Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 2 năm 2020 | 14:7

Thực hiện ATIGA: Phép thử từ ngành mía đường

ATIGA có hiệu lực, giá đường trong nước phải giảm thêm 15 - 20% mới có thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Điều này sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp đường trong nước cũng như 33 vạn hộ nông dân trồng mía.

“Nhà nước thì quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường.

 

mia.jpg
Dù đã có 15 năm (từ năm 2005) chuẩn bị hội nhập, thế nhưng, khi ATIGA chính thức có hiệu lực, ngành mía đường Việt Nam vẫn đứng trước những áp lực về biến động giá và vấn nạn nhập lậu…
 

Chịu tác động kép

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong niên vụ 2018-2019, các nhà máy đường đã ép được hơn 12,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,17 triệu tấn đường. Tuy nhiên, lượng tồn kho tại các nhà máy đường đến khi kết thúc vụ vào khoảng 600.000 tấn - là năm ngành đường có lượng tồn kho cao nhất trong các năm gần đây. Chưa kể, hiện giá thành sản xuất đường tại Việt Nam đang cao hơn tại Thái Lan 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Cũng theo VSSA, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9/2019 khoảng  800.000 tấn.

“Ngay từ đầu niên vụ 2018 - 2019, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lí do chống đường nhập lậu, nhiều thành viên Hiệp hội đã thông báo bán phá giá đường dưới giá thành sản xuất. Mặc dù giá bán đường được hạ thấp nhưng trong thời gian dài cũng không bán được, nhiều doanh nghiệp thành viên nợ cả tiền mía nông dân”, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA, cho biết.

Cũng theo ông Lộc, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, nhiều doanh nghiệp cam kết mua mía với giá ổn định trước đó đã phá vỡ thỏa thuận, báo giá mua mía dưới giá thành sản xuất, khiến người nông dân trồng mía càng thêm khốn đốn.

Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2020, áp lực của doanh nghiệp ngành mía đường sẽ tăng thêm khi thuế suất nhập khẩu đường về 0% chính thức có hiệu lực, đường Thái Lan giá rẻ có thể “đường đường chính chính” vào nước ta, với mức giá chỉ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Theo dự báo của VSSA, ATIGA có hiệu lực, giá đường trong nước phải giảm thêm 15 - 20% mới có thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Điều này sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp đường trong nước cũng như 33 vạn hộ nông dân trồng mía. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày có thể đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh.

Bước sang niên vụ 2019 - 2020, VSSA dự kiến diện tích mía đường cả nước trong niên vụ đạt hơn 157.800 ha, giảm 18% so với niên vụ 2018-2019. Sản lượng đường dự kiến giảm 17,5%, xuống còn gần 968.000 tấn.

Thêm vào đó, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết trong ATIGA, bắt đầu thực thi, sẽ mở cửa cho sản phẩm đường giá rẻ từ Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

Hy vọng từ năng lượng tái tạo

Trong lúc này, năng lượng tái tạo đang được xem là “cứu cánh” cho ngành mía đường trong nước, vốn không đủ sức cạnh tranh với các nhà sản xuất ngoại. Điều này có thể không đủ để giải quyết vấn đề khủng hoảng điện trong nước, nhưng chất thải từ sản xuất đường, được gọi là bã mía, cùng với chất thải sản xuất nông nghiệp khác có thể được chuyển thành năng lượng biomass để tạo ra điện.

Theo một nghiên cứu năm 2018 của Sáng kiến tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul (GGGI), và cơ quan phát triển GIZ của Đức, đến năm 2030, chính phủ đang nhắm mục tiêu năng lượng tái tạo, bao gồm cả biomass. Với các chính sách phù hợp, các nhà máy đường trong nước có thể chiếm khoảng 40% mục tiêu sản lượng năng lượng biomass, theo VSSA.

“Năng lượng biomass là một phần nhỏ trong chiếc bánh [năng lượng] nhưng nó là một phần quan trọng, cùng với gió và mặt trời”, ông Adam Ward, đại diện của GGGI tại Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, sẽ cần một mức giá điện hỗ trợ (FiT) tốt hơn để tăng cường đầu tư vào năng lượng biomass và hỗ trợ ngành công nghiệp đường. Các nhà máy đường Việt Nam có tổng công suất phát điện là 352MW nhưng đầu tư bị cản trở bởi giá thấp.

Tám nhà máy đường đã được hòa lưới điện và đã bán điện ở mức 5,8 US cent/kWh, phù hợp với chính sách của chính phủ năm 2014. Nhưng đây là mức giá thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Philippines.

Theo ông Lộc, “các khoản đầu tư sử dụng các thiết bị rẻ tiền, do đó không mang lại hiệu quả trong thời gian dài”.

 

mia-1.jpg

Dựa trên phân tích tài chính của 5 nhà máy địa phương, nghiên cứu GGGI-GIZ kết luận rằng, cần có mức giá FiT thấp nhất là 9,35 cent/kWh để đảm bảo lợi nhuận và khuyến khích các công ty đầu tư vào các hệ thống phát điện tiên tiến hơn. Theo GGGI-GIZ, công suất năng lượng biomass có thể tăng gấp đôi, rất nhanh với các công nghệ phù hợp để xử lý nhiều loại chất thải khác nhau.

Biomass không chỉ giúp ngành công nghiệp đường mà còn giúp Chính phủ có con đường rõ ràng hơn để đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo vì nó đơn giản hơn năng lượng mặt trời và gió. Không những vậy, nó còn có thể phân bố đều hơn trên cả nước.

Một lần nữa, một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam bổ sung một số năng lượng tái tạo ổn định vào lưới điện, ông Adam Ward nói.

Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường

Hằng năm, diện tích trồng mía của nước ta được duy trì trên 270.000ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3-1,5 triệu tấn/năm, giải quyết sinh kế cho trên 35 vạn hộ nông dân. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, thách thức như năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp mía đường chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá đường thế giới và khu vực giảm thấp, tình trạng dư cung kéo dài, nhất là trong 3 niên vụ gần đây.

Một số ý kiến cho rằng, ngành mía đường chưa khắc phục được các vấn đề nội tại: Sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu, do công tác quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu còn chưa tốt. Nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa phát huy hiệu quả cao. Địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn, cơ giới hóa. Biến đổi khí hậu phức tạp làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nhiều vùng trồng mía.

Phát biểu tại cuộc họp  Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, chia sẻ với khó khăn của ngành mía đường, ngành có lịch sử 25 năm xây dựng và phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số thách thức lớn như nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia 12 FTA chứ không chỉ có ATIGA, điều đó càng đòi hỏi việc sản xuất phải gắn kết với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn ở vùng nguyên liệu. Thách thức nữa là tình trạng gian lận thương mại, tình trạng nhập khẩu đường thô, đường lỏng. Đặc biệt, tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất chưa thành công ở ngành mía đường.

Nhấn mạnh quan điểm xây dựng nền kinh tế tự cường, Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta có nhu cầu đường lớn mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường nước ngoài thì đó là một sai lầm. Do đó, phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường một cách phù hợp với điều kiện hội nhập.

Bên cạnh thách thức, Thủ tướng cho rằng, ngành mía đường cũng có nhiều cơ hội, đó là Chính phủ quan tâm chỉ đạo; thị trường, nhu cầu trong nước lớn, có những vùng, khu vực có thể tổ chức lại sản xuất ngành mía đường. “Chúng ta không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt, nhưng cơ hội phát triển mía đường vẫn luôn rộng mở với Việt Nam nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn”.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không có chủ trương dẹp bỏ ngành mía đường, nhưng yêu cầu tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính phủ cũng không đồng ý việc tiếp tục đề nghị gia hạn ATIGA cho ngành mía đường.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng cường đầu tư hằng năm, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung.

Thủ tướng nhấn mạnh: Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách, cụ thể là có một chỉ thị của Thủ tướng sau cuộc họp này để đưa ra những biện pháp cho ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

 

Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%, về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đây là cơ hội cho ngành mía đường tăng tốc.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top