Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 9 năm 2019 | 13:37

Sự kiện 24/7: Vòng xoáy địa ốc Alibaba

Chiều 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp Công an TP. HCM thực hiện lệnh kiểm tra, khám xét và bắt Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh để điều tra hành vi lừa đảo.

alibaba.png

Vì sao lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị khởi tố, bắt giam?

Công ty cổ phần địa ốc Alibaba có trụ sở chính: 120-122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp Công an TP. HCM thực hiện lệnh kiểm tra, khám xét và bắt Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh để điều tra hành vi lừa đảo vào chiều 18/9.

Chiều cùng ngày, Bộ Công an cùng các lực lượng phối hợp tiến hành khám xét tại trụ sở Công ty Alibaba trên địa bàn quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

 

kham.jpg

Khám xét xong chi nhánh Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trên đường Đặng Văn Bi, Thủ Đức, lực lượng chức năng đem một số tài liệu ra xe - Ảnh: MINH HÒA

 

Theo Cơ quan Công an, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra, xác minh các sai phạm, vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Công ty Alibaba và các công ty thành viên đã tự vẽ các dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Alibaba và các công ty có liên quan.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đang chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tập trung lực lượng làm rõ hành vi của hai bị can kể trên, mở rộng điều tra các đối tượng liên quan và thu hồi tài sản về cho người dân.

Mua đất, không nhận nền, chỉ nhận lãi

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Hiện, 22 công ty do các cổ đông của địa ốc Alibaba lập rao bán gần 50 dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất vẽ trên giấy, chưa có một ai vào ở.

 

ali.jpg
Các khu đất tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) được địa ốc Alibaba môi giới bán cho khách hàng - Ảnh: D.N.HÀ

 

Theo tìm hiểu của PV., nhiều người mua đất của địa ốc Alibaba sẽ được ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty "chủ đầu tư dự án" (thực chất chỉ là công ty được cá nhân sử dụng đất ủy quyền làm các thủ tục liên quan đến việc phân lô tách thửa). Sau đó, khách ký hợp đồng quyền chọn, với phương án cơ bản là nhận lãi suất, không nhận đất.

Khách hàng cho công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; công ty mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng... Trong thời gian đó, công ty được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.

Vì sao lại ký hợp đồng quyền chọn? Ông Luyện cho biết mục đích là để loại bỏ các khách hàng không có nhu cầu nhận nền đất. Có nghĩa là sau khi mở bán lần 1, số nền đất khách hàng không có nhu cầu nhận đất sẽ được công ty bán lần 2 với giá bằng giá gốc + lãi suất + 10% chi phí quản trị doanh nghiệp. Tương tự, các nền đất đem ra thị trường bán lần 3 với công thức trên.

Xác nhận điều này, một khách hàng mua 4 nền đất của Công ty Alibaba thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 4/2019 cho biết ông là khách hàng thế hệ F3, tức mua lại lần thứ 3, với giá đất khoảng 6 triệu đồng/m2. Cũng mua nền đất tại dự án này, một khách hàng mua vào tháng 8-2018 xác nhận chị chỉ mua với giá khoảng 4 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Thái Luyện cho biết, chỉ chọn mua những khu đất có quy hoạch là khu dân cư nông thôn trong tương lai có thể chuyển mục đích thành đất ở nông thôn được. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cho biết các khu đất do Công ty Alibaba rao bán có phần lớn diện tích thuộc quy hoạch đất ở nông thôn nhưng cũng có những khu vực không phải là đất ở nông thôn.

Ví dụ, ba khu đất trên địa bàn xã Phước Bình (huyện Long Thành, Đồng Nai) đều có một phần diện tích không quy hoạch thành đất ở như đất cụm công nghiệp, đất giao thông (thuộc quy hoạch đường Phước Bình). Một số khu đất ở xã Long Phước của huyện này có một phần đất quy hoạch là đất trồng cây lâu năm, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp và cả đất sông suối, ao hồ...

Ông Nguyễn Thái Luyện từng khẳng định "sẽ là tối ưu nếu người dân mua đất nền do Alibaba phân phối để ở vì các lô đất của Công ty Alibaba gần khu dân cư hiện hữu, sau khi tách sổ, giao đất thì người dân có thể xây nhà ở ngay".

Thế nhưng ông Luyện cũng thừa nhận 3 năm qua chưa có ai vào ở trong các dự án của Alibaba mà chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp các khu đất. Và cho biết nếu các khu đất của Công ty Alibaba không được chính quyền cho chuyển mục đích thành đất ở, không được tách thửa, khách hàng đòi lại tiền... thì hiện Alibaba có 600ha đất, công ty sẽ bán hết số đất đó để trả lại cho khách hàng!?

Khách hàng lo lắng làm đơn tố cáo

Từ sáng đến chiều 20/9, nhiều người tìm đến đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (số 674 đường 3 Tháng 2, phường 14, quận 10, TP.HCM) làm đơn trình báo bị Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo.

Có rất nhiều khách hàng từ nhiều tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... đồng loạt đến cơ quan điều tra làm đơn tố cáo. Do có rất đông người đến nên cơ quan điều tra đã cử nhiều cán bộ túc trực để hướng dẫn người dân.

Đa phần những người đến trình báo với cơ quan chức năng đều mua đất của Công ty Alibaba. Họ đã đóng 95% tiền mua đất và quá thời hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa được công ty này cấp sổ hồng. 

Cũng có trường hợp chưa đến kỳ hạn cuối hợp đồng nhưng người dân lo lắng mất tiền và đến PC03 làm đơn trình báo.

Theo đơn trình báo của ông A. (ngụ tỉnh Phú Yên), ông có ký hợp đồng mua 2 lô đất ở tỉnh Đồng Nai của Công ty Alibaba với số tiền là 1,078 tỉ đồng. Sau khi ký, phía Công ty Alibaba hứa đất của ông không lâu sau sẽ lên thổ cư, ra sổ hồng.

Đến khi ông A. nghe chuyện lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt đã tìm hiểu từ cơ quan chức năng có thẩm quyền ở tỉnh Đồng Nai và biết được đất ông mua là đất nông nghiệp, không được phân lô, không có dự án. 

"Tôi đến đây nộp đơn tố cáo với mong muốn cơ quan điều tra thu hồi lại cho tôi số tiền mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã chiếm đoạt là 1.024.100.000 đồng" - ông A. cho hay.

Nguyễn Thái Luyện chủ mưu các vụ lừa đảo tại Công ty Alibaba

Hai ngày qua, cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM đưa ra hàng loạt biện pháp tố tụng đối với lãnh đạo của Công ty này.

 

thai-luyen.jpg
Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện là đối tượng chủ mưu cầm đầu.

Theo đó, sau khi thực hiện lệnh bắt Nguyễn Thái Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, công an TP.HCM đã thực hiện khám xét gần nửa ngày đối với hai trụ sở tại quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh.

Tại Đồng Nai, Công an TP.HCM đã triệu tập Phó Tổng Giám đốc đối ngoại và đào tạo Huỳnh Thị Ngọc Như cùng một số người liên quan để làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty này.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện là đối tượng chủ mưu cầm đầu. Theo đó, Luyện cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh thành lập Công ty Alibaba vào năm 2016 đồng thời “đẻ” ra các công ty con với quy mô hơn 2.600 nhân viên.

Thủ đoạn của các đối tượng là thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp sau đó làm đường nối các khu đất chính, giao cho các cá nhân đứng tên đồng thời phân lô bán nền, vẽ ra các dự án “ma” để thực hiện hành vi lừa dối khách hàng.

Tại Đồng Nai, Luyện có 29 dự án, Bà Rịa-Vũng Tàu 9 có dự án và Bình Thuận là 2 dự án. Tính đến ngày 30/6/2019, công ty của Luyện đã ký hợp đồng bán đất nền cho khoảng 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.

Kết quả điều tra đến nay cho thấy, những dự án mà Công ty Alibaba rao bán cho khách hàng đều không có thật. Tuy nhiên, để ràng buộc nhà đầu tư, Công ty Alibaba đề nghị ký phụ lục là hợp đồng như cho thuê lại đất với lãi suất “khủng”. Hình thức kinh doanh của công ty này được xác định theo mô hình đa cấp.

Trong một diễn biến có liên quan, trong chiều 20/9, Công an TP.HCM tiếp tục huy động lực lượng thực hiện lệnh khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Chiến Binh Thép và chi nhánh Công ty Alibaba tại quận Thủ Đức.

Rất nhiều người bị Alibaba lừa đảo cũng đã đến cơ quan công an để trình báo vụ việc. Tại cuộc giao ban báo chí định kỳ của TP.HCM, ngày hôm qua cũng cho biết, trong tuần tới, Công an TP.HCM sẽ họp báo thông tin về vụ việc.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top