Với diện tích tự nhiên 482ha, trong đó có 275,3ha đất nông nghiệp; 2 làng nghề truyền thống…, thị trấn Lâm hội đủ điều kiện phát triển kinh tế toàn diện, tạo nguồn lực tại chỗ thực hiện Chương trình MTQG XDNTM.
Với diện tích tự nhiên 482ha, trong đó có 275,3ha đất nông nghiệp; 2 làng nghề truyền thống đúc đồng Vạn Điểm khu A và làng gỗ mỹ nghệ Tân Ninh; Quốc lộ 38B chạy qua…, thị trấn Lâm hội đủ điều kiện phát triển kinh tế toàn diện, tạo nguồn lực tại chỗ thực hiện Chương trình MTQG XDNTM.
Triển khai nhiều giải pháp
Được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014 nhưng với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo diện mạo đô thị mới xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Ý Yên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Lâm đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, tạo nguồn lực đầu tư XDNTM.
Nhiều hạng mục công trình đã và đang tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện như: Bê tông hóa 2,7km đường trục xã; 1,1km đường ngõ xóm; 2,02km đường giao thông nội đồng; kiên cố hóa 850m kênh mương; 04 trạm biến áp được hoàn thiện nâng tổng công suất lên 3.750 KVA, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân; tu sửa, nâng cấp về cơ sở vật chất các trường học, nhà văn hóa, chợ Lâm, xây dựng lò đốt rác thải tập trung… Năm 2018, tiến hành khởi công xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn, xây dựng nhà văn hóa trung tâm và sân vận động, nâng tổng kinh phí đầu tư sau khi đạt NTM xấp xỉ 29 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Lâm, cho biết: Nhận thức được vị trí, vai trò của địa phương đối với sự phát triển chung của huyện, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo các tổ dân phố tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn và những người con quê hương đang làm ăn thành đạt khắp cả nước hướng về quê hương, đóng góp XDNTM. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện để nhân dân kinh doanh, buôn bán các loại nông sản, sản phẩm đúc đồng truyền thống; đồng thời phát triển một số loại hình dịch vụ phụ trợ tại khu vực chợ Lâm nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân và đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương; khuyến khích các hộ phát triển kinh tế nhằm gia tăng những dịch vụ phục vụ sản xuất của nông dân, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn ở một số tổ dân phố.
Ưu tiên phát triển CN-TTCN
Xác định nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là nguồn lực quan trọng đối với ngân sách phục vụ XDNTM, UBND thị trấn đã chủ động phối hợp với các phòng chức năng của huyện lập kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí đã được quy hoạch. Việc đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm được thị trấn thực hiện công khai, đúng quy định.
Song song đó, thị trấn Lâm cũng tập trung ưu tiên phát triển sản xuất CN-TTCN, đây chính là giải pháp hiệu quả để tạo lập và nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài, bền vững cho địa phương. Thị trấn đã xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại; đồng thời được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm; xây dựng và kêu gọi các doanh nghiệp vào sản xuất tại CCN thương mại, dịch vụ phía nam thị trấn với quy mô rộng hơn 9ha để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường… Đến nay, sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ chiếm 65% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong độ tuổi, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn xuống còn 3,1%.
“Thị trấn phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 80-85%”, ông Thắng nói.
Bằng những giải pháp chủ động, tích cực trong việc tạo nguồn thu tại chỗ, ước tính mỗi năm thị trấn Lâm có khoảng 7 tỷ đồng để đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành NTM bền vững vào năm 2020.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.