Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 3 năm 2022 | 7:50

Sở Xây dựng Hoà Bình làm sai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Dự án sân golf Phúc Tiến chưa được UBND tỉnh Hòa Bình chuyển mục đích sử dụng đất, chưa cho thuê đất nhưng Sở Xây dựng tỉnh này đã cho chủ đầu tư san gạt, xây dựng các “công trình tạm”. Việc làm của Sở Xây dựng chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng.

a.jpg
c.jpg
Mặc dù chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất nhưng Sở Xây dựng Hoà Bình đã cho doanh nghiệp san gạt, xây dựng một số công trình tạm. Việc làm này là sai với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Cố tình làm sai

Ngày 15/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Phúc Tiến, ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, nay là xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình, do Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 200ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 11,75ha giữ nguyên hiện trạng để bảo vệ và phát triển rừng; diện tích thực hiện dự án là 188,25ha, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, UBND tỉnh Hoà Bình chịu trách nhiệm chuyển đổi 171,28ha rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án; bảo vệ và giữ nguyên diện tích 11,75ha rừng tự nhiên trong phạm vi dự án.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là vậy, nhưng dường như Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình đang thực hiện chưa đúng chỉ đạo. Cụ thể, ngày 8/12/2021, UBND tỉnh Hoà Bình mới có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình thuê đất (đợt 1) với diện tích 87,02ha.

Nhưng trước đó gần 7 tháng, ngày 13/5/2021, Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình chấp thuận cho Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình tiến hành một số nội dung trên diện tích khoảng 200ha gồm: phát quang bờ bụi, dựng hàng rào bảo vệ chống lấn chiếm đất; khảo sát địa chất, rà phá bom mìn; xây dựng công trình tạm với các hạng mục lán trại công nhân, nhà bảo vệ, nhà điều hành, quản lý dự án và đường công vụ phục vụ cho công tác khảo sát địa chất hoặc thi công các hạng mục công trình tạm nêu trên.

Như vậy, Sở Xây dựng Hoà Bình cho chủ đầu tư san gạt, xây dựng một số công trình tạm khi UBND tỉnh Hoà Bình chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa cho Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình thuê đất. Đặc biệt, đến ngày 21/2/2022, UBND tỉnh Hoà Bình chưa ký hợp cho Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình thuê đất, doanh nghiệp cũng chưa hoàn thành tiền thuê đất theo quy định. Vậy, Sở Xây dựng lấy cơ sở nào cho phép chủ đầu tư san gạt, xây dựng một số công trình tạm? Sở Xây dựng Hoà Bình đang cố tình không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Đề nghị,Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng.

Tỉnh Hoà Bình có “đốt cháy” giai đoạn?

Về vấn đề tiền thuê đất, theo ông Doãn Quang Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Đất đai (Sở TN&MT Hoà Bình), Sở TN&MT đang thuê đơn vị tư vấn xây dựng giá đất, giá đất cụ thể, trình Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể, làm cơ sở tính tiền thuê đất. Đến nay, Sở đang làm để tính ra giá đất thuê đợt 1. Dự kiến trong tháng 3 mới xong phương án. Sau khi có thông báo số tiền phải nộp, Sở TN&MT điền giá tiền vào hợp đồng thuê đất, sau khi ký hợp đồng thuê đất xong mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về vấn đề Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ngày 21/2/2022, làm việc với phóng viên, ông Hưng cho biết, Hội đồng thẩm định ĐTM tỉnh đã thẩm định, trình UBND tỉnh từ cuối tuần trước, còn quyết định có hay chưa thì ông cũng chưa biết.

Trả lời cầu hỏi của phóng viên, ĐTM đang trình UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh chưa ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất, doanh nghiệp cũng chưa đóng tiền thuê đất, nhưng trước đấy doanh nghiệp đã san lấp, xây dựng một số công trình tạm theo quy định có đúng không? Ông Hưng cho biết, về vấn đề này liên quan tới phần xây dựng, đề nghị phóng viên làm việc với Sở Xây dựng.

Ông Hưng cho biết, tỉnh đã có quyết định cho thuê đất, Sở TN&MT đã bàn giao tại thực địa rồi, là người ta có quyền rồi, còn hợp đồng thuê đất chưa ký nó chỉ là... thủ tục hành chính.

Dự án sân golf Phúc Tiến chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, và cho thuê đất; chưa có hợp đồng thuê đất, doanh nghiệp cũng chưa hoàn thiện tiền thuê đất nhưng Sở TN&MT đã bàn giao thực địa; Sở Xây dựng đã cho doanh nghiệp san lấp, xây dựng một số công trình tạm. Phải chăng tỉnh Hoà Bình đang “đốt cháy” giai đoạn?

b.jpg
Chưa có hợp đồng thuê đất, doanh nghiệp cũng chưa hoàn thiện tiền thuê đất nhưng một diện tích rất lớn doanh nghiệp đã san gạt.

 

Chủ đầu tư hứa một đằng, làm một nẻo

Ở một diễn biến khác, tháng 5/2021, Sở Xây dựng Hòa Bình cho phép Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình xây dựng một số công trình tạm. Ngày 25/8/2021, UBND xã Quang Tiến có thông báo hết thời gian thi công xây dựng công trình tạm sân golf Phúc Tiến. Trong biên bản làm việc, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình cho biết, sau khi tiếp nhận được thông báo của UBND xã, đơn vị đã cho dừng các công việc liên quan đến việc thi công tạm. Công ty cam kết chấp hành đúng quy định và đang xin giấy phép thi công chính thức mới tiếp tục thực hiện các việc tiếp theo.

Ông Nguyễn Xuân Anh cam kết là vậy nhưng ngày 19/1/2022, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình.

Theo đó, Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình đã có hành vi vi phạm xây dựng dự án sân golf Phúc Tiến khi chưa có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc ông Nguyễn Xuân Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình cam kết là vậy nhưng trên thực tế ông và công ty của ông không làm như những gì đã cam kết. Theo Phòng Quản lý đô thị TP. Hoà Bình, Công ty cổ phần Golf An Việt Hòa Bình đã bị Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không phép. 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top