Xung quanh vụ cấp đất rừng ở Thừa Thiên - Huế mà Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc làm rõ.
Theo báo cáo ban đầu của Huyện ủy Phú Lộc, nhiều đối tượng được giao đất chưa đúng với Thông tư 06-LN/KL ngày 18/6/1994 hướng dẫn thi hành Nghị định 02/CP-1994 về giao đất lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) ban hành.
Liên quan đến 2.400m2 đất rừng được phân lô và tách thửa cho 15 cá nhân, Huyện ủy Phú Lộc căn cứ vào các quyết định, cũng như các văn bản liên quan, đã có Báo cáo số 331-BC HU gửi UBKTTU tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, nội dung của báo cáo gồm 2 phần: Phần thứ nhất, UBND huyện Phú Lộc xác nhận đã tiếp nhận đơn phản ánh của ông Huỳnh Đăng Truyền trú tại thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh kiến nghị về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thôn này, đồng thời giải thích về nguồn gốc của diện tích đất rừng đã được tách thửa cấp cho các cá nhân. Phần thứ hai, UBND huyện Phú Lộc báo cáo về hồ sơ giao đất, cấp GCNQSDĐ và các căn cứ pháp lý có liên quan.
Trao đổi với PV, ông Phan Quý Phương, Phó chủ nhiệm UBKTTU tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, nội dung ở phần thứ nhất trong báo cáo của Huyện ủy Phú Lộc cơ bản giống với thông tin báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Về phần thứ hai, ông Phương cho biết, nếu căn cứ pháp lý, khi cấp đất rừng (năm 1995 - PV), UBND huyện Phú Lộc đã sai về đối tượng được cấp đất và điều này được thể hiện trong báo của Huyện ủy. Cụ thể, qua rà soát, nhận thấy tại khoản 4, Thông tư số 06-LN/KL ngày 18/6/1994 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thi hành Nghị định số 02-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ quy định:
“4. Đối tượng được giao đất lâm nghiệp:
4.1. Tổ chức của Nhà nước gồm: Các Ban quản lý khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng; các doanh nghiệp lâm, nông, ngư; các trạm, trại, xí nghiệp giống lâm nghiệp; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các trường học, trường dạy nghề và tổ chức kinh tế Nhà nước khác.
4.2. Tổ chức không phải của Nhà nước, gồm: Các tổ chức kinh tế và các tổ chức xã hội được thành lập theo luật pháp hiện hành của Nhà nước.
4.3. Làng, bản nơi còn có tập tục suy tôn già làng, trưởng bản đại diện cho các cộng đồng hoặc các dòng họ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao.
4.4. Hộ gia đình và cá nhân thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại địa phương được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận”.
Đối chiếu với danh sách 15 người được giao đất tại thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, thấy nhiều người không đúng đối tượng của Thông tư này, đơn cử có ông Hồ Trọng Cầu, người có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Phú Lộc.
Ông Phương thông tin thêm, báo cáo của Huyện ủy Phú Lộc còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thỏa mãn dư luận. Vì vậy, UBKTTU đang yêu cầu huyện này rà soát, kiểm tra và có báo cáo lại.
Về tinh thần làm việc, Phó chủ nhiệm UBKTTU xác định: “Sai là phải sửa, cấp sai thì phải thu hồi. Còn bây giờ cần chờ báo cáo cụ thể, chi tiết, qua đó xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan”. Tuy nhiên, đây là thời điểm cuối năm, các đơn vị đang rốt ráo nhiều công việc, vì vậy, UBKTTU đã cho UBND huyện Phú Lộc có thể báo cáo chậm lại một chút và thời gian ấn định vào ngày 10 – 15/01/2019.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, PV báo Kinh tế nông thôn đã gặp gỡ, trao đổi với ông Hồ Trọng Cầu – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (chủ sở hữu lô B5 – một trong những lô đất trong sự việc) và được vị này cho tiếp cận hồ sơ lô đất mình đang sở hữu; sau khi phản hồi đến công chúng, dư luận tiếp tục dấy lên nhiều nghi ngại, cụ thể:
Đầu tiên, nhiều người băn khoăn rằng tại sao quá trình thu-giao đất rừng ở thôn Cảnh Dương thời điểm 1995 lại diễn ra quá “thần tốc” đến vậy? Bởi lẽ, Quyết định thu hồi đất (số 1030/QĐ-UBND) và Quyết định giao đất (Số 1044 QĐ/UB) chỉ diễn ra trong 01 ngày, đó là 31/12/1995.
Tiếp đến, một vị cán bộ băn khoăn, cùng một đơn vị ban hành, cùng một vấn đề, cùng một thời điểm, nhưng, tại sao 02 văn bản này lại khác nhau về hình thức đến vậy? Rồi, một người dân tại xã Lộc An cho rằng, tại sao trong khi Quyết định thu hồi số 1030/QĐ-UBND được thực hiện bằng kiểu máy đánh chữ; thì Quyết định giao đất Số 1044 QĐ/UB được thực hiện bằng máy tính và phông chữ là kiểu đang thịnh hành ở thời điểm hiện tại? Ông này phân vân, thời điểm đó làm gì có máy tính mà đánh hay vậy? Có người còn thắc mắc, tại sao Quyết định thu hồi Số 1030/QĐ-UBND có “UBND”, trong khi Quyết định giao đất Số 1044 QĐ/UB chỉ có “UB”?
Sự việc cấp đất rừng ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, vẫn còn ngổn ngang những băn khoăn của dư luận; vẫn còn đó sự chưa thỏa mãn, hài lòng của nhiều người dân xung quanh và những người quan tâm. Mong rằng tất cả sẽ được giải đáp rõ ràng, thích đáng vào đầu năm 2019 như trao đổi của ông Phan Quý Phương, Phó chủ nhiệm UBKTTU với PV Báo Kinh tế nông thôn.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.