Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 9:11

Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị

Ngày 20/4, tại UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông @nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị”.

20180420_092955.jpg

  Toàn cảnh buổi diễn đàn.

 

Tham dự có bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT); lãnh đạo Sở NN&PTNT Bắc Giang, UBND huyện Yên Thế và một số Trung tâm Khuyến nông, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận Thái Nguyên, Lạng Sơn...

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm qua, mặc dù ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng chăn nuôi gà vẫn tăng trưởng đều đặn, năm 2013 tổng đàn gà cả nước là 234.509,4 nghìn con, năm 2014 đạt 246.027,0 nghìn con, tăng  4,91 % so với  năm 2013; năm 2016 đạt 277.189,2 nghìn con, tăng 6,90 % so với năm 2015; năm 2017 đạt 295.209 nghìn con, tăng  6,50% so với  năm 2016.

Chăn nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ đang dần được thay thế bằng chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô lớn. Trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi gà đã được nâng lên rõ rệt, năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi tăng đáng kể.

Hoạt động khuyến nông đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Thông qua hoạt động khuyến nông, đã xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới làm tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi, nâng cao hiệu quả, phát triển chăn nuôi gà một cách bền vững. Từ đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trông vật nuôi, phát huy lợi thế vùng miền và xây dựng nông thôn mới.  

 Bà Hạ Thúy Hạnh phát biểu tại diễn đàn.
 

Trong các năm từ năm 2011 đến 2017, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gà đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, đã tăng hiệu quả so với chăn nuôi đại trà và từ đó nhân rộng mô hình vào thực tiễn sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gà với quy mô 1.009.340 con, với 9.297 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 6.816 lượt người trong và ngoài mô hình; tổ chức cho 2.510 người tham quan nhân rộng mô hình.

Trong đó, có nhiều dự án, mô hình triển đã và đang triển khai có hiệu quả như: Dự án“Xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm quy mô xã”; Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc”; Mô hình chăn nuôi gà thịt và nuôi cá tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”.

Theo ông Thân Minh Sâm, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thế, kết thúc năm 2017, tổng đàn gia cầm của huyện đạt 4,6 triệu con (trong đó đàn gà là 3,74 triệu con), thời điểm hiện tại đàn gia cầm của huyện là trên 3,5 triệu con; hàng năm huyện xuất bán ra thị trường được từ 12-14 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất đạt trên 1.250 tỷ đồng.

20180420_0822591.jpg
 Ông Thân Minh Sâm, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thế đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng nao hiệu quả chăn nuôi gà vườn.
 

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2018, sản phẩm gà đồi cung cấp cho các thị trường đạt từ 2,0 - 2,5 triệu con, trong đó cao điểm trong thời gian từ 05/2 (20/12 Âm lịch) đến 15/02 (ngày 30 Tết) tiêu thụ 1,2 triệu con, với trọng lượng bình quân 2,0 - 2,5 kg/con; giá bán bình quân 65.000 đ/kg.

Số lượng hộ chăn nuôi quy mô từ 500 - dưới 1.000 con trên 2.000 hộ; quy mô từ 1.000 - 2.000 con là trên 700 hộ; quy mô trên 2.000 con có trên 230 hộ; cá biệt đã có những hộ nuôi trên 7.000 - 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm.

"Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đàn gà và nâng cao chất lượng giống gà đồi đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất; Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu phương thức chăn nuôi gà thương phẩm; Quan tâm tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm; Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm", ông Thân nói.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, chăn nuôi gà theo phương thức thả vườn đồi đã góp phần tích cực trong phát triển sản xuất chăn nuôi của Bắc Giang theo hướng chuyển dịch cơ cấu, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính.

Thời gian tới tỉnh tập chung vào một số giải pháp chính. Về quy hoạch: Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 25/01/2014, đồng thời tham mưu đề xuất điều chỉnh bổ sung các khu chăn nuôi tập trung mới đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

img_10421.JPG

Về chính sách: Ngoài việc triển khai thực hiện các chính sách, đề án đã được phê duyệt, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho xây dựng và phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giống gà thả vườn đồi nhằm hạn chế những tồn tại về công tác giống hiện nay. Tham mưu cho xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất,  đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi cho an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP cho nông dân, tăng cường, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho người chăn nuôi.

Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến tập trung; tăng cường năng lực cho các Hội chăn nuôi gia cầm, HTX chăn nuôi cùng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất và hạn chế rủi do trong chăn nuôi.

20180420_0823241.jpg
 Diễn đàn thu hút nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người chăn nuôi tới dự
 

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị cần ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, chuồng trại, quy trình nuôi dưỡng, các công nghệ tiên tiến trong khu vực để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Gắn sản xuất với giết mổ, chế biến, thị trường trên cơ sở hỗ trợ từng bước xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm tập trung, công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đại diện Công ty cổ phần Giang Sơn, đề nghị Nhà nước có những cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, giải phòng mặt bằng để thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường hợp tác hơn nữa giữa 4 nhà, nhất là giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi trong việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm, nhất là đối với gia cầm nhập lậu; gà không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào địa bàn làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Tại diễn đàn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top