Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng GDP năm 2018 của vùng đạt 7,8%, cao nhất trong 4 năm qua; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự trù phù của ĐBSCL đã mang đến cuộc sống ấm no, trù phú cho người dân, nhưng sinh kế hàng chục triệu dân trong vùng đang đứng trước thử thách lớn, mang tính bước ngoặt mà nếu vượt qua được, ĐBSCL có sức bật tăng trưởng rất lớn.
Xoay trục chiến lược thủy sản - trái cây -lúa gạo
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế. Tăng cường thâm canh bền vững, giảm tối đa sử dụng vật tư (phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật), bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho vùng chuyên canh, các cụm/khu công nghiệp chế biến, các hệ thống thương mại hậu cần, chuỗi bảo quản lạnh để kết nối thị trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt mục tiêu rất cụ thể cho 3 ngành chủ lực thủy sản, trái cây và lúa gạo.
Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành tôm và cá tra ở quy mô công nghiệp sản xuất lớn, hướng mạnh đến xuất khẩu. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu hecta (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái). Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản.
Đối với ngành trái cây, sẽ tập trung phát triển theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao, với 10 loại trái cây chủ lực: Xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm. Trong đó ĐBSCL có 9/10 loại sản phẩm chủ lực (xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm) Đến năm 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200.000ha, đưa tổng diện tích trái cây lên khoảng 680.000ha.
Đối với lúa gạo, giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000-300.000ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1-2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản. Tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn. Cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp.
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện mới cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để tổ chức lập quy hoạch vùng; tiến hành khảo sát ở một số địa phương trong vùng để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch và xác định các vấn đề liên ngành, liên tỉnh mà quy hoạch vùng cần giải quyết; khẩn trương nghiên cứu xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, dự kiến trình thẩm định trong tháng 9/2019.
Trong giai đoạn trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) số hóa cơ sở dữ liệu về quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn vùng để bộ, ngành, địa phương có thể tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về quy hoạch phục vụ việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành trong quý III/2020, và trình Chính phủ trong quý IV/2020. Trong đó tập trung một số nội dung cần quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng như sau: Phát triển nông nghiệp theo 2 mục tiêu là thích ứng với các tác động của BĐKH, sử dụng đất và nước một cách bền vững trong tương lai; trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL, hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên kinh doanh nông nghiệp để tăng trưởng bền vững.
Phát triển vận tải và logistics phù hợp quy hoạch tích hợp vùng: Chuyển dịch từ vận tải đường bộ sang đường thủy; nâng cấp mạng lưới vận tải thủy giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh; phát triển các trung tâm logistics (có thể kết hợp với các trung tâm vệ tinh) để tập trung, thu gom hàng hóa, hỗ trợ vận tải đa phương thức và cung cấp các dịch vụ gia tăng;…
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và tài nguyên nước, sẽ quy hoạch tổng hợp thiên tai, đất và nước; chuyển đổi nông nghiệp và thủy sản; mở rộng rừng ngập mặn; thay thế nhà máy nhiệt điện với nhà máy nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo; nhà máy điện gió gần bờ với công trình bảo vệ bờ biển; nhà máy điện mặt trời với nông nghiệp và thủy sản;…
Biến thách thức thành cơ hội
“Nghị quyết 120 đã đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển Thuận Thiên, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cố kết sẵn có của giới tự nhiên nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Số phận suy vong hay thịnh phát do chính chúng ta quyết định bằng chính hành động của chúng ta. Chứ không phải là Thuận Thiên là xuôi tay hết”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị.
Do đó, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề như tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Chỉ có thể bằng các dự án của doanh nghiệp thì mới có chất xúc tác để trung hòa các tác động của biến đổi khí hậu hay nước biển dâng.
Đối với thị trường đất đai, cơ sở khoa học để bố trí lại đất đai với lúa gạo, trái cây, thủy sản đi liền với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu với các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh và khó lường của thiên nhiên. Nghiên cứu tiếp tục giảm diện tích đất trồng lúa trên cơ sở tăng năng suất lúa trên 1ha.
Thị trường vốn ở khu vực ĐBSCL hầu như kém phát triển, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay các lĩnh vực giúp chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, tăng cường năng lực. Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân.
“Nhận thức Thuận Thiên ở đây không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà dành các nguồn lực để phát triển ĐBSCL rõ hơn, nhiều hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Vì vậy, cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng như phải làm cho xong đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Các địa phương cần thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu, nếu không thì các chính sách sẽ không thể thành công. TP. Hồ Chí Minh phải phát huy vai trò nhạc trưởng trong điều phối hiệu quả các cơ chế liên kết vùng.
ĐBSCL chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Để phát triển bền vững khu vực ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. |
Tỉnh Quảng Ngãi xác định, chuyển đổi số (CĐS) ngành Nông nghiệp và PTNT là một trong những nội dung cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu đến năm 2025, 100% các sản phẩm OCOP được hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh và một số sàn TMĐT như: Voso.vn, Postmart.vn,… và 50% sản phẩm OCOP được số hóa.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.