24.000m2 đất rừng sản xuất (trước là rừng phòng hộ ven biển) được tách thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 15 chủ sở hữu từ năm 2010, trong đó có nhiều “người lạ”. Vậy, họ là ai? Việc cấp GCNQSDĐ ở đây có đúng đối tượng?
24.000m2 đất rừng sản xuất (trước đây là rừng phòng hộ) nay đã được phân lô và cấp cho 15 chủ sở hữu.
15 “người lạ”
Như Báo Kinh tế nông thôn số 47, ra ngày 23/8, thông tin trong bài “Thừa Thiên - Huế: Đất khai hoang của dân bỗng nhiên thành của… cán bộ”, chủ sở hữu của những lô đất dân khai hoang chủ yếu là nguyên cán bộ, cán bộ và người thân của cán bộ huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Qua tìm hiểu được biết, danh sách 15 chủ sở hữu của 15 lô đất trước đây là rừng phòng hộ ven biển có tổng diện tích 24.000m2, gồm: Ông Phạm Viết Phong - Lô B3, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Kim Trường - Lô B2, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc (Lô B2 và B3 là những lô liên quan đến phản ánh của ông Huỳnh Đăng Truyền – thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh); các ông, bà Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Tiến, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Xê.
Trong đó, ông Hồ Trọng Cầu - chủ sở hữu lô B5, hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Văn Tiến - chủ sở hữu lô B9, hiện là cán bộ của HĐNĐ tỉnh.
Được biết, sau khi tiếp nhận đơn thư của ông Huỳnh Đăng Truyền, ngày 05/11/2018, UBND huyện Phú Lộc đã có Văn bản trả lời số 3961/UBND-ĐĐ, trong đó có đề cập đến nội dung: “Có bản đồ giải thửa, danh sách của 15 chủ sử dụng đất kèm theo”. Tuy nhiên, ông Truyền cho hay, ông không được nhận danh sách này và không biết “người được cấp giấy chứng nhận thửa đất này là ai (thửa đất ông Truyền nhiều lần đề nghị được cấp GCNQSDĐ- PV)”, để ông “đối chứng với chính quyền xem giữa tôi và người đó ai xứng đáng được nhận đất” .
Tỉnh vào cuộc
Tìm hiểu về quy trình chuyển đổi, tách thửa và cấp 24.000m2 đất rừng nói trên, phóng viên gặp một cán bộ trước đây phụ trách việc làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho những thửa đất nói trên, vị này cho biết, 15 lô đất này được cấp GCNQSDĐ là dựa vào quyết định giao đất từ năm 1995 theo Nghị định số 02-CP năm 1994 về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và Thông tư số 06-LN/KL về giao đất lâm nghiệp.
Nói thêm, trong GCNQSDĐ thì loại đất cấp cho 15 chủ đất trên là đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, 15 lô đất này vốn là đất rừng phòng hộ với vị trí dọc bãi biển Cảnh Dương cùng dải rừng phi lao nhằm chắn gió, chắn cát bay nhưng không hiểu vì sao nay lại là đất rừng sản xuất. Bởi đối chiếu theo khoản 1, Điều 7, Nghị định số 02-CP thì khu vực đất này nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ gồm: Phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; phòng hộ chắn sóng, lấn biển và phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
Và, nếu đã là đất rừng sản xuất, Nghị định số 02-CP cũng quy định rõ, đối với rừng sản xuất thì được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, qua tìm hiểu với các hộ dân xung quanh khu vực 15 lô đất này thì từ năm 1993, ngoài ông Huỳnh Đăng Truyền canh tác với việc đào ao thả cá, chăn nuôi vịt, trồng keo tràm và trồng tre chắn gió thì không thấy người nào tìm về phục vụ đúng mục đích của việc giao rừng sản xuất.
Một loạt chuyện không rõ ràng như trên khiến ông Truyền và dư luận hoài nghi rằng, liệu các cá nhân trên có được cấp đất theo đúng đối tượng nhằm phục vụ đúng mục đích hay không là hoàn toàn có cơ sở.
Liên quan đến vấn đề này, theo nguồn tin của phóng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc và đang làm rõ thông tin xung quanh việc nhiều cán bộ được cấp đất rừng tại khu vực ven biển Cảnh Dương.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.