Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 11 năm 2018 | 8:47

Thừa Thiên - Huế: Đất khai hoang của dân bỗng nhiên thành của… cán bộ

Dù canh tác trên mảnh đất mình gắn bó hàng chục năm, nhưng bất ngờ một ngày gần đây, phát hiện diện tích đất ấy đã đứng tên người khác, nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện.

Câu chuyện có dấu hiệu bất thường này xảy ra ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).

anh3.jpg
Thửa đất gia đình ông Truyền khai hoang, gắn bó hàng chục năm nay đã được cấp GCNQSD cho người khác.

Dân khai hoang từ năm 1993...

Trong đơn thư cầu cứu gửi Báo Kinh tế nông thôn, ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957), trú ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, cho biết, khoảng năm 1976, gia đình ông cùng một số hộ dân di chuyển tới khu vực ven biển thôn Cảnh Dương để sinh sống và lập nghiệp. Năm 1993, tận dụng những khoảng trống hoang hóa trong vùng đất ven biển trước nhà, ông Truyền và các thành viên trong gia đình làm hồ nuôi cá rồi trồng tre xung quanh để bảo vệ, tạo thành rừng phòng hộ ven biển và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Năm 1995, khi nghe tin diện tích này được chuyển đổi thành rừng sản xuất, ông Truyền viết đơn xin chính quyền địa phương xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) thửa đất mình đang canh tác, nhưng bị UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý. Dù không được cấp giấy GCNQSD đất nhưng gia đình ông vẫn tiếp tục trồng tre nhằm chắn gió biển khỏa lấp nhiều khoảng trống khu rừng, đồng thời trồng xen cây keo lá tràm.

Thời gian gần đây, sau nhiều năm gắn bó với diện tích đất này, ông Truyền tiếp tục viết đơn xin được cấp GCNQSD đất thì bất ngờ trước thông tin, những thửa đất mà mình đang canh tác đã được cấp sổ đỏ cho người khác.

“Thấy bất thường trong chuyện này, tôi viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền để mong có câu trả lời làm rõ. Tại sao tôi đã gắn bó với diện tích đất này hàng chục năm, nhiều lần viết đơn xin cấp sổ đỏ nhưng giờ lại cấp cho người khác? Tôi muốn biết, người được cấp là ai, nhằm đối chất xem thửa đất ấy có được cấp đúng đối tượng không?”, ông Truyền bức xúc.

Xác nhận việc ông Truyền gắn bó với diện tích đất trên, ông Phan Như Ngọc, từng là Trưởng thôn Cảnh Dương qua nhiều năm cho biết, sau khi về làm nhà ở khu vực này, từ năm 1993, chỉ có ông Truyền là người khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất này. Không chỉ ông Ngọc mà nhiều hộ dân sống cạnh đó như các ông Lê Công Túc, Hoàng Văn Sinh, Nguyễn Văn Chương, Lê Công Lành... cũng xác nhận chuyện này.

anh4.jpg

Bản đồ giải thửa khu đất 24.000 m2

 

... Nhưng cấp sổ đỏ cho cán bộ

Đi tìm câu trả lời, phóng viên tìm gặp lãnh đạo xã Lộc Vĩnh. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết, đã nhận được đơn xin cấp GCNQSD đất của ông Truyền, nhưng UBND xã không xác nhận vì diện tích đất này đã được giao cho người khác từ năm 1995 và được cấp sổ đỏ từ năm 2010. Nhưng, khi phóng viên muốn biết, cá nhân nào được giao đất, được cấp sổ đỏ, ông Minh cho hay, thông tin này phải gặp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để tìm hiểu.

Phóng viên tìm gặp ông Nguyễn Văn Lý, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc, người trực tiếp phụ trách làm rõ đơn thư của ông Truyền. Ông Lý thông tin, sau khi kiểm tra, sao lục các hồ sơ liên quan thì thửa đất mà ông Truyền xin cấp GCNQSD đất trước năm 1995 là rừng phi lao dọc bờ biển Cảnh Dương - Bình An thuộc UBND xã Lộc Vĩnh quản lý. Sau đó, UBND huyện đã có quyết định giao đất cho 15 hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích đất 24.000m2. Khoảng năm 2010 - 2011, những chủ đất này được cấp GCNQSD đất.

“Từ những căn cứ nêu trên, việc ông Truyền có đơn xin cấp giấy CNQSD đất trên diện tích đã cấp cho người khác là không có cơ sở để xem xét và giải quyết”, ông Lý cho hay.

anh5.png
Danh sách 15 chủ sở hữu của 15 lô đất.

Nghi ngờ về những cá nhân được giao, cấp đất liệu có đúng đối tượng, phóng viên đề nghị được biết danh sách 15 người đứng tên các lô đất thuộc khu vực này nhưng ông Lý hướng dẫn lên gặp Chi nhánh Văn phòng Đăng ký sử dụng đất đai hoặc Trung tâm Hành chính công để nắm rõ hơn.

Theo điều tra của phóng viên, diện tích đất mà ông Truyền từng khai hoang, gắn bó và nhiều lần đề nghị cấp GCNQSD hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, đó là ông Phạm Viết Phong, nguyên là Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; và ông Nguyễn Kim Trường, nguyên là Phó chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc. Không những vậy, 13 lô đất liền kề còn lại đều đứng tên nhiều cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ huyện này. Đáng chú ý, trong đó có ông Hồ Trọng Cầu, hiện đang là Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ HĐND tỉnh...

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top