Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 | 14:28

Tiếp bài chuyện lạ ở Đắk R’lấp: Chủ tịch huyện “ưu ái” viên chức nghỉ việc dài hạn?

Sau một năm tự ý nghỉ việc, hoàn toàn “mất” liên lạc với cơ quan, gần đây, ông Trần Ngọc Hảo liên tục nhận được thông báo “mời” đi làm trở lại. Điều đáng nói, các thông báo này được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch huyện Đắk R’lấp.

Từng xin nghỉ việc rồi… rút đơn

Theo tìm hiểu của PV, tháng 07/2017, ông Trần Ngọc Hảo được tổ chức điều động từ Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Kiến Đức sang làm Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp. Tháng 08/2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Ban Quản lý các dự án sáp nhập thành Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp, ông Hảo được điều động từ Phó giám đốc xuống làm nhân viên.

Sau khi xuống làm nhân viên, từ tháng 08/2019 – 05/2020, ông Hảo vẫn đi làm bình thường. Đến ngày 02/06/2020, ông Hảo nộp đơn xin thôi việc. Sau khi tiếp nhận đơn thôi việc, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp đã báo cáo UBND huyện để giải quyết theo thẩm quyền nhưng không nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo huyện.

Đến ngày 24/06/2020, ông Hảo bất ngờ gửi đơn xin rút đơn xin thôi việc và xin nghỉ không lương 3 tháng để đi chữa bệnh.

Sau khi nhận đơn, cơ quan nơi ông Hảo công tác tiến hành họp để xem xét, kết quả có 14 phiếu không đồng ý cho rút đơn, 17 phiếu đồng ý cho rút đơn xin thôi việc. Sau đó, từ tháng 07/2020, ông Hảo nghỉ việc không hưởng lương 3 tháng để chữa bệnh. Sau 3 tháng nghỉ chữa bệnh, ông Hảo đã không trở lại cơ quan làm việc.

Trụ sở cơ quan - nơi ông Trần Ngọc Hảo công tác.
Trụ sở cơ quan - nơi ông Trần Ngọc Hảo công tác.

 

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Hảo cho biết: Sau khi cơ quan sáp nhập, tổ chức không thực hiện quy trình bổ nhiệm lại theo như nội dung trong quyết định điều động; lãnh đạo cơ quan không phân công nhiệm vụ cụ thể, khi lên cơ quan không biết làm gì, dẫn đến chán nản, cộng thêm bệnh tật phát sinh, nên đã tự ý nghỉ việc. Điều khiến tôi thắc mắc là, dù chưa thực hiện các bước xử lý theo quy định, cơ quan đã tự ý không trả lương và cũng không thông báo cho tôi biết lý do vì sao ngừng trả lương.

Điều lạ lùng là, từ 10/2020 đến nay, ông Trần Ngọc Hảo tự ý nghỉ việc, “mất” liên lạc với cơ quan, nhưng không nhận được thông báo nhắc nhở và cũng chưa bị xem xét xử lý kỷ luật.

 

Chuyện lạ chưa… dừng lại!

Sau 1 năm tự ý nghỉ việc, tưởng chừng ông Trần Ngọc Hảo sẽ phải nhận “cái kết” buộc thôi việc, nhưng thực tế lại khác. Thời gian gần đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Đắk R’lấp, ngày 16 và 19/08/2021, ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp đã ký 2 thông báo số 67 và 69 đề nghị ông Trần Ngọc Hảo đến trụ sở để nhận nhiệm vụ.

Tiếp đó, ngày 04/10/2021, ông Lê Quang Dũng, Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk R’lấp đã ký Thông báo số 199/TB-UBND thông báo kết luận của ông Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp tại cuộc họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị của ông Trần Ngọc Hảo.

Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp giao Phòng Nội vụ: Xem xét trình độ, điều kiện, tiêu chuẩn và tiến hành làm việc với ông Trần Ngọc Hảo. Nếu ông Hảo có nguyện vọng tiếp tục công tác, thì tham mưu cho UBND huyện xem xét, bố trí sắp xếp công việc trên cơ sở phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực công tác và vị trí việc làm.

Phối hợp với Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất kiểm tra quy định, xem xét trách nhiệm của cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý và việc giải quyết chế độ, chính sách, tiền lương của ông Trần Ngọc Hảo (nếu thực hiện chưa đảm bảo quy định).

Đối với Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất: Tạo điều kiện thuận lợi, phân công nhiệm vụ cụ thể đúng với năng lực và sức khỏe để ông Trần Ngọc Hảo trở lại làm việc. Đồng thời phối hợp với Phòng Nội vụ thực hiện rà soát, đối chiếu với quy định về xử lý kỷ luật viên chức, nếu ông Trần Ngọc Hảo có hành vi vi phạm thì xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trần Ngọc Hảo.
Nội dung thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trần Ngọc Hảo.

 

Sau khi nghiên cứu nội dung vụ việc, trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, luật sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc chi nhánh TP.Hồ Chí Minh – Công ty Luật TNHH Phát Việt, khẳng định: Trong trường hợp ông Trần Ngọc Hảo nghỉ việc mà không thực hiện thủ tục xin nghỉ đúng theo các quy định pháp luật, không thông báo hoặc xin phép cơ quan thì sẽ vi phạm quy định hợp đồng làm việc và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lỗi vi phạm của mình. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. 

Qua theo dõi thông tin do báo chí phản ánh, ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân ở huyện Đắk R’lấp, cho rằng: Ông Trần Ngọc Hảo tự ý nghỉ việc đã vi phạm quy định của pháp luật về: Thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập. Vi phạm rõ ràng và kéo dài, vì vậy, đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo xử nghiêm, không nên “ưu ái”. Đồng thời, Chủ tịch huyện cũng cần xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu nơi ông Trần Ngọc Hảo công tá khi để nhân viên cấp dưới nghỉ dài hạn mà không gửi thông báo nhắc nhở, không họp để tiến hành các bước xử lý viên chức là buông lỏng quản lý, chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

 

Đông Quân
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top