Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2019 | 10:4

Rà soát và định hướng phát triển cây hồ tiêu Việt Nam

Một trong những nguyên nhân chính sản xuất hồ tiêu của Việt Nam còn chưa bền vững do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp.

ho-tieu.jpg

Trồng hồ tiêu theo hướng canh tác hữu cơ ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương đang tiến hành rà soát và định hướng phát triển cây hồ tiêu đến 2025-2030 để đảm bảo phát triển hồ tiêu bền vững.

Với nhu cầu của thế giới và điều kiện của Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng từ 100.000-120.000ha; diện tích cho sản phẩm 95.000ha; năng suất bình quân từ 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng từ 237.000-256.000 tấn.

Đến năm 2025, diện tích trồng hồ tiêu vào khoảng 110.000ha, diện tích cho sản phẩm 94.000ha, năng suất bình quân 26 tạ/ha, sản lượng khoảng 244.000 tấn.

Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng hồ tiêu 100.000ha, diện tích cho sản phẩm 90.000ha, năng suất bình quân 27 tạ/ha, sản lượng khoảng 243.000 tấn, chiếm 40% thị phần thế giới.

Như vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 2017-2030, diện tích hồ tiêu phải tái canh khoảng 70.000ha; trong đó, giai đoạn 2017-2020 là 10.000ha, giai đoạn 2021-2025 là 20.000ha, giai đoạn 2026-2030 là 40.000ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh sản xuất hồ tiêu trọng điểm ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Bình quân mỗi năm trồng tái canh khoảng trên 5.400ha. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, một trong những nguyên nhân chính sản xuất hồ tiêu của Việt Nam còn chưa bền vững do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt.

Dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Để giữ được vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu như hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên để tạo ra sản phẩm chất lượng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Ngành hồ tiêu cần có sự rà soát, đánh giá, định hướng phát triển và xây dựng các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Bên cạnh việc giảm diện tích, ngành hồ tiêu sẽ tái cơ cấu theo hướng thâm canh bền vững: giảm hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng IPM trong sản xuất và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.

Từ đó, đưa hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu. Ngành cũng xây dựng và thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp tác xã trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ uy tín và thương hiệu cho nông dân và doanh nghiệp.

Những năm trước đây, diện tích hồ tiêu tăng rất nhanh, năm 2001 cả nước có 35.300ha, năm 2010 diện tích 51.500ha. Năm 2017, diện tích hồ tiêu lên đến trên 151.900ha. Diện tích tăng nhanh, vượt xa so với quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Bởi theo quy hoạch tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, diện tích hồ tiêu cả nước 50.000 ha.

Nguyên nhân do khi tiêu được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau (đất trồng tiêu cũ, phá bỏ cây trồng khác sang trồng tiêu), chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật… để nhằm cây sinh trưởng nhanh, tạo năng suất cao.

Tuy nhiên, khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận.

Diện tích hồ tiêu bắt đầu giảm từ năm 2018 xuống 149.800ha và dự kiến năm 2019 giảm còn 140.000ha./.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top