Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 9 năm 2018 | 22:22

Sóc Sơn (Hà Nội): “Biến” rừng phòng hộ thành homestay, biệt thự!?

Khu vực thôn Lâm Trường, xã Minh Phú (Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đang xảy ra tình trạng phá rừng, san, gạt đồi khiến nhiều hecta rừng phòng hộ tại đây bị “xẻ thịt”, chiếm dụng làm khu sinh thái nghỉ dưỡng, xây dựng homestay, nhà vườn...

a11111.jpg
Khu vui chơi giải trí “mọc” trong rừng phòng hộ.

Xây dựng rầm rộ

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc đường vào thôn Lâm Trường, không khó để bắt gặp biển chỉ dẫn, quảng cáo của những khu nhà vườn, sinh thái nghỉ dưỡng, homestay được cắm tràn lan, công khai.

Một người dân sinh sống tại thôn Lâm Trường cho biết: Mấy năm gần đây, nhiều người dưới trung tâm Hà Nội lên đây mua đất rừng để xây dựng khu vui chơi, nghỉ mát, nhà vườn... Họ ngang nhiên gạt đồi, xẻ núi làm đường bê tông trên đất rừng.

Tại vị trí cách Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT) tầm 2km, thực sự là thiên đường của những hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái. Đúng như lời quảng cáo hoa mỹ trên facebook, hàng loạt khu dịch vụ này có những mái nhà đẹp nằm dưới tán rừng thông xanh mát. Nhiều khu dịch vụ có thể kể đến như: The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight Sóc Sơn, Khu sinh thái Thiên Phú Lâm – Sóc Sơn, Nhà bên rừng U-LESA, Trà hoa viên Sóc Sơn…

Bên cạnh những khu homestay đã được hoàn thiện thì hoạt động xây dựng ở đây đang diễn ra rầm rộ. Những khoảnh đất ven rừng, sườn đồi trước đó là những hàng thông thì nay đã được san ủi, đào lấp và thay vào đó là những ô đất trống được tạo mặt bằng, căng dây chuẩn bị xây dựng; những con đường đất được máy xúc, máy ủi đào bới, mở lối để phục vụ thi công xây dựng; đất đá, cát sỏi, sắt thép và lán trại công nhân xây dựng được dựng ngay trên đất rừng, vậy liệu xây dựng, hàng rào lưới B40 đã được giăng chằng chịt.

a111.jpg
rph41.jpg
a21.jpg
a22.jpg
Những công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ.

 

Sẽ sử lý nghiêm!?

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội, cho biết: “Thôn Lâm Trường có hơn 100ha rừng phòng hộ, chưa có bất kỳ khu dịch vụ nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tất cả đều là tự phát, bởi đã là rừng phòng hộ thì không thể xây dựng nhiều công trình trên đó được”.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội, cũng khẳng định: “Tất cả những trường hợp phát sinh chúng tôi đều ngăn chặn, các cơ quan chức năng đều đã vào cuộc xử lý. Chúng tôi đã lập biên bản, báo cáo lên huyện rồi, ngày 10/9 huyện cũng đã có chỉ đạo. Khu Thiên Phú Lâm là đất chồng lấn giữa 2 đơn vị quản lý, chúng tôi đã báo sai phạm lên UBND huyện Sóc Sơn, huyện chỉ đạo những trường hợp vi phạm sẽ tiến hành cưỡng chế”.

Đề cập đến phương án giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, thừa nhận: Tất cả hoạt động xây dựng của các khu dịch vụ đều là trái phép, có sai phạm. Ông Hân cũng không quên “đổ lỗi” cho những vi phạm trên là tồn tại từ trước. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập tới một loạt các khu dịch vụ đang tiến hành xây dựng, san gạt đất rừng thì ông Hân nói một cách rất mập mờ: “Cái này mong anh em chia sẻ?! Anh đã chỉ đạo công an xã, thanh tra xây dựng vào kiểm tra và lập biên bản, tuyệt đối không để phát sinh sai phạm xây dựng mới”.

rph5.jpg
Xẻ núi, bạt đồi để làm đường

 

Trước đó, xã Minh Trí từng là điếm “nóng” về việc nhiều hecta rừng nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ tại khu hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân bị nhiều cá nhân tiến hành xây dựng biệt thự, lâu đài trái phép. Qua thống kê sơ bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, tại thôn Minh Tân có 25 trường hợp mua bán, chuyển nhượng đã tiến hành xây dựng và có chứng thực của lãnh đạo, cán bộ xã Minh Trí.

Rừng phòng hộ  được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hành vi tự ý kinh doanh, lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép đều vi phạm pháp luật.

Điều này khiến dư luận thắc mắc: Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội đã làm tốt chức năng quản lý, bảo vệ rừng hay chưa? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất an ninh trật tự từ hoạt động kinh doanh trái phép tại đây?.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để xử lý nghiêm sai phạm trên.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top