Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng của TP. Hà Nội liên tục bắt nhiều kho hàng lậu, hàng giả với số lượng lớn. Qua đây cho thấy, tình trạng các đối tượng tập kết hàng giả, hàng nhái rồi bán hàng online vẫn còn rất phổ biến.
Ngày 30/3, Tổ công tác 368 phối hợp với Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livetreams.
Theo đó, kho hàng nằm ở xã Phú Sơn, Ba Vì (Hà Nội), do Nguyễn Văn Ngọc là chủ kinh doanh. Tất cả các sản phẩm trong kho hàng đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu. Bởi, làm việc với đoàn kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Qua điều tra của lực lượng chức năng, trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức, trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát giao hàng nhanh.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội, cho biết, thông qua hình thức chuyển phát nhanh, các đơn hàng sau khi được chốt nhanh chóng được vận chuyển đến khắp mọi miền đất nước từ Bình Định, Khánh Hòa, đến Thanh Hóa, Quảng Ninh. Đến 20h ngày 30/3, lực lượng chức năng vẫn niêm phong sản phẩm để vận chuyển về kho phục vụ việc xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bắt kho giày dép "khủng" giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn
Chiều 29/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 16, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Long Biên bất ngờ tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, Long Biên, TP. Hà Nội. Kho hàng rộng trên 100m2 được chủ cơ sở là Bùi Thị Giang thuê lại để chứa trữ các sản phẩm giày, dép thời trang các loại.
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho có tới hàng vạn sản phẩm được chủ cơ sở sắp xếp ngay ngắn và phân chia theo thương hiệu. Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ, đoàn kiểm tra mới có thể phân loại các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại cơ sở này.
Ông Nguyễn Sỹ Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 16, (Cục QLTT Hà Nội), cho biết, để triệt phá được cơ sở này, lực lượng chức năng phải trinh sát, theo dõi qua nhiều tháng. Theo kiểm đếm sơ bộ, lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior… lên tới trên 3.000 sản phẩm.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa đồng thời khai nhận nhập hàng từ một nguồn không quen biết trên mạng xã hội để về kinh doanh kiếm lời.
Bắt giữ kho chứa hàng tấn quần áo giả nhãn hiệu
Hàng nghìn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng chứa trong căn nhà 3 tầng tại Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Liệt, (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa bị Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, phối hợp với Đội QLTT số 15 (Cục QLTT Hà Nội) đột xuất kiểm tra, thu giữ.
Khi kiểm tra, chủ kho hàng là Trần Mĩ Sĩ đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Sĩ khai nhận, toàn bộ số hàng hóa này là giả mạo nhãn hiệu, được bán trên trang mạng xã hội: Lazada, Shopee.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục QLTT, cho biết, để phát hiện ra tụ điểm này thì lực lượng chức năng đã phải theo dõi rất nhiều tháng. Số lượng hàng hoá có thể lên tới hàng tấn..,. Với quan sát ban đầu thì đây là các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
An Giang: Phát hiện số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Mới đây, Công an huyện Châu Thành (An Giang) phát hiện 38 thùng giấy và 6 bao tải, bên trong có chứa 1.600 chai và 60 can thuốc bảo vệ thực vật nhãn mác nước ngoài.
Theo đó, trong lúc tuần tra kiểm soát tại khu vực Tổ 12, ấp Bình An 1, xã An Hòa, Tổ công tác Đội điều tra tổng hợp Công an huyện phát hiện 1 căn nhà tại Quốc lộ 91 có để nhiều thùng giấy và các bao tải được che đậy cẩn thận và cổng được khóa, nghi chứa hàng hóa nhập lậu.
Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra căn nhà trên và phát hiện có 38 thùng giấy và 6 bao tải, bên trong có chứa 1.600 chai và 60 can thuốc bảo vệ thực vật nhãn mác nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, không có ai đến nhận số thuốc bảo vệ thực vật trên.
Công an huyện Châu Thành đã bàn giao toàn bộ số thuốc bảo vệ thực vật trên cho Đội Quản lý thị trường số 6 để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.
Nghệ An: Bắt 2 đối tượng mua bán 50 kg quả thuốc phiện
Ngày 30/3, Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng gồm Nguyễn Kim Cầu (SN 1955), trú xóm 2, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn và Lô Văn Hùng (SN 1976), trú tại bản Nóng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để điều tra về hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy".
Đối tượng Lô Văn Hùng cùng tang vật.
Trước đó, nhận được thông tin các đối tượng sẽ thực hiện một phi vụ lớn, mang theo “hàng” về xuôi, ban chuyên án nhanh chóng họp, xây dựng phương án phá án.
Khi đối tượng Cầu mang theo ma túy lọt vào điểm phục kích tại xã Tiền Phong, các lực lượng đã nhanh chóng khống chế, bắt gọn Cầu về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy cùng tang vật là 1 xe ô tô, 2 bao bì đựng hơn 50 kg quả cây thuốc phiện tươi.
Đấu tranh khai thác, Ban chuyên án đã chỉ đạo tổ công tác số 2 bí mật theo dõi nhà đối tượng Hùng, thi hành lệnh bắt khẩn cấp về hành vi mua bán trái phép chất ma túy cùng 12 triệu đồng là số tiền thu lợi bất chính mà đối tượng Hùng có được khi bán ma túy cho Cầu.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.