Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 16:59

Thừa Thiên - Huế xây dựng NTM gắn giảm nghèo bền vững

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sinh thái bền vững, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí NTM

Đến nay, toàn huyện A Lưới có 4 xã đạt 19 tiêu chí NTM, chiếm 23,5%; 3 xã đạt 15-18 tiêu chí, chiếm 17,6% và 10 xã đạt 10-14 tiêu chí, chiếm 59,8%. Toàn huyện đạt 244 tiêu chí, bình quân hơn 14,7 tiêu chí/xã. A Lưới đang thực hiện xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM với việc ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực huy động của các tổ chức, doanh nghiệp và phát huy vai trò chủ thể của người dân.

 

z3564025519784_43f54a74547bb75d925b1615941dd991.jpg
Mô hình vườn mẫu của người dân huyện A Lưới.

 

Được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, tuy nhiên, qua rà soát, nhiều tiêu chí NTM ở xã Sơn Thủy đến nay vẫn còn thiếu. Kinh phí đầu tư duy trì xã đạt chuẩn NTM và đạt NTM nâng cao khá lớn. Tuy nhiên, khả năng kinh phí đầu tư, kinh phí đối ứng còn hạn chế, nên rất khó khăn trong việc duy trì, nâng cao các tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia.

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Lê Anh Chiến, xã đang xây dựng 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu, tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp xây dựng NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thực hiện nâng cao các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, thủy lợi, môi trường.

Theo Văn phòng Điều phối NTM huyện A Lưới, huyện đã và đang tiến hành nâng cấp, cải tạo điện chiếu sáng, điện trang trí khu vực đô thị mở rộng. Chỉnh trang nút giao Quốc lộ 49A - đường Hồ Chí Minh và Nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện A Lưới. Thực hiện một số công trình trọng điểm như công trình chợ A Lưới đã hoàn thành, tiến hành phân lô đấu giá với tổng số 166 ki ốt và 142 lô. Chợ Bốt Đỏ cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh có thời hạn. Triển khai dự án công trình chỉnh trang vỉa hè, cây xanh huyện A Lưới…

Đối với các xã đã đạt chuẩn, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, xác định nội dung, giải pháp bảo đảm duy trì và đạt chuẩn. Tập trung xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn cho các xã, thôn theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, các khu dân cư, thôn, bản kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, trong năm 2022, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng theo Đề án về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Bằng việc, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình xây dựng NTM. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm với nhiều ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý và đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Năm 2022, A Lưới phấn đấu bình quân mỗi xã đạt NTM tăng thêm 0,5 tiêu chí, xây dựng 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu, 50 vườn mẫu và có 4/6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 3 sao trở lên.

Xây dựng NTM gắn với  giảm nghèo bền vững

Theo Văn phòng Điều phối NTM Thừa Thiên - Huế, thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022, qua rà soát đánh giá lại các xã, huyện theo bộ tiêu chí mới, phấn đấu đến cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự kiến huy động hơn 2.532 tỷ đồng.

 

z3564025543186_fe1dc47b273cd3cdef41e779c55b2320.jpg
Tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Những xã còn lại, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,3 tiêu chí/xã/năm và nâng chất lượng tiêu chí theo lịch trình kế hoạch đã đề ra. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.

Các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân như: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch khoảng 96%, khu vực nông thôn 93%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 toàn tỉnh giảm 1,0-1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên.

Năm 2021, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã chứng nhận cho 15 sản phẩm; năm 2022 chứng nhận thêm 30 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm phấn đấu đạt OCOP đến hết năm 2022 khoảng 70 sản phẩm.

Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các ngành và địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch từng xã cụ thể để thực hiện theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với các đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; tạo việc làm với nhiều ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Theo ông Lê Thành Nam, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thừa Thiên - Huế, ngoài các chỉ tiêu chính, giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của Trung ương như: thực hiện Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Chương trình OCOP; Đề án môi trường và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá trong xây dựng NTM; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã ban hành Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là huyện nghèo A Lưới, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Tỉnh  phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 - 2,2%. Trong đó, khu vực khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%.

 

 

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top