Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 9 năm 2017 | 5:1

Thanh Hóa “thay da đổi thịt”

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử phát triển của vùng đất xứ Thanh gắn liền với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Trong thời bình, sự đổi thay của Thanh Hóa mang lại ý nghĩa không nhỏ trong công cuộc phát triển đất nước, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ.

Những năm gần đây, Thanh Hóa từng bước “thay da đổi thịt” về mọi mặt.

Đất địa linh nhân kiệt

Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, được lưu danh bởi các tên tuổi như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền... và các vương triều trong lịch sử dân tộc như vương triều Lê (tiền Lê, hậu Lê), Hồ, Nguyễn.

“Con ơi con ngủ cho đành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Ai coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu Ấu cưỡi voi đánh cồng”

Câu ca dao là minh chứng cho niềm tự hào của con dân xứ Thanh đối với người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc Ngô thuở nào.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Những ngọn cờ Cần Vương chống Pháp ở xứ Thanh lại được phất lên mạnh mẽ và rộng khắp. Các căn cứ Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Điền Lư, Trịnh Vạn... ra đời. Nhưng mới chỉ một Ba Đình, xứ Thanh đã trở thành bất tử. Và vinh quang thay cái tên Ba Đình đã trở thành tên của Quảng trường đỏ của Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, hòa chung với dòng chảy cách mạng của dân tộc, Thanh Hóa bước vào một thời kỳ mới.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứ Thanh trở thành địa bàn cách mạng kiên cường. Và trong  cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp thì đây là pháo đài bất khả xâm phạm, hậu phương to lớn, góp một phần quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Để tưởng nhớ những hi sinh của nhân dân xứ Thanh, Bác Hồ từng nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hoá cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứ Thanh lại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và bảo vệ vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa, góp sức người sức của giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử, có thể nói, trên mọi mặt trận đấu tranh gìn giữ nền độc lập của dân tộc, từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Hàm Tử, Đống Đa đến Điện Biên Phủ, hay từ Quảng Trị, Tây Nguyên, Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đều có sự góp mặt của người xứ Thanh.

Miền đất hứa của thời đại mới

Tiếp nối những vẻ vang của lịch sử, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, Thanh Hóa đã tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đạt được những kết quả quan trọng, đáng tự hào.

Sau 13 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, tháng 6/1996, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII quyết định đưa sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu, đó là thực hiện CNH, HĐH đất nước.

Theo đó, Thanh Hóa cũng xác định mục tiêu, nhiệm vụ, bước đi phù hợp và đặt ra phương hướng phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được các thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Giai đoạn 1996 - 2017, kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhiều chỉ tiêu quan trọng hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch, quy mô nền kinh tế và năng lực sản xuất không ngừng phát triển. Điều đó được minh chứng: Thời kỳ 2010 - 2015, GDP tăng gấp 1,7 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Riêng năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,05%, vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 12.300 tỉ đồng, vượt 10,8% dự toán, trong đó thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất là 8.700 tỉ đồng, vượt 18% dự toán.

Tính đến tháng 7/2017, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.004,8 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 12,2%; phí và lệ phí tăng 46,2% so với cùng kỳ... Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2017, tổng thu ngân sách ước đạt 6.529,3 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực, tỷ trọng nông - lâm - ngư trong GDP liên tục giảm, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, du lịch liên tục tăng. Năm 2016, tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,6% (giảm 1,3%); công nghiệp - xây dựng chiếm 40,6% (tăng 1,4%); dịch vụ chiếm 38,5% (tương đương cùng kỳ), thuế sản phẩm chiếm 4,3% (giảm 0,1%). GRDP bình quân ước đạt 1.620USD/người, gần bằng mục tiêu đề ra.

Thanh Hóa cũng là tỉnh nỗ lực tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2016, Thanh Hóa đã thành lập mới 1.400 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký 8.315 tỉ đồng, tăng 13,5% số DN so với cùng kỳ và 26,5% so vốn đăng ký. Trong số 8.534 DN đang hoạt động, có khoảng 6.770 DN phát sinh doanh thu với tổng doanh thu ước đạt 162.168 tỉ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ; nộp ngân sách của khối doanh nghiệp ước đạt 4.765 tỉ đồng, tăng 1,5%.

Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục thu hút được nhiều dự án lớn. Tính đến năm 2016, đã thu hút được 13 dự án đầu tư nước ngoài, 140 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 12.160 triệu USD và 104.886 tỉ đồng, giá trị thực hiện luỹ kế đạt 7.961,54 triệu USD và 42.241 tỉ đồng.

Tới nay, nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động cùng các dự án đang triển khai xây dựng. Diện mạo khu công nghiệp hàng đầu khu vực đang dần hình thành; Thanh Hóa thu hút hầu hết các tập đoàn lớn trong giới đầu tư bất động sản như Vingroup, Sungroup, FLC…

Tháng 4/2017, thị xã Sầm Sơn đã chính thức trở thành thành phố Sầm Sơn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển chung của Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.589 tỉ đồng, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 9,9% so cùng kỳ. Sản xuất thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 14.443 tỉ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ, đóng góp 22,7% giá trị sản xuất công nghiệp.

Các ngành dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 71.484 tỉ đồng, vượt 3,6% kế hoạch, tăng 16% so cùng kỳ, giá cả hàng hóa, dịch vụ nhìn chung ổn định. Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,737 tỉ USD, vượt 7,2% kế hoạch.

Thanh Hóa đang hứa hẹn là mảnh đất đầy tiềm năng, xứng đáng với sự tin tưởng và kì vọng của Bác Hồ năm xưa: “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

Xuân Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top