Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 8 năm 2020 | 15:3

Thu giữ hơn 25 tấn găng tay “bẩn” đang phù phép bán ra thị trường

Mới đây, Tổng cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh liên quan tới thu gom găng tay đã qua sử dụng, thu giữ hơn 25 tấn găng tay bẩn chuẩn bị được tái chế, đưa đi tiêu thụ.

111001748_1176214629429977_1168015907180530988_n.jpg
 Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 4 cơ sở, thu giữ hàng chục tấn găng tay đã qua sử dụng đang được tái chế đưa ra thị trường tiêu thụ.

 

Theo đó, Tổng cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất Công ty CP đầu tư may mặc V-Link, ở KCN Lương Sơn (Lương Sơn - Hòa Bình), do ông Nguyễn Huy Tân làm Giám đốc, thu giữ một khối lượng lớn găng tay bẩn chuẩn bị được tái chế, và nhiều sản phẩm thành phẩm chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Theo lời khai của ông Tân, Công ty V-Link cho Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM (Công ty BM) do bà Nguyễn Thị Hoa ở KĐT Đặng Xá, xã Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) thuê làm xưởng sản xuất nên không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của bà Hoa.

Tại xưởng sản xuất, công nhân tại xưởng đang phân loại và trực tiếp đóng gói găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc. Hầu hết số găng tay ở đây đều ở dạng rời, không được bảo quản.

Đoàn kiểm tra phát hiện 1.552kg găng tay cao su đã phân loại và chưa phân loại, 8 bao tải găng tay thành phẩm, 31 bao tải khẩu trang thành phẩm và 24 bao tải khẩu trang chưa thành phẩm, 154kg vỏ bao găng tay y tế, 2.409 chiếc hộp đựng găng tay y tế loại 100 chiếc/hộp, 4 máy cắt bán tự động, 39 máy dập quai khẩu trang loại 4 quai, 2 quai và quai đơn, 2 máy sản xuất khẩu trang.

10_42_53_img_20200801_210403.jpg
 Số găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng.

 

Toàn bộ hàng hóa nêu trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong xưởng sản xuất, phòng làm viêc, máy móc, vỏ bao bên trong để đảm bảo cho việc xác minh làm rõ.

Mở rộng vụ việc, Tổng cục QLTT và các cơ quan chức năng kiểm tra tại số 43, Biệt thự Lâm viên 2, KĐT Đặng Xá, xã Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội), địa chỉ của Công ty BM phát hiện số lượng lớn găng tay cao su chất đầy nhà và có một số nhân viên đang phân loại.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà Trịnh Thị Lý khai nhận thuê nhà của bà Nguyễn Thị Hoa. Tại thời điểm kiểm tra, Bà Lý xuất trình 01 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đứng tên Công ty Cổ phần Hoàng Long Bắc Kạn do bà Lý làm Giám đốc, có trụ sở chính tại Thôn Cá Ná, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Công ty có thuê địa điểm tại số 43 biệt thự Lâm Viên, KĐT Đặng Xá để kinh doanh nhưng chưa thực hiện việc đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh với cơ quan chức năng. Kết quả, đoàn đã kiểm đếm được 9,5 tấn găng tay cao su, ước còn khoảng 15 tấn chưa kiểm đếm.

Lần theo thông tin in trên hộp găng tay cao su thành phẩm tại khu Công nghiệp Lương Sơn mà bà Hoa thuê, Tổng cục QLTT tiếp tục kiểm tra Công ty CP Quốc tế Royal Việt Nam, số 20 khu villa 2 Huynhdai, phường Hà Cầu (Hà Đông - Hà Nội), phát hiện và tạm giữ 24.000 chiếc găng tay cao su do chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và vi phạm về nhãn và 142 kg găng tay cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra tại Công ty CP thiết bị y tế Đại Dương Xanh, ở phường Phùng Chí Kiên (TX. Mỹ Hào - Hưng Yên), phát hiện tại kho của Công ty có 504.000 chiếc găng tay S63 đóng hộp (10 hộp/thùng) mỗi thùng 1000 chiếc, và gần 100 hộp găng tay S63, Made in Việt Nam đã thành phẩm.

một-số-hình-ảnh-của-đoàn-kiểm-tra-ở-hà-nội.jpg

 Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn cơ quan chức năng đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động thu gom găng tay đã qua sử dụng thu giữ hơn 25 tấn găng tay bẩn đang chuẩn bị được tái chế và nhiều thành phẩm chuẩn bị được mang đi tiêu thụ.

Theo công nhân khai nhận, mỗi tấn găng tay cao su đã qua sử dụng được thu gom mua với giá khoảng 5 triệu đồng, sau đó chỉ cần qua quá trình tái chế găng tay rất đơn giản như phân loại theo tiêu chí bẩn hoặc hơi bẩn. Số được lựa chọn sẽ đổ ra bàn cho công nhân làm phẳng bằng vuốt, kéo giãn những chỗ nhăn nhúm rồi xếp lại thành chồng. Công đoạn này hoàn toàn không có các công đoạn tẩy rửa, vệ sinh hay khử trùng.

Mỗi một bó găng tay 100 chiếc sẽ được công nhân cho vào túi nylon, xếp vào hộp rồi dán tem đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) cho hay, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh để thẩm tra xác minh làm rõ đường đi của các găng tay tái chế này như thế nào, lợi nhuận ra sao, để có căn cứ xử lý nghiêm các đối tượng.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top