Một vụ việc gây chấn động dư luận khi Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công an, cơ quan chức năng hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 3 DN sản xuất nước mắm từ hóa chất tẩy rửa công nghiệp.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn là mãi tới đầu tháng 1/2020, danh tính của 3 công ty này mới được công bố.
“Công nghệ biến thành nước mắm 50 giờ”
Trên cơ sở thông tin và yêu cầu phối hợp của Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), ngày 6/5/2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nước mắm. Theo đó, đoàn liên ngành đã phát hiện 3 DN có vi phạm gồm: Công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (47 Trần Phú, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) và Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát (ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).
Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty TNHH MTV Điều Hương đã đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm: Dịch bột ngọt Vedan, dịch nước tôm và Soda Ash Light (Na2CO3) - hóa chất công nghiệp cơ bản dùng trong ngành xà bông để trung hòa axít (khử chua). Sau đó, đun bằng hơi nước trong khoảng 40 – 50 giờ. Kết quả thu được là 800 lít dung dịch có nồng độ đạm đạt 25 – 350N và 700 lít muối kết tủa. Tương tự, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp cũng được xác định dùng hóa chất Soda Ash Light (Na2CO3) 99,2% có nguồn gốc từ Trung Quốc để trung hòa axit trong nước bổi cá, tạo thành nước mắm bán thành phẩm (nước hoa cà)...
Cùng với việc sử dụng hóa chất công nghiệp trong tẩy rửa để sản xuất nước mắm, các công ty trên còn vi phạm một loạt điều kiện sản xuất, kinh doanh như: Hệ thống lưới chống côn trùng, động vật chưa đầy đủ; điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm… Công ty TNHH MTV Điều Hương thậm chí chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất về an toàn thực phẩm.
Vì sao chưa xử lý hình sự?
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT xác định cả 3 công ty kể trên đều có chung vi phạm: Sử dụng hóa chất Soda Ash Light (Na2CO3) thường được sử dụng trong tẩy rửa, dệt nhuộm… không có trong danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm để sản xuất nước mắm bán thành phẩm (nước hoa cà). Theo đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã xử phạt 3 DN trên với số tiền 782 triệu đồng. Thanh tra Bộ cũng đã yêu cầu các công ty này dừng sản xuất, trả lại toàn bộ lượng Soda Ash Light đã nhập.
Mặc dù vậy, dư luận rất bức xúc vì vi phạm sản xuất nước mắm từ hóa chất công nghiệp đặc biệt nguy hiểm, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc các đơn vị chức năng, trực tiếp là Thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ xử phạt vi phạm hành chính là còn nương nhẹ. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý hình sự các đơn vị có vi phạm để tạo sức răn đe.
Ngày 14/1, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc 3 DN sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp soda Na2CO3 để sản xuất nước mắm là hành vi gian lận thương mại. Sau khi có kết luận xử phạt vi phạm đối với 3 công ty nêu trên, đơn vị đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị xem xét, xử lý theo quy định. Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Bộ NN&PTNT, Bộ Công an đã yêu cầu lấy thêm mẫu phân tích để làm cơ sở xử lý. Tuy nhiên, kết quả mẫu do Thanh tra Bộ gửi đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy, toàn bộ chất cấm, kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì…) trong nước mắm bán thành phẩm đều... không được phát hiện hoặc vẫn trong ngưỡng cho phép. Do đó, không đủ cơ sở để truy tố hình sự.
Được biết, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tái kiểm tra hoạt động và các sản phẩm đã niêm phong của các cơ sở này.
Bộ Công Thương nói gì?
Liên quan đến vụ việc Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố danh sách doanh nghiệp kinh doanh và chế biến nước mắm sử dụng nguyên liệu soda công nghiệp, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, nước mắm không phải là mặt hàng do Bộ Công Thương hay trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường quản lý và kiểm soát.
Theo Bộ Công Thương, thời điểm nhạy cảm bởi trước Tết Nguyên đán hàng lậu, hàng giả tràn vào nội địa rất nhiều. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ và Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào Việt Nam.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Trong quá trình triển khai, nếu phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm sẽ có giải pháp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, lực lượng sẽ kiểm tra kiểm soát việc chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...; chống xuất lậu các loại than, khoáng sản, thịt lợn, gia cầm, gia súc, gỗ và các lâm sản quý hiếm…
Lực lượng quản lý thị trường cũng kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như: thực phẩm; bánh kẹo; mỳ chính (bột ngọt); rượu, bia, nước giải khát; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng;... các loại hàng hoá giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Về an toàn thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố; tập trung vào các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh...
Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, những hành vi của các doanh nghiệp trên là vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm (vi phạm điều cấm của luật).
Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. Theo quy định của pháp luật, không phải loại chất nào cũng có thể được sử dụng vào sản xuất thực phẩm.
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về những hành vi bị cấm gồm: Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hành vi sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không đúng quy định - soda công nghiệp (Na2CO3) là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm của các đơn vị nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm (vi phạm điều cấm của luật).
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối với các hành vi vi phạm nêu trên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo đó, các đơn vị sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (khoản 4 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP) về hành vi sử dụng Soda công nghiệp – sử dụng chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
Ngoài ra các công ty, cơ sở sản xuất vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 3 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này”.
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm.
Bị phạt tiền 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng về hành vi Sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
“Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết. Đồng thời cho rằng những hành vi vi phạm khác cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Song song với đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá, công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Phải sớm có quy chuẩn để bảo vệ nước mắm truyền thống
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, ngành sản xuất nước mắm truyền thống bị tổn hại danh tiếng và kết quả kinh doanh trong những năm gần đây vì những thông tin chất này, chất kia trong sản xuất hay phân tích sản phẩm. Một trong những nguyên nhân là do chưa có một quy chuẩn cụ thể về nước mắm truyền thống (làm từ cá và muối) để phân biệt với các loại nước chấm khác (nước mắm pha chế thêm các loại hương liệu, nguyên liệu khác).
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), các doanh nghiệp đã tập hợp vận động thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống, đề nghị các bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm truyền thống. "Nếu không sớm có hiệp hội để tự quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thống nhất, hình ảnh nước mắm truyền thống còn có nguy cơ bị xâm hại", bà Minh cho hay.
Liên quan thông tin 3 công ty dùng soda công nghiệp sản xuất nước mắm bị "ém" nửa năm mới công bố, đại diện Bộ Y tế cho biết các quy định hiện hành không quy định rõ sau thanh tra bao nhiêu lâu phải công bố thông tin, nhưng trong Luật an toàn thực phẩm có quy định việc cung cấp thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm phải chính xác, kịp thời, thuyết phục.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.