KTNT - Trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến 2020), vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) ngày càng được thể hiện rõ, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
BHTGVN tham gia sâu hơn trong quá trình tái cơ cấu TCTD
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” (Quyết định số 1058/QĐ-TTg) với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Theo Đề án, quá trình cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định và an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.
Trong Đề án nêu rõ: “Bổ sung quy định cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền.”. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầu mối nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan theo hướng: Quy định cụ thể để đảm bảo tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế. Bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động ngân hàng và cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.
Trong những năm qua, BHTGVN đã triển khai có hiệu quả chính sách BHTG. Tính đến ngày 31/12/2016, có 1.267 TCTD được cấp Chứng nhận tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Hợp tác xã, 1.168 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 03 tổ chức tài chính vi mô. Thực hiện giám sát định kỳ tháng, quý, năm đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Thông qua kết quả thông tin báo cáo nhận được từ các tổ chức tham gia BHTG, NHNN và từ các nguồn thông tin khác, BHTGVN đã thực hiện phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG; phát hiện những biểu hiện yếu kém, vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng để báo cáo, kiến nghị NHNN xem xét xử lý kịp thời.
Những nỗ lực nêu trên của BHTGVN đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng, đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD, sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy vai trò của cơ chế BHTG
Với chức năng giám sát từ xa và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, báo cáo NHNN, BHTGVN có nhiệm vụ tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện, cảnh báo và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, BHTGVN được trao thêm chức năng cho vay hỗ trợ tài chính cũng như tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, đánh giá kế hoạch phục hồi của các TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ góp phần giảm nguy cơ đổ vỡ. Với những TCTD quy mô nhỏ, gặp khó khăn về tài chính tạm thời, khoản cho vay hỗ trợ từ BHTGVN sẽ phần nào bù đắp thiếu hụt và giúp những TCTD này ổn định hoạt động.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ quyết định nâng hạn mức hạn mức trả tiền bảo hiểm là tín hiệu đáng mừng, góp phần tăng niềm tin công chúng vào hoạt động ngân hàng bởi hạn mức được coi là một trong những công cụ cốt lõi trong việc thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền của các hệ thống BHTG nói chung. Trên thực tế, tổ chức BHTG chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu và giữ ổn định hệ thống TCTD nếu có một cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát ngân hàng khác. Đồng thời, theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI): (1) đảm bảo tổ chức BHTG có đủ quyền hạn và năng lực tài chính để can thiệp kịp thời trong trường hợp có TCTD đổ vỡ; (2) có cơ chế cảnh báo và xử lý sớm cho việc giám sát toàn diện các khía cạnh rủi ro, không chỉ dựa vào chỉ tiêu về vốn; (3) xác định rõ ràng trách nhiệm trong việc xử lý khủng hoảng giữa NHNN, cơ quan giám sát, Chính phủ và BHTGVN. Chức năng và quyền hạn của các cơ quan trên được quy định rõ ràng trong các điều luật liên quan nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với nhau và cũng để tránh sự chồng chéo trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG, đồng thời giúp đưa hình ảnh tổ chức BHTG đến gần hơn với người dân, BHTGVN cần tiếp tục đẩy mạnh phối với với các Chi nhánh NHNN tuyến tỉnh, chính quyền địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền chính sách BHTG và tích cực chia sẻ thông tin giữa các bên để chính sách BHTG thực sự trở thành cầu nối giữa người gửi tiền và các tổ chức tham gia BHTG.
PV
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.