Hòa cùng không khí tưng bừng của cả nước, những ngày này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình cũng rộn ràng chào đón ngày Tết Độc lập của dân tộc.
Nhân dân trong tỉnh đón Tết Độc lập.
Rộn ràng ngày Tết Độc lập
Với tâm niệm có nước mới có nhà, ông Trần Mạnh Diệp ở xã An Ninh (huyện Tiền Hải), năm nay gần 90 tuổi, vẫn luôn giáo dục con cháu về giá trị lịch sử, ý nghĩa lớn của ngày Tết Độc lập - ngày mà cách đây 73 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Diệp kể: “Xưa kia, nơi đây nghèo lắm, nhà nhà phải ăn cơm độn, những ngày Tết cổ truyền chủ yếu vui vầy về tinh thần chứ vật chất cũng chẳng có. Thế nên, dẫu hiểu về ý nghĩa của ngày Tết Độc lập nhưng do đời sống của người dân còn quá khó khăn nên bà con cũng chỉ vui ở trong lòng vậy thôi. Sau thời kỳ đổi mới, nhờ ơn Đảng, Chính phủ, đời sống của bà con ngày một đầy đủ hơn, giờ thì An Ninh tổ chức Tết Độc lập trong không khí vui tươi như ngày hội lớn…”.
Ông Nguyễn Văn Mùi (sinh năm 1931) ở phường Kỳ Bá (TP. Thái Bình) vẫn còn nhớ như in hình ảnh những tấm khẩu hiệu được làm bằng cót, nét chữ viết bằng vôi hòa cùng dòng người từ khắp nơi đổ về trung tâm tỉnh. Ngày ấy, ông Mùi là Đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong xã Kỳ Bá (nay là phường Kỳ Bá). Ông kể: Hôm đó, tôi là thành viên của đội trống, đi cổ vũ mít tinh, không khí sục sôi lắm, ai ai cũng vui, cũng hô to khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Đến bây giờ, khi xem lại những thước phim tư liệu về ngày 2/9/1945, tôi vẫn không sao quên được cảm xúc đó, cứ như mới diễn ra gần đây thôi…
“Thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòa bình, chưa từng biết đến chiến tranh nhưng đều có chung niềm tự hào, xúc động về ngày Quốc khánh 2/9. Để có được ngày độc lập ấy, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu… Chính vì giá trị thiêng liêng đó mà không biết từ bao giờ, ngày lịch sử trọng đại này đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, được người dân chờ đón. Nhiều địa phương tưng bừng tổ chức như ngày Tết lớn thứ hai trong năm và gọi là Tết Độc lập”, chị Nguyễn Thị An, 32 tuổi ở xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương) bày tỏ.
“Quê lúa” đổi thay
Về Thái Bình hôm nay, điều dễ nhận thấy là những đổi thay to lớn trong bức tranh kinh tế - xã hội đa màu sắc của “quê hương 5 tấn” trên chặng đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Xuất phát điểm từ tỉnh nghèo, song với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, Thái Bình đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng.
Ngay từ những năm đầu đổi mới đất nước, để cụ thể hóa 4 chương trình kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương bằng 6 chương trình kinh tế - xã hội: Điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Thái Bình đã huy động sức người, sức của đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, xây dựng hạ tầng nông thôn.
Những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt 36.321 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,04%/năm. Thực hiện 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và 3 đột phá chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Đến nay, Thái Bình đã có những bước phát triển khá toàn diện, kinh tế ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2017, GRDP đạt 45.482 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016; Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, đã có 200 xã và 1 huyện (Hưng Hà) được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới…
Thành tựu quan trọng và toàn diện đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; công tác xây dựng Đảng trong tiến trình đổi mới, hội nhập, xây dựng nông thôn mới đã và đang là những minh chứng sinh động của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình học tập và làm theo lời Bác dạy, làm cho Thái Bình trở thành tỉnh “gương mẫu về mọi mặt”. Đồng thời, tiếp tục phấn đấu để tạo nên diện mạo một Thái Bình năng động, hiện đại và phát triển.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.