Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 11 năm 2017 | 3:5

Thí điểm mô hình liên kết sản xuất lúa và mía đường

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam (UCA) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân.

Ông Ma Quang Trung (bên phải) ký kết với Giám đốc UCA.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm chi phí (về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm…). Để làm điều này phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, có hai vấn đề khó nhất là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và nhận thức của người tham gia hợp tác xã cũng như của người trong hợp tác xã. Người tham gia vào hợp tác xã vẫn còn tư tưởng vào thì sẽ được nhà nước cho cái gì, người trong hợp tác xã khi liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ nghĩ đến doanh nghiệp cho cái gì. Do đó, để thay đổi tư tưởng này quan trọng nhất vẫn là ý thức của giám đốc, hội đồng quản trị hợp tác xã.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện cả nước có khoảng 400 chuỗi liên kết. Các địa phương rất quyết liệt xây dựng các chuỗi liên kết. Nhu cầu liên kết của các hợp tác xã rất lớn, bởi quy mô sản xuất nhỏ, nhu cầu về đầu ra rất lớn. Tuy nhiên, những mối liên kết còn lúng túng, vì chưa có những mô hình cụ thể, trách nhiệm của các bên (nhà nước, người dân, doanh nghiệp) như thế nào.

Để đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa ổn định, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông và UCA đã hoàn hiện Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn Việt Nam”, trình Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc UCA, cho biết: Trọng tâm của Đề án là đề xuất xây dựng thí điểm Trung tâm kết nối sản xuất sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn Việt Nam theo vùng và liên vùng. Trung tâm sẽ làm nhiệm vụ chính là quản lý, phân phối, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón, thuốc vảo vệ thực vật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị, công nghệ… và bao tiêu đầu ra cho các hợp tác xã, các chủ thể liên quan trong vùng và liên vùng. Trung tâm sẽ kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, để các loại nông sản đến tay người tiêu dùng có lý lịch rõ ràng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch. Từ đó xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, nâng cao tính hiệu quả, quản lý được chất lượng đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra. Từng bước làm minh bạch hóa thị trường nông sản an toàn và trở thành nơi kết nối, phân phối các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng thông qua hệ thống bán lẻ truyền thống và tiến tới xuất khẩu.

Tại Hội nghị, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và UCA đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, thực phẩm an toàn giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – các chủ thể có liên quan.

Bên cạnh đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng đã ký kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (VINASEED) và Công ty TNHH Toản Xuân về sản xuất và tiêu thụ gạo. Các bên sẽ thí điểm xây dựng mô hình HTX, hình thành chuỗi liên kết giữa hộ nông dân – HTX – DN tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lào Cai và Nam Định. Mỗi tỉnh sẽ triển khai tại 1 – 2 huyện, củng cố, thành lập ít nhất 2 HTX, quy mô trung bình khoảng 150ha/huyện. Cùng với đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ký kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO) và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công (Gia Lai) về sản xuất và tiêu thụ mía đường. Các nội dung thí điểm chính bao gồm: Thí điểm xây dựng mô hình HTX, hình thành chuỗi liên kết giữa Hộ nông dân – HTX – DN mía đường tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La, Khánh Hòa và Hậu Giang. Tại mỗi tỉnh, sẽ triển khai tại 2 huyện, củng cố, thành lập ít nhất 2 HTX, quy mô trung bình 200ha/huyện.

Được biết, mô hình thí điểm này sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2018, sau đó sẽ tổng kết và đánh giá các mô hình thí điểm và tài liệu hóa làm mẫu để giới thiệu với các địa phương triển khai nhân rộng trong năm 2019.

Khánh Nguyên

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top