Thời gian qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên rất coi trọng phát triển nông sản an toàn, giúp việc sản xuất và kinh doanh của người dân ngày càng hiệu quả.
Sản xuất chè theo hướng an toàn
Thái Nguyên hiện có hơn 22,3 nghìn hecta chè, năng suất trung bình 118 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 238 nghìn tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 430 cơ sở, 63 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến chè và trên 60 nghìn hộ tham gia sản xuất, kinh doanh chè.
Tham quan mô hình của Tổ sản xuất chè VietGAP xóm 7, ông Lê Vĩnh Thịnh, một thành viên trong tổ sản xuất chè giới thiệu: “Tổ sản xuất chè VietGAP xóm 7 được thành lập năm 2012, hiện có trên 10ha chè được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 40 hộ dân tham gia”.
Chị Nguyễn Thị Mai, thành viên của Tổ vừa thoăn thoát hái chè vừa trò chuyện: Gia đình tôi có 3 sào chè và bắt đầu sản xuất theo quy trình VietGAP từ khi Tổ được thành lập. Từ đó đến nay, gia đình tôi đã chuyển từ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hóa học sang sinh học; bón phân đủ liều lượng, thời gian quy định để giúp cây chè hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên, cho hay: Hiện nay, diện tích chè cho sản phẩm trên địa bàn thị xã đạt 1.655ha. Đến nay, thị xã đã thành lập được 14 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP với diện tích đạt 150ha (chiếm gần 10% tổng diện tích chè). Đối với các tổ sản xuất chè VietGAP, từ khi áp dụng trồng chè theo hướng hữu cơ, an toàn, năng suất chè đã tăng lên 120 tạ/ha (tăng hơn khoảng 30 tạ so với cách đây 4 năm); giá bán 1kg chè búp khô cao hơn 1,2-1,5 lần.
Ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, đánh giá: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đối với cây chè, thị xã đã từng bước hình thành các vùng chè an toàn, tập trung. Thị xã đã vận động các hộ đăng ký tham gia tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (6 triệu đồng/ha); hỗ trợ vật tư để lắp 150 điểm tưới nước tiết kiệm trên diện tích khoảng 45ha,… Trong thời gian tới, thị xã phấn đấu mở rộng diện tích trồng chè VietGAP thêm 30ha, thành lập mới 4 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP; cùng với đó là tăng cường tuyên truyền cho các tổ sản xuất chè VietGAP chú trọng hơn trong việc đầu tư mở rộng vùng chè, tích cực nâng cao thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân…
Rau bán tại vườn
Hơn chục năm trở lại đây, vườn rau gia đình ông Nguyễn Đức Minh, xã Sơn Phú (Định Hóa) trở thành địa chỉ tin cậy về cung cấp rau an toàn vệ sinh thực phẩm (rau sạch). Dù nằm khuất trong xóm Bản Thanh, cách trung tâm xã gần 5 cây số, gần như vụ rau nào gia đình ông cũng bán tại vườn.
Thầy giáo Phùng Đức Lai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, cho biết: Với gần 300 suất ăn nội trú, nhất là ở huyện miền núi, vấn đề lo thực phẩm hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Dịch vụ cung ứng tại chỗ nhiều thời điểm không đủ phải đi thu gom ở xa. Chính vì vậy vườn rau an toàn của gia đình ông Minh là lựa chọn thuận lợi nhất cho nhà trường. Gia đình ông Minh hiện có hơn 3 sào đất vườn canh tác rau luân canh, gối vụ và gần 1ha đất đồi thấp để canh tác các loại rau có chu kỳ phát triển dài ngày có thể cung ứng được vài tấn rau, củ các loại mỗi vụ.
Ông Minh cho biết: “Ban đầu cũng khó bán, vì rau không đẹp, nhưng mình làm cho gia đình ăn, nên coi trọng yếu tố an toàn về sức khỏe lên trên hết”. Với mức thu nhập sau khi trừ chi phí ban đầu và công chăm sóc đạt 10 triệu đồng/sào/năm, 03 sào rau sạch gia đình ông Minh vượt gấp cả chục lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Phát triển mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAP
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình đã ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi tập trung, theo quy mô trang trại.
Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Vũ Văn Tư, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương là 1 trong những trang trại đầu tiên của huyện Phú Bình được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2017. Ông Tư cho biết: Tôi đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo chuồng trại, xây thêm bể biogas 40m3. Sau đó, cơ quan chức năng đã khảo sát điều kiện ban đầu, lấy mẫu nước và thức ăn chăn nuôi; đào tạo kiến thức về chăn nuôi VietGAP, ban hành biểu mẫu ghi chép, xây dựng và ban hành hệ thống quản lý, đánh giá nội bộ, cuối cùng là lấy mẫu nước tiểu động vật. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chuồng trại, nguồn nước, chất lượng con giống; ghi chép cẩn thận sổ theo dõi chế độ chăm sóc, thức ăn, lịch tiêm phòng vắc xin… nên qua nhiều đợt lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng, trang trại của tôi đã được cấp giấy chứng nhận.
Cũng áp dụng quy trình VietGAP nhưng anh Nguyễn Đắc Phúc, xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim lại lựa chọn chăn nuôi gà. Theo anh Phúc, trang trại nuôi trung bình 1-1,4 vạn con gà/năm. Bắt đầu áp dụng quy trình này từ tháng 3/2019, đến cuối năm thì trang trại tôi được cấp giấy chứng nhận. Chăn nuôi VietGAP, ngoài việc đàn gà phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh thì tôi thấy giảm được 3-4 triệu đồng tiền cám/1.000 con/lứa, 4-5 triệu đồng tiền thuốc thú y do sử dụng các chế phẩm sinh học.
Liên kết chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học
Được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, một số hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại xóm Làng Ngòi và Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học (ATSH). Theo đó, 5 hộ tham gia đã được hướng dẫn liên kết thành lập THT chăn nuôi gia cầm ATSH xã Động Đạt vào tháng 8/2019. Tiếp đó, THT được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt ATSH theo chuẩn VietGAPH; tập huấn nghiệp vụ quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; thiết kế, in ấn tem truy suất nguồn gốc; kết nối ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa THT với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Dự án cũng hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm ATSH bao gồm: 70% giá nhập 2.500 con gà giống, 5.000 con vịt giống; 50% giá thức ăn, thuốc thú y.
Ông Vi Văn Thái, Tổ trưởng THT chăn nuôi ATSH xã Động Đạt cho biết: Từ khi thành lập THT, các thành viên đã có điều kiện được thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật với nhau hơn; thống nhất được giá cả cung ứng ra thị trường; thống nhất cơ sở nhập giống gia cầm, cám, thuốc thú y… Ngoài ra, chúng tôi cũng biết cách ghi chép sổ sách về quá trình chăn nuôi; vệ sinh sạch sẽ bề mặt chuồng trại thường xuyên; kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt theo phương pháp ATSH…
Ông Nông Văn Thành, xóm Làng Chảo là 1 trong 5 tổ viên của THT cho biết: Trước đây, tôi chủ yếu chăn thả tự do. Tuy nhiên, nuôi theo phương pháp này khá vất vả, không kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống chỉ đạt khoảng 70-85%. Từ khi tham gia THT, tháng 8/2019, tôi đã quyết định chuyển hướng nuôi vịt ATSH, đầu tư xây sửa chuồng trại theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm ATSH, áp dụng các kiến thức được tập huấn về chăn nuôi gia cầm ATSH. Thực hiện theo phương pháp này, tỷ lệ vịt sống đạt tới 95%; tỷ lệ tiêu tốn 2,6 kg thức ăn/kg thể trọng (ít hơn 0,4 kg so với phương pháp truyền thống); vịt xuất bán đạt cân nặng đồng đều trung bình 3,2kg/con; giá thành để nuôi 1 con vịt khoảng 88 nghìn đồng/con (thấp hơn 5 - 7 nghìn đồng so với phương pháp truyền thống). Từ tháng 8 đến hết năm 2019, gia đình tôi xuất bán được 5 nghìn con vịt với giá 40 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đạt 30 nghìn đồng/con.
Nếu trước kia các hộ chăn nuôi chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái thì nay đã có cơ hội cung ứng sản phẩm cho siêu thị Minh Cầu. Từ cuối năm 2019 đến trước dịp Tết Nguyên đán, Tổ đã cung ứng cho siêu thị hơn 100 con vịt, gần 200 con gà. Hiện, Tổ cũng đang chuẩn bị xuất bán lứa tiếp theo cho siêu thị. Nhờ có liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị, thương hiệu sản phẩm của Tổ đã được nhiều người biết đến và có thêm đơn đặt hàng với bếp ăn tập thể của Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Từ khi thành lập đến hết năm 2019, Tổ đã nuôi được 7.000 con vịt, 2.500 con gà. Giá xuất bán gia cầm trên thị trường đạt giá trị cao, lợi nhuận thu được khoảng 350 triệu đồng.
Tăng cường thanh, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiện nay, thị xã Phổ Yên có 813 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hằng năm, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền cho người dân về bảo đảm vệ sinh ATTP; triển khai ký cam kết bảo đảm ATVSTP đối với các sơ sở, sản xuất, kinh doanh, chế biến, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đối với việc triển khai thực hiện Tháng hàng động vì ATTP năm 2020, thị xã đã cấp phát 100 đĩa tuyên truyền cho các xã, phường phát trên hệ thống loa truyền thanh; thành lập 19 đoàn đi kiểm tra ATTP trên địa bàn với trên 200 cơ sở, kết quả không có trường hợp nào phải xử lý vi phạm hành chính.
Từ năm 2017 đến tháng 5/2020, toàn tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP tại 149 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 30 cơ sở xếp loại A, 112 cơ sở xếp loại B và 7 cơ sở xếp loại C. Bên cạnh đó, các đoàn liên ngành cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến, các siêu thị,... nhằm hướng mọi người cùng chung sức đồng lòng vì nông sản, thực phẩm sạch của địa phương.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.