Sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (2011 - 2017), huyện Thạch Thất đã huy động được hơn 1.500 tỷ đồng từ nhiều nguồn đóng góp, trong đó vận động nhân dân được hơn 90 tỷ đồng, hiến hơn 60.000m2 đất các loại.
Nhân dân xã Cần Kiệm (Thạch Thất) hiến đất xây dựng nông thôn mới.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Theo ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ngay sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của TP.Hà Nội tại lễ phát động toàn dân xây dựng nông thôn mới năm 2010, Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo xây dựng Nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch làm Phó ban thường trực, thành lập các tổ công tác. UBND huyện chỉ đạo lập quy hoạch và Đề án của 22 xã trên địa bàn về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyên cho biết thêm, ngay sau khi lập và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới năm 2012, Thạch Thất có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 19 xã đạt 6 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt tập chung vào quy hoạch, thu nhập, hộ nghèo, thủy lợi, giao thông, lao động có việc làm thường xuyên, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, chợ nông thôn.
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, UBND huyện tiến hành kế hoạch cụ thể chi tiết cho từng năm, lập các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng, xây mới cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tiêu chí. Huyện đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí chưa đạt, từ đó huy động mọi nguồn lực của địa phương, kết hợp nguồn hỗ trợ của thành phố, của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn để đầu tư và xây dựng các công trình.
“Để có được thành quả hôm nay, chúng tôi nhận thấy việc tuyên truyền nhân dân tham gia cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới là một trong những việc làm quan trọng”, ông Nguyên chia sẻ.
Nhân dân đồng thuận
Chúng tôi về xã Hương Ngải, nơi gia đình ông Nguyễn Chí Dũng đã tự nguyện đóng góp ủng hộ 4,5 tỷ đồng để xây dựng một ngôi trường mầm non cho con em trong xã. Ông Dũng cho biết, Hương Ngải trước đây có trường mầm non nhưng xuống cấp trầm trọng, nhà cửa cũ nát, mưa xuống là dột, sân trường lầy lội…
Trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất chỉ có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5-6 tiêu chí. Đến nay, huyện đã có 15/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18%. |
Ngay sau khi UBND huyện có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhận thấy đây là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi bàn bạc và quyết định góp sức cùng chính quyền và nhân dân xây dựng một ngôi trường mầm non cho các cháu có nơi học tập, vui chơi.
Là xã miền núi, trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình, được sáp nhập về huyện Thạch Thất năm 2008, Tiến Xuân có đông đồng bào Mường sinh sống, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào trồng rừng, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và các cơ sở sinh hoạt cộng đồng.
Nhờ công tác vận động tuyên truyền, đồng bào nơi đây đã tham gia cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Nguyễn Văn Thơm ở thôn Bãi Dài đã hiến 987m2 đất vườn để làm nhà văn hóa. Sau khi khánh thành, nhà văn hóa thôn Bãi Dài là nơi người dân tập trung sinh hoạt văn hóa, hội họp, nghe phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bà Bùi Thị Nhớn ở thôn Bãi Dài chia sẻ: Từ khi nhà văn hóa thôn được xây dựng, chúng tôi được chính quyền xã, thôn tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước, được biết đến quyền lợi của mình, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Cảm ơn ông Thơm, cảm ơn chính quyền nhiều.
Không chỉ có gia đình ông Dũng, ông Thơm, ở Thạch Thất còn có ông Bùi Văn Trường (Tân Xã) hiến 375m2 đất, ông Nguyễn Văn Thiện (Cần Kiệm) hiến 225m2 đất ở, ông Nguyễn Văn Miệt (Bình Yên) hiến 200m2 đất nông nghiệp…
Thạch Thất nằm phía Tây của Hà Nội, có nhiều xã phát triển kinh tế khá mạnh, nhưng cũng có xã còn khó khăn, đời sống người dân còn nhiều vất vả, nhưng với sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các tổ chức đoàn thể, ban nghành, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thành công này nhờ vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, chính quyền UBND huyện, đặc biệt là sự đồng lòng của nhân dân.
Về Thạch Thất hôm nay, đi trên những con đường được trải thảm bê tông phẳng lỳ, hai bên là những ngôi nhà cao tầng mộc lên san sát, cảm giác của chúng tôi như đang đi trên những con phố của Thủ đô. Mong rằng, Thạch Thất sẽ cán đích huyện nông thôn mới trong năm 2018 này.
Ngọc Thủy
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.