vật chất trường học, văn hóa, giao thông; hoàn thành lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/500,...
Mới đây, tại buổi kiểm tra sản xuất vụ xuân và tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tại huyện Phú Xuyên, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo đã biểu dương những kết quả đạt được của Phú Xuyên trong thời gian qua, nhất là việc chủ động, sáng tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp gắn với các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất.
Bà Hằng nhấn mạnh, Phú Xuyên cần tiếp tục tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, thống nhất trong hành động, từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến người dân, doanh nghiệp chung tay XDNTM. Huyện cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp và phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp. Tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đưa 6 xã còn lại cán đích NTM đúng kế hoạch.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.