Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019 | 14:26

Sức bật từ XDNTM ở Kỳ Anh

Trở lại Kỳ Anh, vùng đất được mệnh danh “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, sẽ cảm nhận được niềm vui của đất và người tỏa ra từ những kết quả xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

ka4.JPG
Diện mạo nhiều miền quê ở Kỳ Anh xanh, sạch, đẹp.

 

Đường làng thoáng đãng, khang trang, khu dân cư mẫu, vườn mẫu tươi xanh hoa trái, những gương mặt rạng rỡ niềm tin và quan trọng hơn, Chương trình XDNTM đã góp phần làm thay đổi tư duy, tạo ra cách nghĩ, cách làm mới.

Bứt phá từ những xã khó

Trong lúc điều kiện kinh tế, nguồn lực tại các địa phương còn khó khăn thì việc tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nếp nghĩ để người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương và tích cực tham gia XDNTM là cách làm hiệu quả ở Kỳ Anh.

Đó là sự quyết tâm của người dân Kỳ Phú vượt lên khó khăn của xã vùng biển, đồng lòng cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm đạt chuẩn trong năm 2019.

Kỳ Phú “lên dây cót” thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm, với khối lượng công việc khá lớn, thời gian không còn nhiều, ngoài đóng góp về tiền của, 8/8 thôn đã huy động 100% hộ dân tham gia ngày công. Điều đáng phấn khởi là, trong mỗi công việc được triển khai, đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của bà con.

 “Không chỉ là sự nỗ lực cao độ của mỗi người dân trong thôn, mà trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, hàng trăm con em đang sinh sống và lao động ở nước ngoài cũng không nằm ngoài cuộc. Diện mạo của thôn, đặc biệt là các công trình văn hóa, tâm linh trên địa bàn thôn Phú Lợi đều nhận được sự đóng góp quan trọng của con em đi xuất khẩu lao động với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng”, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lợi Nguyễn Minh Giáp phấn khởi cho biết.

Theo ông Trần Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú,  kết quả về huy động nguồn lực từ con em đi lao động ở nước ngoài thời gian qua đã thể hiện bước chuyển rõ nét về nhận thức của người dân. Từ chỗ chỉ đơn thuần là gửi tiền về cho gia đình, nay được “thấm” chủ trương XDNTM, họ đã biết chia sẻ một phần tinh thần và vật chất cùng chính quyền và bà con xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Còn đối với Kỳ Thượng, xã miền núi đặc biệt khó khăn, để hoàn thành các tiêu chí, chính quyền và người dân phải nỗ lực gấp 3 - 4 lần so với các xã khác. Toàn xã có đến gần 75 km đường liên xã, liên thôn, hầu hết là đường đất, nhỏ hẹp, gồ ghề nên khối lượng công việc phải làm để đạt tiêu chí giao thông lớn hơn cả một số huyện chứ chưa nói cấp xã.

 

ka1.JPG

Để giảm gánh nặng cho người dân, Kỳ Thượng tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước. Theo đó, khoảng 3 năm nay, bình quân mỗi năm địa phương nhận 1.000 – 1.400 tấn xi măng hỗ trợ để bê tông hóa các tuyến đường và xây mới, chỉnh trang lại các nhà văn hóa thôn. Nguồn lực huy động từ dân là cát, sỏi và ngày công lao động.

“Cuộc sống của bà con đang còn khó khăn nên chúng tôi chuyển từ việc huy động tiền sang huy động ngày công. Sự tự giác của người dân đã giúp địa phương bê tông hóa được hơn 80% số tuyến đường liên xã, liên thôn; chỉnh trang, xây mới đạt chuẩn 6/12 nhà văn hóa thôn…”, ông Lê Văn Lãm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng tự hào.

Thay vì hô hào rầm rộ, người dân Kỳ Thượng đã cùng giúp nhau cải tạo vườn tạp rồi đến xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Bây giờ toàn xã có hơn 170 vườn mẫu cho thu nhập 50 – 150 triệu đồng/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 45% (năm 2010) xuống 4,92% (năm 2019). Những vườn hộ còn lại về cơ bản đã sắp xếp bài bản, quy củ, không còn cảnh nhếch nhác của 5 năm về trước.

Người dân Kỳ Thượng làm hàng rào xanh cũng có nét riêng biệt. Họ như những nghệ nhân thực thụ, tự tạo chữ, cắt hoa ngay trước cổng nhà để bảo vệ cây xanh và xem đó là niềm vui, là sự cống hiến, là cách hưởng thụ cuộc sống yên bình ở làng quê.

Ý thức người dân dần thay đổi

Về làng ngỡ phố, những con đường bùn đất lầy lội năm nào ở Kỳ Anh giờ đã được thay thế bằng những tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên đường có hệ thống mương thoát nước, hàng rào xanh mát mắt, kinh tế ngày càng chuyển biến tích cực; tỷ lệ hài lòng của người dân về XDNTM đạt trên 90%.

Những nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình XDNTM đã  giúp Kỳ Anh có thêm nhiều miền quê đáng sống và hơn hết là sự đổi thay toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, minh chứng được sức bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.

Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn, trước tiên huyện xác định, XDNTM là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước; đồng thời coi đây là cơ hội không thể tốt hơn để có thể sớm đổi thay cuộc sống của nhân dân. Quan điểm chỉ đạo “chậm mà chắc”, XDNTM không chạy theo thành tích mà cốt lõi là đời sống người dân được nâng cao, người dân nhận thức được XDNTM là làm cho mình.

Trong gần 10 năm qua, nhờ tập trung đầu tư cao trên nhiều lĩnh vực, nhất là cho phát triển sản xuất với số tiền gần 20 tỷ đồng, toàn huyện đã xây dựng được 1.144 mô hình, trong đó có 71 mô hình có doanh thu trên 1 tỷ đồng, 101 mô hình có doanh thu 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 972 mô hình có doanh thu từ 100 đến 500 triệu đồng; thành lập được 278 doanh nghiệp; 101 HTX; 414 THT; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,57 triệu đồng (năm 2013) lên 31,67 triệu đồng (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,44% xuống 7,07%; toàn huyện đã có 10 xã đạt chuẩn NTM… Năm 2019 phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn, 17 khu dân cư NTM kiểu mẫu.

“Không phải vì khó khăn mà không làm được NTM, mà ngược lại, càng khó khăn thì càng phải tiến hành làm NTM để đưa cuộc sống đi lên. Thành quả hôm nay là sự kết tinh từ chương trình, kế hoạch chiến lược, chu đáo, bài bản; sự kiên trì, bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân; sự tận tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trước cuộc sống của nhân dân… Song lớn hơn hết, đó vẫn là nhận thức của mỗi người dân về NTM được nâng cao; người dân đã thực sự là chủ thể. Chúng tôi coi đây vừa là kết quả, là cơ sở vững chắc vừa là vốn tài sản vô giá của huyện trong chặng đường phấn đấu tiếp theo”, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top