Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 7 năm 2022 | 16:24

TAND tỉnh Trà Vinh xét xử hơn 10 vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi

Theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, TAND tỉnh Trà Vinh đã xét xử trên 10 vụ án có liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi.

Những bản án thích đáng
 
Chơi hụi là hình thức huy động vốn "truyền thống" có từ lâu, với lợi thế huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn nên thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều người chơi hụi chưa tìm hiểu kỹ cách thức thực hiện nên có trường hợp tham gia một cách hời hợt, chỉ dựa vào lời nói, lòng tin đối với chủ hụi, không tìm hiểu các dây hụi, thành viên tham gia, thậm chí không trực tiếp đến khui hụi, việc gom và giao hụi đều do chủ hụi thực hiện.
 
Việc này vô tình tạo sơ hở cho các chủ hụi thực hiện hành vi gian dối. Một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vì vậy, vỡ hụi xảy ra ở nhiều nơi, khiến cho không ít gia đình điêu đứng.
 
Bị cáo Hồng Thị Lẻ (ngụ xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần) vừa bị TAND tỉnh Trà Vinh tuyên phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2000, Lẻ đứng ra làm đầu thảo hụi để hưởng tiền hoa hồng, lúc đầu mở các dây hụi từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng và số lượng hụi viên tham gia ít. Khoảng năm 2011, có một số hụi viên sau khi hốt hụi không đóng tiền hụi nên chủ hụi phải đóng thế. Đến năm 2013, do không còn khả năng tài chính, Lẻ vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để choàng hụi và tiếp tục mở thêm nhiều dây hụi, từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, rồi gian dối đặt tên khống vào dây hụi và tự ý lấy tên hụi viên để hốt và bán hụi khống để chiếm đoạt tài sản.
vo_hui-1656897348593.jpg
Hồng Thị Lẻ bị tuyên án 14 năm tù.
 
Đến giữa tháng 4/2020, Lẻ mất khả năng tài chính nên tuyên bố vỡ hụi. Tại thời điểm vỡ hụi, còn 26 dây hụi chưa kết thúc. Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ Lẻ có hành vi gian dối chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Út (ngụ cùng địa phương) là nạn nhân có số tiền thiệt hại lớn nhất (gần 400 triệu đồng). Theo ông, ban đầu Lẻ làm ăn uy tín, tạo được lòng tin nên có bao nhiêu tiền là ông gom và chơi hụi. Ông Út thấy có lời nên mua nhiều dây hụi của Lẻ. Ông còn cho Lẻ mượn tiền, vàng để cho người dân vay lại khi không có tiền đóng hụi.
 
Bản án 14 năm tù đối với Lẻ là xứng đáng nhưng phía sau vẫn còn những hậu quả nặng nề. Chồng và con của Lẻ không có nghề nghiệp ổn định, không còn tài sản để giải quyết vấn đề dân sự. Trong khi nhiều nạn nhân lớn tuổi, không còn sức lao động đã dùng hết tiền dành dụm vào việc chơi hụi để tích trữ tiền phòng thân nhưng đến cuối cùng không nhận được số tiền như mong muốn mà còn phải gánh thêm nợ.
 
Bằng những thủ đoạn tương tự, Lê Thị Tha (36 tuổi, ngụ xã An Trường, huyện Càng Long) đã kê tên khống 374 phần hụi, tự ý lấy tên hụi viên hốt 117 phần hụi và bán hụi khống để chiếm đoạt số tiền trên 3,8 tỷ đồng. Với những hành vi gian dối, Tha đã bị tòa án tuyên phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ vỡ hụi là do người dân quá tin tưởng vào chủ hụi, không tìm hiểu và nắm vững những quy định của pháp luật. Vì vậy, khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra, họ không có cơ sở pháp lý để khiếu nại, kiện chủ hụi ra tòa hoặc bảo vệ quyền lợi. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra mà còn gặp khó khăn trong việc thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả cho hụi viên. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và phòng tránh rủi ro.
 
Nên xem xét khởi tố hình sự

Hụi là hình thức giao dịch về tài sản trên cơ sở thỏa thuận của nhiều người với mục đích tương trợ vốn trong nhân dân để đầu tư sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, thực trạng đáng cảnh báo hiện nay là có nhiều dây hụi bị vỡ dẫn đến khiếu kiện gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Qua thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vỡ hụi, nhưng chủ yếu là 2 nguyên nhân sau: Thứ nhất, chủ hụi khi tham gia hụi là nghiêm túc, nhưng nhiều hụi viên khi hốt hụi không đóng hụi chết dẫn đến tình trạng chủ hụi mất khả năng thanh toán. Thứ hai, chủ hụi có sự gian dối từ khi bắt đầu giao dịch hụi như kê khống số lượng hụi viên hoặc lập ra dây hụi ma không có hụi viên nào tham gia để lừa đảo.

Thông thường, các dây hụi với sự tham gia của hàng chục, thậm chí cả trăm người dân. Số tiền chơi hụi của mỗi người tùy theo thời gian hụi ngày, hụi tuần hay hụi tháng, từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng. Khi hụi bị vỡ, chủ hụi chiếm đoạt rồi bỏ đi nơi khác hoặc thách thức các hụi viên đi khởi kiện là tình trạng phổ biến nhất hiện nay.

Về quy định pháp luật: Nghị định 144/2006 có quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hụi nhưng thực tế khi người tham gia giao dịch hụi bị chiếm đoạt tiền thì việc thu hồi gần như không khả thi.

Đối với việc chiếm đoạt tiền của nhiều chủ hụi hiện nay đều có dấu hiệu của các tội chiếm đoạt theo quy định của Bộ luật Hình sự: Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Khoản 1, Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm: 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Đối chiếu với quy định trên thì hành vi lập hụi viên khống là “gian dối” có đủ yếu tố để khởi tố hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự.

Còn hành vi khi tham gia giao dịch hụi không có ý chiếm đoạt nhưng sau khi nhận tiền của các hụi viên thì sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn, hoặc thách thức hụi viên đi kiện… thì có thể khởi tố theo quy định tại khoản 1, Điều 139 Bộ luật Hình sự “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, dù tình trạng vỡ hụi xảy ra rất nhiều nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Đa số các cơ quan chức năng khi giải quyết đều có quan điểm giải quyết bằng vụ án dân sự chứ không giải quyết bằng vụ án hình sự. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn đối với hành vi này để góp phần làm giảm, làm dừng việc chiếm dụng vốn bất hợp pháp như hiện nay. Còn đối với người dân, khi tham gia chơi hụi cũng nên cẩn thận, tìm hiểu kỹ để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, gia đình đổ vỡ, mất hạnh phúc…

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top