Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 đạt 2,69 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng năm 2016 đạt 29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 0,8% với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 450 USD/tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 36% thị phần.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đạt 6,2 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 - chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (14,2%), Anh (10,1%), Trung Quốc (8,5%) và Úc (8,1%).
Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,4 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 54,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (47,7%), Hà Lan (16,1%), Hoa Kỳ (13,1%) và Thái Lan (12,6%).
Trong tháng 11/2016, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều, với xu hướng tăng nhẹ chiếm ưu thế. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn.
Giá cà phê giảm do điều kiện thời tiết thuận lợi tại Brazil và triển vọng lạc quan của vụ thu hoạch cà phê tại Việt Nam bởi các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa khô.
Giá hạt tiêu cùng nhu cầu trên thị trường thế giới giảm đã tác động đến thị trường trong nước, kéo giá tiêu tại Việt Nam giảm mạnh trong thời gian qua.
Thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng này có xu hướng chững lại cả về sức mua và giá cả do các doanh nghiệp sau khi đã gom đủ lượng hàng cung cấp theo hợp đồng tiêu thụ dịp Noel, tết dương lịch ở một số thị trường Âu - Mỹ.
Giá tôm nguyên liệu trong tháng 11 tiếp tục tăng so với tháng trước do nguồn cung ít và nhu cầu thu mua của các nhà máy chế biến xuất khẩu cao./.