Liên quan đến thông tin hàng loạt biệt thự “khủng” biến tướng, phá vỡ quy hoạch khu đô thị Xuân Phương Viglacera, ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã chính thức lên tiếng về vụ việc này.
Khu đô thị Xuân Phương tại phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hiện nay, tại Khu đô thị Xuân Phương Viglacera (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) đang tồn tại hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề vô tư thay đổi thiết kế, “băm nát” bộ mặt của cả khu đô thị.
Sau khi dự án được triển khai và bàn giao đã xảy ra nhiều sai phạm, biến tướng sử dụng đất và xây dựng, trong đó hàng loạt các đại công trình được cơi nới, sửa chữa không đúng với hồ sơ thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt.
Nhiều biệt thự, nhà liền kề của dự án được tiến hành sửa chữa rầm rộ như: BT7.04, BT7.03, BT7.02, OV19.20, OV17.15…
Tòa biệt phủ tại BT7.05, BT7.06, BT7.07 nguy nga, tráng lệ mọc giữa Khu đô thị Xuân Phương Viglacera. Dư luận cho rằng, chủ sở hữu căn biệt phủ này phải sở hữu gia thế “khủng” mới có thể vô tư qua mặt chính quyền để xây dựng, sửa chữa mà không bị xử lý.
Đặc biệt, trong khi những căn biệt thự cùng trong khu đô thị này chỉ xây dựng kết cấu 3 tầng 1 tum thì tại vị trí các các biệt thự số BT7.05, BT7.06, BT7.07 (ký kiệu BT7 - lô góc giáp đường XP.4) lại xuất hiện một “biệt phủ” nguy nga, tráng lệ có kiến trúc khác biệt hoàn toàn.
Theo quan sát, tòa “lâu đài” sở hữu 2 mặt tiền được thiết kế xây dựng theo phong cách châu Âu trong một khuôn viên rộng hàng trăm m2; có hình chóp và lấy màu trắng làm chủ đạo với rất nhiều họa tiết cầu kỳ, bắt mắt.
Chạy dọc 2 phía “biệt phủ” của dãy hàng rào được sơn son, thiếp vàng được thiết kế rất tinh tế. Phần vỉa hè gần như biến mất hoàn toàn, nhường chỗ cho dãy cây xanh to, cao cả chục mét có thế rất đẹp. Ngoài ra, còn có rất nhiều chậu cây cảnh được đặt theo chiều dài của toà nhà.
Căn biệt thự số BT7.02, BT7.03 được chủ sở hữu thay đổi nhiều công năng sử dụng, hạng mục công trình.
Dù có phần khiêm tốn hơn, các căn biệt thự số BT7.03; BT7.02 cũng được chủ sở hữu thay đổi toàn bộ thiết kế bên ngoài. Tại các căn biệt thự kiểu này, sân cổng, tường rào, rán ngói được chủ sở hữu phá đi làm mới theo những cách không thể kỳ lạ, phản cảm hơn.
Thiết kế bên ngoài đã vậy, kiến trúc bên trong càng “chẳng giống ai”, phần thò ra, chỗ thụt vào, trông như chiếc “ghế tựa” khổng lồ sừng sững giữa khu đô thị văn minh, hiện đại.
Căn liền kề OV17.15 bị “lột xác”, biến dạng nghiêm trọng.
Án ngữ ngay lối ra vào của khu đô thị Xuân Phương, căn liền kề OV17.15 bị “lột xác”, biến dạng nghiêm trọng. Sở hữu chiều cao bất thường, bên ngoài được che bởi lớp kính khá bức bối, nhiều người đi qua đây không khỏi “ngao ngán” vì độ liều lĩnh, coi thường pháp luật của chủ sở hữu căn hô liền kề này. Thậm chí, chủ sở hữu còn thay đổi công năng ở một số hạng mục, cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Người dân sinh sống gần công trình xây dựng nêu trên bức xúc cho biết, các công trình xây dựng đã làm xấu đi cảnh quan, gây mất mỹ quan và phá vỡ quy hoạch chung của khu đô thị. Ở một số công trình đang thi công được chủ đầu tư tập kết nguyên vật liệu bừa bãi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân sống quanh khu vực.
Nhiều công trình chủ sở hữu tự ý nâng chiều cao công trình nhưng không hề có cơ quan chức năng nào xử lý.
Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, sau khi có phản ánh sai phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị Xuân Phương Viglacera, lãnh đạo quận đã chủ trì cuộc họp với toàn bộ hệ thống chính trị phường Xuân Phương, cùng các phòng chức năng của quận, Đội Thanh tra Xây dựng quận, trong đó đánh giá các vi phạm về trật tự xây dựng tại Khu đô thị Xuân Phương Viglacera là rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Huy Cường cho biết, kết quả kiểm tra đối với các căn biệt thự, nhà liền kê như: Các biệt thự BT7.05, BT7.06, BT7.07 theo quy hoạch được duyệt là 3 biệt thự, thực tế thành một công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng quy mô 4 tầng + áp mái, thay đổi diện tích, kiến trúc so với quy hoạch được duyệt.
Đối với các biệt thự BT7.04, BT7.03, BT7.02 đều mở rộng diện tích sàn tầng 2 khoảng 8m2/căn và thay đổi kiến trúc phần mái, thêm tum thang kỹ thuật.
Các căn liền kề OV17.15; OV 17.16 theo quy hoạch là 2 công trình liền kề, thực tế xây dựng thành một công trình đã hoàn thiện 4 tầng, thay đổi kiến trúc mặt tiền vách kính tầng 2 đến tầng 4.
Ngoài ra, kết quả kiểm tra cũng ghi nhận các trường hợp tại khu OV8, OV10, OV15, OV17, chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng, điều chỉnh về vị trí các căn hộ, hướng giao thông… so với bản đồ không gian kiến trúc cảnh quan QH-05 đã được chấp thuận.
Đáng ngạc nhiên hơn, ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cũng thừa nhận, toàn bộ các công trình vi phạm về trật tự xây dựng tại Khu đô thị Xuân Phương Viglacera không được đội Thanh tra Xây dựng quận, UBND phường Xuân Phương báo cáo và thiết lập hồ sơ ngay từ khi xảy ra vi phạm, không có các biện pháp cần thiết nhằm quản lý trật tự xây dựng, không có báo cáo đề xuất xử lý với UBND quận theo quy định.
Về vấn đề này, UBND quận cũng đã có báo cáo Thường trước Quận ủy và hiện nay, Quận ủy đã có chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Quận ủy thực hiện kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Đảng ủy, UBND phường Xuân Phương để xem xét xử lý trách nhiệm của hệ thống chính trị phường đã buông lỏng quản lý để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết thêm, vì đây là các dự án khu đô thị do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và hiện nay vẫn đang triển khai chưa bàn giao cho UBND quận. UBND quận đã có các văn bản yêu cầu các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm khi bàn giao công trình theo hợp đồng mua bán cho khách hàng để xảy ra việc khách hàng tự ý sửa chữa, xây dựng làm thay đổi thiết kế, vi phạm các quy định về quy hoạch kiến trúc, xây dựng.
Ông Nguyễn Huy Cường – Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm.
Từ những thông tin do Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cung cấp có thể thấy được, “mảng tối u ám” về trật tự xây dựng tại phường Xuân Phương đều có nguyên nhân xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và thái độ xem nhẹ pháp luật của chủ đầu tư, chủ sở hữu các công trình này.
Vậy câu hỏi đặt ra: Chủ sở hữu những căn hộ trên là ai mà liều lĩnh, coi thường pháp luật đến như thế? Phải chẳng “có quyền”, “có quyền” thì những công trình vi phạm trật tự xây dựng được “né” cho yên ổn bằng nhiều cách.Có hay không việc “chống lưng”, “bảo kê” của chính quyền địa phương khiến hàng loạt căn biệt thự, liền kề tại dự án vô tư thay đổi thiết kế, xé nát bộ mặt đô quận Nam Từ Liêm, trong khi trước đó không hề có một biên bản ghi nhận sự việc, xử lý sai phạm? Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này hay chủ đầu tư chỉ cần biết bán được nhà, sản phẩm được bán tiêu thụ xong là phủi tay trách nhiệm? UBND quận Nam Từ Liêm đã nhận thấy rõ sai phạm của các công trình, vậy bao giờ mới tiến hành cưỡng chế, phá dỡ đối phần sai phạm của chủ đầu tư và chủ sở hữu như đã nêu ở trên?
Trước những bất thường trong quản lý trật tự xây dựng tại Dự án Khu đô thị Xuân Phương Viglacera, đã đến lúc Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Khu đô thị Xuân Phương Viglacera có tổng diện tích 14,6 ha do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư. Với tổng thể dự án bao gồm một tòa chung cư cao 19 tầng (204 căn hộ có diện tích từ 57m2 đến 106m2), 337 căn liền kề và gần 100 căn biệt thự đơn lập, song lập, hồ điều hòa rộng 10.000 m2, cảnh quan cây xanh, đường nội khu, sân tennis, trường học, khu vui chơi,… Được biết, dự án này được khởi công xây dựng từ 2011 và được bàn giao vào cuối năm 2014. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị Xuân Phương Viglacera diễn ra từ lâu, ngang nhiên giữa ban ngày và chỉ cách UBND phường Xuân Phương có vài trăm mét nhưng chính quyền địa phương lại không hề có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.