Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn được Bình Lục (Hà Nam) xác định là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế.
Việc mở rộng mô hình nhà kính, nhà màng đã giúp địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Gian hàng rau an toàn của bà Nguyễn Thị Nhung, xã Bình Nghĩa.
Thay đổi lớn trong phát triển sản xuất
Bình Nghĩa là một trong những xã đi đầu trong xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp nhà kính, nhà màng. Hiện, xã xây dựng được 7 khu nhà kính và nhà màng, với tổng diện tích hơn 5.000m2. Đây được coi là bước thay đổi lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương này.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nhung (thôn 4, Ngô Khê, xã Bình Nghĩa) cho biết: Từ khi áp dụng mô hình nhà kính, nhà màng, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trước, vì không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đơn cử, khi gặp mưa lớn, cây rau không bị giập nát như sản xuất ngoài trời do hạt mưa được xé nhỏ khi xuyên qua lớp lưới chắn, hay vào mùa đông, các đợt không khí lạnh khiến nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại nhưng cây rau vẫn phát triển ổn định hơn trồng ngoài ruộng. Nhà kính, nhà màng còn có tác dụng quan trọng ngăn côn trùng, hạn chế đáng kể sâu hại phát sinh trên rau. Chỉ tính riêng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm 70% so với trồng bên ngoài, chủ yếu dùng thuốc bệnh ít độc hại với môi trường.
Bà Nhung cho biết thêm: Sản xuất rau trong nhà màng, năng suất tăng hơn 10%, đặc biệt, sản phẩm bảo đảm chất lượng do giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc ứng dụng nhà kính để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp cũng như ứng dụng các thành tựu công nghệ khác để tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã giúp gia đình chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính mùa vụ.
Nhân rộng mô hình
Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa, cho biết: Mô hình nhà kính, nhà màng được triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong đầu tư sản xuất, xã đang khuyến khích các hộ tiếp tục mở rộng và phát triển mới các khu nhà kính, nhà màng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên đồng ruộng.
Theo bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Lục, những năm gần đây, Bình Lục chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống nhà kính, nhà màng sản xuất rau, củ, quả, cây ăn quả. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện xây dựng được 21 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 8 nhà kính, 13 nhà màng.
Điển hình, huyện triển khai xây dựng 3 mô hình nhà kính có diện tích 500 m2/mô hình trồng dưa vân lưới liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương tại các xã: Bình Nghĩa, Hưng Công và An Ninh. Thời điểm không trồng dưa vân lưới, các hộ trồng rau, dưa chuột đạt tiêu chuẩn an toàn trong nhà kính. Giá trị sản xuất trong nhà kính công nghệ cao đem lại giá trị 60-80 triệu đồng/mô hình/năm. Hay mô hình trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính rộng 1.000m2 tại xã Vũ Bản đạt giá trị 500-600 triệu đồng/năm. Với hệ thống nhà màng, sản xuất đem lại giá trị và hiệu quả cao gấp 1,5 - 2 lần so với bên ngoài mô hình. Nổi bật là mô hình trồng nho công nghệ cao trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt tiên tiến, quy mô gần 2ha tại xã Đồng Du, cho giá trị sản xuất lên đến hơn 1 tỷ đồng/ha.
Bà Nhung còn cho biết: Các mô hình nhà kính, nhà màng giúp thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào đồng ruộng. Đồng thời, hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Bình Lục xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, trong cả giai đoạn xây dựng 62 mô hình nhà màng, có tổng diện tích 62.000m2; 8 mô hình nhà kính, diện tích 8.000m2. Riêng năm 2022, xây dựng 12 mô hình nhà màng, diện tích 12.000m2; 2 mô hình nhà kính, diện tích 2.000m2; xây dựng hệ thống tưới tự động, bán tự động trong nhà kính, nhà màng tại 14 mô hình, tổng diện tích 14.000m2 (tính cả mô hình nhà màng đã được xây dựng những năm trước).
Bình Lục có cơ chế hỗ trợ khuyến khích xây dựng mô hình. Cụ thể, mô hình nhà kính có diện tích thấp nhất 500m2, mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2, hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/mô hình/hộ; nhà màng hỗ trợ hộ có diện tích1.000m2/mô hình, mức hỗ trợ 30 nghìn đồng/m2, hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/mô hình/hộ; hệ thống tưới tự động, bán tự động trong nhà kính, nhà màng 20 nghìn đồng/m2, mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/mô hình/hộ. Đồng thời, người dân tham gia mô hình được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất.