Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), từ địa phương có điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng của huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) ngày càng hoàn thiện và khang trang.
Đạt kết quả trên, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, phải kể đến sự đóng góp to lớn từ phía nhân dân.
Cầu nối của lòng Dân
Năm 2010, 10 xã của huyện Đắk R’lấp bước vào XDNTM với khá nhiều khó khăn. Kết quả rà soát, đánh giá vào năm 2011 cho thấy, bình quân mỗi xã chỉ đạt 4,3 tiêu chí/xã. Đặc biệt, nhiều tiêu chí NTM thiết yếu như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa… chưa xã nào đạt.
Từ thực tế đó, huyện Đắk R’lấp đã thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên công tác tuyên truyền, vận động. Thông qua nhiều hình thức đa dạng như in băng-rôn, phát các bản tin trên loa truyền thanh, dẫn các bài viết trên bảng thông tin... Nhờ đó, người dân từng bước nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM.
Vì lợi ích chung của cả cộng đồng, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã không ngần ngại hiến đất, góp tiền, góp sức để cùng xây dựng hạ tầng nông thôn.
Đặt chân đến thôn 4, xã Kiến Thành, hỏi về gia đình ông Huỳnh Minh Luân thì già trẻ ở đây ai cũng biết, vì ông là người đi đầu XDNTM ở địa phương. Trước đây, người dân thôn 4 không có hội trường để sinh hoạt, hội họp. Đầu năm 2018, khi Nhà nước bố trí vốn để xây dựng thì thôn không có quỹ đất công để triển khai dự án. Thấy vậy, ông Luân không ngần ngại hiến 1.600m2 đất, chặt bỏ 300 cây cao su, trị giá khoảng 220 triệu đồng để thôn có địa điểm xây hội trường. Tiếp đó, đầu năm 2019, khi Nhà nước triển khai dự án đường giao thông, gia đình ông Luân tiếp tục chặt bỏ hàng trăm cây cao su, hiến thêm 0,6ha đất trị giá hàng trăm triệu đồng để triển khai dự án.
Ông Huỳnh Minh Luân cho biết: Trước đây, khi còn nghèo khó, gia đình được Nhà nước, thôn xóm hỗ trợ. Nay thôn, xã cần đất để xây dựng hội trường, làm đường giao thông, tôi nhận thấy mình cũng cần có trách nhiệm chung sức trong xây dựng thôn, xóm. Việc xây dựng hội trường thôn, đường giao thông mang lại lợi ích lâu dài, nên tôi sẵn sàng đóng góp để cùng nhân dân chung sức XDNTM.
Tương tự, trước đây tuyến đường dẫn vào thôn 7, xã Nhân Cơ chỉ là đường cấp phối, người dân đi lại, trẻ em đến trường gặp nhiều khó khăn vì mưa lầy, nắng bụi. Khi có chủ trương của ban tự quản thôn triển khai làm đường bê tông, gia đình bà Lê Thị Kim Liên tự nguyện đóng góp hơn 100 triệu đồng để làm đường.
Theo bà Liên, việc đầu tư đường giao thông sẽ giúp gia đình bà và những người dân trong thôn bớt khó khăn, vất vả hơn trong việc đi lại. Mặt khác, đường giao thông thuận lợi sẽ là “cầu nối” để người dân trong thôn giao thương, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn. Từ những lợi ích mang lại, gia đình bà đã không ngần ngại đóng góp số tiền lớn để làm đường.
Đưa Đắk R’lấp về đích
Nhờ sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân, huyện Đắk R’lấp trở thành lá cờ đầu của Đắk Nông trong phong trào XDNTM. Đến nay, 08/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó, 03 xã: Đạo Nghĩa, Nhân Cơ, Nhân Đạo đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2015; 05 xã: Nghĩa Thắng, Đăk Wer, Quảng Tín, Đăk Ru, Kiến Thành đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020. Với 2 xã còn lại chưa cán đích, kết quả XDNTM cũng đáng ghi nhận. Cụ thể, xã Đắk Sin đạt 12/19 tiêu chí, xã Hưng Bình đạt 17/19 tiêu chí.
Kết quả trên đã chứng minh, XDNTM ở huyện Đắk R’lấp khó thành công nếu không có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Minh chứng thuyết phục là giai đoạn 2011-2020, với nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Đắk R’lấp đã huy động được gần 8.800 tỷ đồng XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 338 tỷ đồng.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, bộ mặt nông thôn huyện Đắk R’lấp có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đến nay, hệ thống đường huyện được nhựa hóa 142,5km, đạt 100% (tăng 47,5% so với tháng 12/2010); đường xã, thôn bon cứng hóa được 239km, đạt 65% (tăng 47,3% so với tháng 12/2010). Đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt 45%.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng được quan tâm. Toàn huyện có 24/51 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia thuộc 10 xã thực hiện XDNTM, đạt 47,01%. Đối với tiêu chí Y tế: tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế (xấp xỉ 85%) có 6/10 xã đạt; đạt tiêu chí quốc gia về y tế có 10/10 xã đạt. Tương tự, hệ thống lưới điện, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn,…cũng được đầu tư đồng bộ, phục vụ hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk R’lấp, phong trào thi đua XDNTM đã góp phần giúp địa phương đạt được những thành tựu vượt bậc như hiện nay. Huyện phấn đấu cuối năm 2020 có thêm 2 xã Hưng Bình và Đắk Sin đạt chuẩn NTM; 3 xã Nhân Cơ, Nhân Đạo, Đạo Nghĩa xét, công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Bước sang năm 2021, Đắk R’lấp sẽ về đích huyện NTM.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.