Từ ngày 1/4 đến 17h ngày 20/4, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã xử phạt tổng cộng 9.842 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Các quận, huyện có số trường hợp xử phạt cao gồm: Đống Đa (1.245 trường hợp), Hai Bà Trưng (652 trường hợp), Hà Đông (592 trường hợp), Thanh Trì (566 trường hợp), Đan Phượng (480 trường hợp), Phúc Thọ (258 trường hợp…
Riêng trong ngày 20/4, quận Cầu Giấy xử phạt mới 44 trường hợp, nâng số bị xử phạt lên 519 trường hợp, với tổng số tiền 217,8 triệu đồng. Trong 519 trường hợp vi phạm có đến 437 trường hợp không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân (không đeo khẩu trang nơi công cộng).
Huyện Thanh Trì đã xử phạt 87 trường hợp vi phạm mới, nâng tổng số vi phạm là 566 (dẫn đầu khu vực ngoại thành).
Các lỗi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là do mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh lĩnh vực không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do thực sự cần thiết…
Lào Cai: Đưa hơn một triệu khẩu trang y tế vào sử dụng chống dịch
Cục Hải quan Lào Cai phối hợp các cơ quan chức năng giám định hơn 400 thùng khẩu trang y tế buôn lậu bị lực lượng chức năng thu giữ, để đưa vào phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Qua giám định, có 20 thùng khẩu trang (tương đương với khoảng 50 nghìn chiếc) không đạt tiêu chuẩn sẽ được tiêu hủy theo đúng quy định. Hơn một triệu chiếc khẩu trang bảo đảm chất lượng sẽ được bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa vào phục vụ công tác phòng, chống dịch trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 20/2, tại khu tập kết hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, lực lượng chức năng phát hiện xe đầu kéo mang BKS 24C-046.69 chở container mang BKS 15R-138.35 có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, bên trong container chứa hơn 400 thùng, mỗi thùng chứa 2.500 khẩu trang, tổng số hơn một triệu chiếc khẩu trang.
Chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số khẩu trang nói trên để xử lý theo quy định.
Thái Bình: Phát hiện 30 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc
Ngày 20/4, tại Km94 Quốc lộ 10 thuộc địa phận xã Tự Tân, (huyện Vũ Thư), tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông Tân Đệ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình phát hiện một xe đầu kéo biển kiểm soát 29C-774.55 di chuyển theo hướng Thái Bình đi Nam Định có dấu hiệu nghi vấn.
Số hàng hóa lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, thu giữ, (ảnh: phapluatplus).
Lực lượng chức năng đã dừng phương tiện để kiểm tra thì phát hiện trên xe chở khoảng 1.000 thùng hàng (khoảng 30 tấn) gồm có: linh phụ kiện dùng để lắp ráp xe ba gác; linh kiện xe máy điện; bình xịt tẩy rửa; giày dép; ủng cao su; găng tay bảo hộ lao động; đồ chơi trẻ em trị giả trên 1 tỷ đồng không có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Hiện, lực lượng chức năng đang hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.
Hà Tĩnh: Phát hiện gần 25.000 chiếc bỉm trẻ em không rõ nguồn gốc
Mới đây, trên tuyến đường Nguyễn Du - TP.Hà Tĩnh, tổ công tác của Đội Chống buôn lậu và gian lận thương mại (Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Tĩnh) phát hiện Nguyễn Văn Thắng (SN 1981, trú tại TP Hà Tĩnh) vận chuyển 15.558 chiếc bỉm trẻ em và 10 thùng giấy ăn đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Nguyễn Văn Thắng khai lô hàng trên là của chị N.T. D, có địa chỉ tại thị trấn Nghèn, Can Lộc (Hà Tĩnh). Tiến hành kiểm tra tại nhà của chị N.T. D, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thêm 9.208 chiếc bỉm.
Tại thời điểm kiểm tra, chị N.T. D không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng trên. Hiện, lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ xử lý theo quy định.
Hà Nội: Liên tiếp triệt phá “tụ điểm bay lắc”
Trong hai ngày liên tục Công an Hà Nội cùng các lực lượng công an cơ sở triệt phá 2 tụ điểm bay lắc tại quận Hà Đông.
Vào khoảng 23 giờ 15 phút ngày 20/4, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phối hợp với Công an phường Mộ Lao bất ngờ kiểm tra hành chính quán tẩm quất thư giãn số 14, tổ 16, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) phát hiện một nhóm thanh niên đang tụ tập hát karaoke và sử dụng ma túy.
Nhóm thanh niên gồm 13 đối tượng (7 nam, 6 nữ) đang tụ tập hát karaoke với âm thanh công suất lớn. Qua phân loại, lực lượng công an xác định 11 đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ gần 1,5 gam ketamin, hơn 2 viên ma túy tổng hợp, cùng nhiều tang vật sử dụng ma túy.
Trước đó, vào rạng sáng 19/4, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Công an Hà Nội) đã phối hợp với Công an quận Hà Đông triển khai kế hoạch kiểm tra đột xuất quán karaoke Đồng Hới (ở phường Dương Nội, quận Hà Đông). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện một số phòng của quán này có nhiều đối tượng đang mở nhạc mạnh và “bay lắc”, nghi sử dụng trái phép ma túy tổng hợp.
Lực lượng công an phát hiện 1 túi nylon chứa tinh thể màu trắng, giám định kết luận là chất Ketamine khối lượng 0,785 gam; 57 viên nén, giám định kết luận là ma túy tổng hợp loại chất MDMA, tổng khối lượng 23,294 gam.
Kiểm tra nhanh các đối tượng có 22/25 trường hợp dương tính với ma túy, trong đó có cả chủ quán Nguyễn Văn Anh. Hiện, 2 vụ vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.