Người dân sống ở xã Lộc An (huyện Phú Lộc) phản ánh việc các xe tải chở cát, sỏi từ các cơ sở kinh doanh cát, sỏi tại thôn Nam Phổ Cần phá nát nhiều tuyến đường ở đây.
Thời gian qua, Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của người dân về việc nhiều xe tải chở cát sỏi từ các cơ sở kinh doanh cát, sỏi tại thôn Nam Phổ Cần, xã Lộc An, đã khiến nhiều tuyến đường ở đây hư hỏng nặng nề.
Ghi nhận của PV tại đây, nhiều tuyến đường đặc biệt đoạn từ cầu Truồi đến các cơ sở kinh doanh cát, sỏi tại thôn Nam Phổ Cần, xã Lộc An, huyện Phú Lộc xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc đi lại của người dân, cùng với đó ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn.
Ông H., người dân sống ở đây cho biết, các xe chở cát sỏi ra vào những cơ sở kinh doanh nói trên hoạt động rầm rộ, đã nhiều lần ông và một số người khác đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông.
Một người dân khác sống trên tuyến đường này cho biết, khi các xe chở cát sỏi vào thời trời nắng nóng khiến bụi bặm bay vào nhà người dân rất nhiều, điển hình gia đình ông phải liên tục quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc.
"Phần lớn các gia đình ở hai bên đường phải đóng cửa tránh bụi, tuy nhiên, gia đình ông buôn bán nên đóng cửa là điều không thể mà phải đối diện với sự ô nhiễm này. Lúc trời mưa, các ổ voi, ổ gà tại đây ứ đọng nước rất nhiều khiến xe cộ, đặc biệt ô tô loại nhỏ không dám lưu thông qua đây", người đàn ông này chia sẻ thêm.
Cùng với đó, người này cho hay, các bến bãi ở đây thường hoạt động vào buổi sáng, bởi lẽ, buổi tối là thời gian các cơ sở này thu mua cát sỏi từ sông Truồi tập kết lên bãi, sau đó các chủ bãi nhanh chóng "tẩu tán" trong buổi sáng ngày hôm sau. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương qua các cuộc họp, nhưng gần Tết vừa rồi (Tết âm lịch 2019 - PV), họ mới đưa đá dăm về phủ qua loa, sau đó đâu lại vào đấy (tuyến đường lại hư hỏng trở lại - PV)", người dân này bộc bạch.
Để làm rõ những phản ánh trên, PV đã liên hệ với UBND xã Lộc An. Trả lời PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Viết Việt, Phó chủ tịch xã cho biết, tuyến đường dọc sông Truồi là đường liên xã Lộc An và Lộc Hòa, lượng xe tải lưu thông nhiều, dẫn đến hư hỏng, UBND xã đã phải bỏ tiền mua đá dăm về tu sửa tạm thời. Trong nhiều cuộc họp, UBND xã đã kiến nghị thực trạng này đến cấp trên, tuy nhiên, chưa có dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này.
Về nguồn gốc cát, sỏi tập kết mua bán tại đây, vị Phó chủ tịch xã chỉ nắm được rằng các chủ cơ sở mua lại của người dân khai thác tự phát "chỗ nào cấm thì họ (người dân khai thác tự phát - PV) không khai thác, còn chỗ nào không cấm thì họ khai thác".
Nói thêm, theo ghi nhận của PV, các cơ sở kinh doanh cát, sỏi nói trên được xây dựng một cách sơ sài, không đảm bảo nhiều yêu cầu theo Quyết định 07 về việc ban hành quy định về quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hiệu lực từ ngày 03/01/2019, như: không có cổng phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh; không có biển ghi rõ tên cửa hàng, tên doanh nghiệp hoặc tên hộ; không có phương tiện, thiết bị để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định…
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.