Từ tỉnh nghèo, khó khăn bủa vây tứ bề, nay Thanh Hóa đã trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽvề công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại... Tốc độ tăng trưởng đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu ước đạt 1,737 tỷ USD, vượt 7,2% kế hoạch và tăng 12,1% so với cùng kỳ. Hiện, Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu “trở thành tỉnh kiểu mẫu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn khi về thăm.
Biểu tượng của TP. Thanh Hóa.
Kế sách dài hơi
Tôi còn nhớ, vào một ngày đầu xuân năm 2012, trong buổi gặp gỡ, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, thời điểm đó, Thanh Hóa đang trăn trở kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp (KCN) như Nghi Sơn, Lễ Môn, Bỉm Sơn, Lam Sơn- Sao Vàng, khu du lịch nghỉ mát Sầm Sơn, Hải Tiến… Đồng thời, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 26 về “tam nông”, chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đưa đời sống dân sinh nông thôn ngày một đủ đầy, văn minh hơn. Nhưng để hoàn thành được những mục tiêu này, khó khăn với người dân xứ Thanh còn nhiều lắm, không dễ gì khắc phục và vượt qua trong ngày một ngày hai. Bởi lúc đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa luôn nằm ở top cuối, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún. Nhưng nhờ sự đoàn kết trong Đảng, cộng với năng lực sáng tạo của cả bộ máy lãnh đạo tỉnh, với tầm nhìn từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XVII đề ra, Thanh Hóa đã trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.
Và quả thật, chỉ sau hơn 4 năm, Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện đúng như những gì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẳng định với chúng tôi ngày đó.
Trên chuyến xe đến KCN Nghi Sơn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh kể cho chúng tôi nghe về một số dự án đã được các nhà đầu tư “đổ tiền, đổ của” vào xây dựng và sắp đến ngày cho “quả ngọt”.
Tính đến 15/11/2016, Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 189 dự án (11 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký lên tới 26.731 tỷ đồng và 155 triệu USD, tăng 74 dự án và gấp 2,1 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ; trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Dây chuyền 2 xi măng Long Sơn (3.882 tỷ đồng); quần thể khu du lịch cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng); sản xuất máy kéo hạng trung (1.500 tỷ); dự án xử lý và tái chế chất xúc tác tại Khu kinh tế Nghi Sơn (30 triệu USD).
Nói về thực hiện nhiệm vụ chính trị đến cuối năm 2016, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến nay ước đạt 9,05%; thu nhập bình quân đầu người 1.620 USD; tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu ước đạt 1,737 tỷ USD, vượt 7,2% kế hoạch và tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực với 6.770 doanh nghiệp phát sinh doanh thu; tổng doanh thu tăng 8,7% so với cùng kỳ; nộp ngân sách của khối doanh nghiệp ước đạt 4.765 tỷ đồng, tăng 1,5%. Toàn tỉnh thành lập mới 1.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 8.315 tỷ đồng, tăng 13,5% về số doanh nghiệp và 26,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 125.100 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ đạt khá so với kế hoạch và cùng kỳ; giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 4.570 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch; giá trị giải ngân ước đạt 4.935 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch. Trong năm, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án quan trọng như: Xi măng Long Sơn (dây chuyền 1); cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, Trần Nhân Tông, dự án không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thị xã Sầm Sơn); đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 1); khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Thọ Xuân…
Không chỉ chú trọng trong khâu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Thanh Hóa cũng đang hướng đến phát triển theo hướng toàn diện, trong đó chú trọng đến các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong năm 2016, Thanh Hóa đã chuyển đổi 6.248ha đất trồng lúa, trồng mía kém hiệu quả sang trồng các cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn; mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm; xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất, kết nối sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng giá trị sản xuất lên mức 25.968 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 1,72 triệu tấn; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại; tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi, trứng, sữa tươi đều tăng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 4.686 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Một góc Thanh Hóa hôm nay.
Đối với chương trình xây dựng NTM, dự kiến hết năm 2016, bình quân mỗi xã đạt 14,2 tiêu chí (tăng 0,9 tiêu chí so với cuối năm 2015); toàn tỉnh có 1 huyện, 158 xã, 300 thôn, bản đạt chuẩn NTM.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Vậy là sau hơn 4 năm “lao tâm, khổ tứ”, dồn sức cho “cuộc chuyển mình” vĩ đại, với xứ Thanh, đường lớn đã mở. Sẽ không có gì là lạ, nếu chỉ ít năm nữa thôi, cả nước sẽ được chứng kiến một Thanh Hóa thực sự “cất cánh”, trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của cả khu vực Bắc miền Trung. Bởi, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự lao động miệt mài sáng tạo của tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy và hàng triệu người dân xứ Thanh, thời cơ mới, vận hội mới đã được nắm lấy và biết phát huy một cách triệt để thì việc gì rồi cũng sẽ đến đích.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết, thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chương trình xây dựng NTM. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết, hình thành cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích trồng lúa, mía, sắn kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, giá trị kinh tế cao; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn...
Chúng tôi rảo bước trên đại lộ Lê Lợi, ngắm nhìn những tòa nhà cao tầng tráng lệ, những khu vui chơi giải trí, khu phố văn minh hiện đại, thân thiện, chợt nhớ lại buổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lý, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sầm Sơn, ông Lý tự hào: “Mỗi nhiệm kỳ đều đánh dấu những cố gắng của lãnh đạo và nhân dân trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, thay đổi bộ mặt quê hương. Nhưng có thể thấy, ở nhiệm kỳ vừa qua và nhiệm kỳ này, Thanh Hóa đã thực sự có những bước phát triển mang tính “nhảy vọt”. Từ thành công này cho thấy, xứ Thanh đang có một đội ngũ lãnh đạo tài năng, dám nghĩ, dám làm”.
Một đoàn thương gia nước ngoài khi nghỉ tại khu nghỉ mát Sầm Sơn đã để lại cảm nhận như sau: “Thanh Hóa có bãi biển cảnh sắc đẹp tuyệt vời, nước biển trong xanh, hiền hòa; nhiều khách sạn, biệt thự nghỉ mát được xây dựng hiện đại với những cảnh quan đẹp thiên nhiên ban tặng. Thanh Hóa đúng là điểm dừng chân hút hồn đối với những du khách và nhà đầu tư như chúng tôi”. Hy vọng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thanh Hóa sẽ còn đổi thay.
Năm 2017 Thanh Hóa đặt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 12% trở lên, trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 2,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%; dịch vụ tăng 9,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.750 USD. Cơ cấu các ngành kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 15,1%; công nghiệp - xây dựng 42,7%; dịch vụ 38,1%. Sản lượng lương thực 1,6 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.850 triệu USD. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 106.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp mới được thành lập trong năm đạt 3.000 doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước 13.512 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.312 tỷ. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 35,4%. |
Anh Bình
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.