Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 6 năm 2018 | 13:2

Thất bại của “Đại dự án nuôi bò trên giấy”

Với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, số lượng bò dự kiến lên đến 254.000 con, Dự án chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà từng được kỳ vọng là “đầu kéo” cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh khi đi vào hoạt động.

Thế nhưng, sau gần 3 năm triển khai, dự án để lại tai tiếng nhiều hơn danh tiếng.

bbh.jpg

Khung cảnh “vườn không, chuồng trống” sau gần 3 năm hoạt động.

 

“Vườn không, chuồng trống”

Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Liên doanh Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với Công ty CP An Phú Bình Định) từng được coi là một trong những doanh nghiệp ngoại tỉnh có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm chăn nuôi bò quy mô lớn được tỉnh Hà Tĩnh “chọn mặt gửi vàng”.

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 (có bổ sung, điều chỉnh tại QĐ số 99/QĐ-UBND ngày 12/01/2016) với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 2.163,5ha ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã thống nhất và thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên diện tích đất do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với hơn 1.848ha (Kỳ Anh 705,08ha, Cẩm Xuyên 1.143,6ha) nằm trong quy hoạch chăn nuôi bò theo Quyết định số 1300/QĐ-UBND với số tiền 98 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng trăm hecta đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (Kỳ Anh) cũng được thu hồi để triển khai dự án này.

Được biết, ngày 15/1/2016, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kết hợp với Công ty Bình Hà đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỉ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỉ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỉ đồng.

Liên quan dự án chăn “nuôi bò trên giấy” ở Hà Tĩnh, ngày 12/6/2018, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 2 bị can Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc Công ty Tân Đại Việt (có trụ sở tại phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 110 tỷ đồng khi thực hiện dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh.

Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỉ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỉ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn... Nhờ nhận được nhiều sự quan tâm nên thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai dự án được thực hiện khá nhanh.

Theo cam kết của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà với tỉnh Hà Tĩnh, dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống công ty triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu bò thịt, bò giống trong nước và phục vụ xuất khẩu; tạo công ăn việc làm, tổ chức liên kết sản xuất với người dân và chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương.

Theo đó, cỏ được trồng và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel; giống bò Brahman có thể lực tốt, thích nghi cao với khí hậu nhiệt đới. Bò nuôi vỗ béo có trọng lượng khi xuất chuồng từ 520 - 600kg. Sau khi dự án đi vào hoạt động, lợi nhuận đạt từ 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 3.000 lao động. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, theo nhận xét của nhiều người, dự án gần như thất bại toàn diện.

Mặc dù nhận được nhiều ưu ái, song theo số liệu từ Chi cục Thú y - Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, dự án mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tổng đàn bò nhập về, thả nuôi các đợt cứ giảm dần và đến thời điểm hiện tại, số bò được chăn nuôi tại Cẩm Quan, Cẩm Xuyên còn 1.140 con, còn ở trang trại Kỳ Tây thì “vườn không, chuồng trống”.

Tai tiếng nhiều hơn danh tiếng

Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà đã nhận được sự quan tâm, ưu ái đặc biệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh nhưng đáp lại kỳ vọng đó là dự án đang  “chết lâm sàng”. Ngoài thua lỗ, gây ô nhiễm môi trường, nông dân mất tư liệu sản xuất, dự án để lại rất nhiều sự bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương. Điều đáng buồn hơn là sự coi thường, thiếu phối hợp với các cấp của lãnh đạo Công ty Bình Hà (?!), hầu hết các cuộc làm việc do lãnh đạo tỉnh, huyện chủ trì, mời năm lần bảy lượt nhưng cán bộ công ty đến dự họp cấp cao nhất cũng chỉ là... cấp phó.

Quyết định cho thuê đất với thời gian 50 năm của tỉnh Hà Tĩnh đối với Công ty Bình Hà chỉ phê duyệt hạng mục chăn nuôi bò, trồng cỏ và xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, trong năm 2017, công ty này bất chấp quy định; phớt lờ, cày phá hàng trăm hecta cỏ để trồng chuối mà không đánh giá lại tác động môi trường (ĐTM); không xin phép cơ quan chức năng sản xuất thử nghiệm giống chuối mới Cavendish.

 

bo3.jpg

Phớt lờ quy định của tỉnh Hà Tĩnh, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà chuyển diện tích từ trồng cỏ sang trồng chuối.

 

Trong khi Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định, diện tích sản xuất thử giống mới khu vực Bắc Trung Bộ không quá 20ha nhưng thực tế, Công ty  Bình Hà trồng lên đến hơn 200ha, vi phạm nghiêm trọng quy trình khảo nghiệm, sản xuất thử giống nông nghiệp mới trên địa bàn.

Cụ thể, với 678ha cỏ, công ty này đã lên kế hoạch chuyển đổi sang trồng chuối 420ha; diện tích còn lại chủ yếu đồi cao, núi đá không trồng chuối được. Đến ngày 12/9/2017 đã phá cỏ, làm đất 380ha (trong đó huyện Kỳ Anh 237ha/351ha được giao), mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần tuýt còi, yêu cầu tạm dừng hoạt động chuyển đổi đến khi hoàn tất thủ tục được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Như vậy, gần một năm trôi qua kể từ ngày Hà Tĩnh “tuýt còi” việc phá cỏ trồng chuối của Công ty Bình Hà (tháng 9/2017), cơ quan chức năng Hà Tĩnh vẫn chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào để xử lý những vi phạm của doanh nghiệp này. Hầu hết diện tích đất quy hoạch trồng cỏ nuôi bò đã bị thay thế bằng cây chuối, gây bức xúc cho chính quyền và người dân trong vùng dự án. Thất bại của dự án chăn nuôi bò Bình Hà tiếp tục làm giảm niềm tin của người dân đối với các dự án đầu tư nông nghiệp.

“Bây giờ huyện chỉ mong cơ quan có thẩm quyền trả lời dứt khoát về giải pháp xử lý dự án, tránh lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, quản lý của địa phương. Trường hợp dự án không hiệu quả thì xây dựng phương án chuyển đổi; thậm chí nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng chủ trương chấp thuận đầu tư ban đầu thì UBND tỉnh cũng xem xét thu hồi dự án để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực khác đầu tư vào đây”, một lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cho biết.

 

 

Hứa hẹn đem lại lợi nhuận 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm, sau gần 3 năm hoạt động, Công ty Bình Hà thừa nhận, dự án nuôi bò chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Quy mô tổng đàn bò của dự án chỉ đạt 6%, tương tương 15.000 con bò/năm so với cam kết tổng đàn 254.200 con bò/năm. Công ty chưa phát triển được mô hình liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân như cam kết; chưa phát triển được vùng sản xuất công nghệ cao… Hoạt động kinh doanh năm 2016  lỗ hơn 200 tỷ đồng.

Dư luận hoài nghi, Công ty Bình Hà xây dựng dự án chỉ để vay vốn ngân hàng!?


 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top