Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 14:8

Tin NN ĐBSH: Phát triển sản xuất và chăn nuôi an toàn theo quy trình khép kín

Trong phát triển chăn nuôi và trồng trọt đều cần chú trọng xây dựng các mô hình an toàn theo quy trình khép kín. Đồng thời, cần chú trong tạo thị trường đầu ra rộng mở, nâng cao giá trị sản phẩm.

ha-nam.jpg
Lợn giống được sản xuất từ đàn lợn nái của trang trại anh Nguyễn Công Trung Nhận, xã Văn Xá (Kim Bảng).

 

Hà Nam: Chủ động con giống bảo đảm chất lượng cho tái đàn

Thời gian qua, trong quá trình chăn nuôi lợn, người dân trong tỉnh đã chú trọng phát triển trở lại đàn lợn nái. Hiện tổng đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đạt 35 nghìn con, tăng 5.000 con so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng nuôi trong nông hộ khoảng 15 nghìn con, chiếm gần 40% tổng đàn. Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng đàn nái hiện có cơ bản đáp ứng đủ lợn giống cung cấp nhu cầu phát triển chăn nuôi.

Những năm gần đây, chăn nuôi lợn tại xã Văn Xá (Kim Bảng) phát triển khá mạnh, với tổng đàn luôn duy trì trên 7.000 con, thời gian cao điểm lên đến hơn 10.000 con. Đặc biệt, trên địa bàn xã có hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 200 – 300 con lợn trở lên, có trang trại hơn 1.000 con. Ông Dương Văn Quyết, Trưởng thú y xã Văn Xá cho biết: Để duy trì được tổng đàn, xã chú trọng phát triển đàn lợn nái tại các hộ và trang trại. Do vậy, luôn chủ động được nguồn con giống bảo đảm chất lượng cho tái đàn.

Qua tìm hiểu được biết, đàn lợn nái của xã Văn Xá lên đến 800 con, chiếm hơn 10% tổng đàn và có đến trên 50% số hộ chăn nuôi lợn của xã có lợn nái. Đặc biệt, các hộ nuôi lớn đều chăn nuôi theo quy trình khép kín từ nuôi lợn nái sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt. Theo đánh giá, mỗi phân kỳ chăn nuôi (6 tháng), số lượng lợn giống trên địa bàn phục vụ đủ nhu cầu nuôi lợn thịt và thừa  khoảng 3.000 con bán ra bên ngoài.

Qua tìm hiểu được biết, tại những địa phương chăn nuôi phát triển luôn chú trọng đến đàn lợn nái để chủ động nguồn con giống. Huyện Bình Lục, một trong những địa phương dẫn đầu chăn nuôi lợn của tỉnh có đàn lợn nái khoảng 9.000 con. Hay tại huyện Lý Nhân chăn nuôi lợn được duy trì và phát triển, chiếm khoảng 30% tổng đàn lợn của tỉnh và đàn lợn nái của huyện cũng khoảng 14.000 con, bằng gần 40% tổng đàn cả tỉnh.

Những vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của Lý Nhân đều có đàn lợn nái lớn, như: Xã Chân Lý 1.722 con, Chính Lý 1.469 con, Văn Lý 1.446 con, Nhân Thịnh 1.185 con, Phú Phúc hơn 1.000 con... Ông Trần Văn Niềm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân cho biết: Đàn lợn nái trên địa bàn duy trì tốt cơ bản cung ứng đủ nguồn con giống cho nuôi lợn thịt. Đây là yếu tố quan trọng để các địa phương thực hiện tái đàn nhanh sau các đợt bị ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi.

Thời gian qua, trong quá trình chăn nuôi lợn, người dân trong tỉnh đã chú trọng phát triển trở lại đàn lợn nái. Hiện tổng đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đạt 35 nghìn con, tăng 5.000 con so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng nuôi trong nông hộ khoảng 15 nghìn con, chiếm gần 40% tổng đàn. Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng đàn nái hiện có cơ bản đáp ứng đủ lợn giống cung cấp nhu cầu phát triển chăn nuôi.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản (Sở NN & PTNT) đánh giá: Việc duy trì và phát triển được đàn lợn nái đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi lợn thịt. Cùng với chủ động nguồn giống, người chăn nuôi giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất,

Thực tế cho thấy, việc tự sản xuất con giống đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chăn nuôi lợn. Cụ thể, hiện nay giá một con lợn giống nếu phải nhập dao động từ 2,5 – 3 triệu đồng, chiếm 30% giá thành sản phẩm lợn thịt. Khi giá lợn thịt xuống thấp, sản xuất rất dễ bị thua lỗ do đầu tư giống cao. Nhưng khi thực hiện chăn nuôi khép kín từ đàn lợn nái sản xuất con giống chuyển sang nuôi thịt sẽ giảm được 50% tiền giống. Như vậy giúp nâng cao lợi nhuận trong chăn nuôi lợn thịt. Không chỉ giúp giảm chi phí, việc chủ động được nguồn con giống còn giúp người chăn nuôi giảm phụ thuộc vào nguồn cung lợn giống ngoài thị trường cả về số lượng và giá cả. Hơn nữa vấn đề quan trọng hơn là chủ động được con giống giúp bảo đảm chất lượng đầu vào, lợn  giống sạch bệnh.

Trong giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, ngành nông nghiệp đề ra nhiệm vụ duy trì đàn lợn nái cung cấp con giống được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, tỉnh đang triển khai chương trình hỗ trợ một phần nguồn con giống lợn nái hậu bị, kỹ thuật cho người dân tạo nguồn con giống chất lượng. Quá trình chăn nuôi lợn thịt, người dân đang thực hiện chọn lựa con giống tốt chuyển sang làm lợn nái... Với những biện pháp đề ra, hy vọng thời gian tới đàn lợn nái của tỉnh sẽ tiếp tục được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, hướng tới bảo đảm cung cấp nguồn con giống chất lượng cao cho phát triển chăn nuôi đàn lợn.

Hà Nội: Hỗ trợ tiêu thụ nông sản chất lượng cao

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức Diễn đàn “Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức với mục đích tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã trên địa bàn huyện thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, trên địa bàn huyện trồng khoảng 200ha phật thủ. Cùng với phát triển cây phật thủ, diện tích rau an toàn đạt 113ha; hơn 800ha cây trồng hiệu quả cao (bưởi 260ha, nhãn chín muộn 138ha, cam 68ha, ổi 118ha, táo 84ha, hoa lan 5ha...) với 15 vùng chuyên canh tập trung.

 

nn-2.jpg
Bưởi đường Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) được nhiều đơn vị kết nối tiêu thụ.

 

Xác định nông sản thế mạnh, huyện Hoài Đức chú trọng chỉ đạo và hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu rau an toàn, phát triển nhãn hiệu tập thể, như: Nhãn chín muộn Hoài Đức, cam Canh, bưởi ngọt Đông La, rau an toàn Tiền Lệ... Huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ, nhưng việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn một số vướng mắc do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

Tại diễn đàn, chủ trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh, giám đốc các hợp tác xã đã trao đổi, chia sẻ về cách tiếp cận, quy cách, chất lượng sản phẩm; kết nối các kênh phân phối lớn cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phúc, hộ trồng phật thủ lớn tại xã Yên Sở chia sẻ, ngoài dòng sản phẩm đòi hỏi mẫu mã, chất lượng cao, các nhà vườn còn tới 30% sản lượng quả mẫu mã xấu, bán theo cân phục vụ nhu cầu khác. Do đó, các hộ trồng phật thủ rất mong kết nối với các cơ sở chế biến dược liệu, chế biến tinh dầu để nâng cao giá trị trên một héc ta canh tác cũng như giảm áp lực thị trường cho sản phẩm phật thủ của địa phương.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà ở xã Di Trạch cho hay, nhờ được tập huấn trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ổi Di Trạch ngày một nâng cao nhưng đến nay việc tiêu thụ chủ yếu vẫn do thương lái và người dân tự tiêu thụ bán lẻ trong vùng. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm ổi Di Trạch của địa phương được dán tem nhãn và đưa vào các kênh phân phối lớn...

Trả lời những thắc mắc, kiến nghị về công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trước hết, để tiêu thụ được thuận lợi, các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành hợp tác xã… qua đó, lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn.

Trong khâu tiêu thụ, UBND huyện Hoài Đức, ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp… sẽ có khảo sát, đánh giá chất lượng, tiến tới ký kết tiêu thụ. "Khi nông dân sản xuất an toàn, có sự liên kết nhóm thì việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện sẽ có nhiều khởi sắc. Ngoài ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ tại hội nghị, thời gian tới, huyện Hoài Đức sớm thành lập các nhóm mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để cập nhật kết nối tiêu thụ theo tháng, quý... nhằm chủ động trong kế hoạch sản xuất", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường gợi ý.

 

nhamnuon1.jpg
Chăm sóc giống nhãn muộn ở Hưng Yên.

 

Hưng Yên: Phấn đấu 57 vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn ViatGAP

Thực hiện Quyết định số 2385/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tiếp tục phê duyệt Kế hoạch tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trên cây ăn quả tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, năm 2021, toàn tỉnh có kế hoạch tổ chức tập huấn và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 57 vùng sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 780 ha. Trong đó có 20 vùng sản xuất nhãn với diện tích 250ha, 15 vùng sản xuất cây có múi với diện tích 150ha; 7 vùng sản xuất chuối với diện tích 200ha, 4 vùng sản xuất vải với diện tích 60ha, 11 vùng cây ăn quả khác với diện tích 120ha.

Căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ được giao, hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện để mở rộng tối đa diện tích cấp mới và duy trì những vùng đã được cấp chứng nhận VietGAP của những năm trước./.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top