Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 2 năm 2021 | 21:53

Tin PL: Liên tiếp triệt phá nhiều đường dây ma tuý lớn

Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2, Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá 3 đường dây vận chuyển, mua bán trái phép ma túy, bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ khoảng 217 kg ma túy các loại.

 Chỉ trong 4 ngày Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ khoảng 217 kg ma túy các loại.

 

Theo cơ quan điều tra Công an TP. HCM, đầu năm 2021, qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP phát hiện 3 đường dây mới được thành lập để tổ chức vận chuyển, mua bán trái phép nhiều loại ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Qua điều tra, lực lượng phòng, chống ma túy xác định những đối tượng nằm trong tổ chức tội phạm này hoạt động rộng lớn ở nhiều địa bàn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Để ngụy trang và qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng chuyên thuê ô tô tự lái vận chuyển ma túy từ biên giới Campuchia về các kho và nhà thuê để tập kết ma túy. Đối tượng Lê Tài Linh (sinh năm 1996, quê Tiền Giang) nằm trong chuyên án của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - C04 (Bộ Công an) nên 2 đơn vị đã tổ chức họp bàn và lên phương án cùng phối hợp khám phá.

Sau khi nắm rõ thủ đoạn của tổ chức tội phạm này, nhận định thời gian những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu các đối tượng sẽ đưa một số lượng lớn hàng ra để phục vụ thị trường. Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, ngày 30/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Công an quận 5, 10, Tân Bình bắt giữ đối tượng Lê Tài Linh và 2 đối tượng có liên quan, thu giữ khoảng 22kg ma túy tổng hợp.

 

 

Ngày 31/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Công an huyện Hóc Môn, Công an quận 12, Bình Thạnh bắt quả tang các đối tượng Lê Hoàng Thanh Danh và Hồ Thái Hồng (sinh năm 1983, ngụ Bến Tre, tạm trú huyện Hóc Môn) và 2 đối tượng có liên quan, thu giữ khoảng 50kg ma túy tổng hợp.

Với quyết tâm cắt đứt các đường dây cung cấp ma túy từ Campuchia về thành phố, ngày 2/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Công an quận 12, Bình Thạnh triệt phá thành công một đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn khác; bắt quả tang đối tượng Nguyễn Lý Quyên (sinh năm 1987), Phan Trương Thanh Bình (sinh năm 2000), Nguyễn Tiến Tài (sinh năm 1991), Trần Huyền Thành thu giữ 14 bánh Heroin.

Qua khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ thêm 90 bánh heroin, khoảng 100.000 viên thuốc lắc, 70kg MA, 5kg ketamin và 35 viên đạn.

Như vậy, trong 4 ngày từ 30/1 đến 2/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố phối hợp với Cục C04 Bộ Công an và các lực lượng liên quan triệt phá 3 đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Campuchia về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ 217 kg ma túy các loại, 35 viên đạn cùng nhiều công cụ, phương tiện liên quan đến hoạt động tội phạm. Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ, sớm đưa các đối tượng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.S

Đồng Nai: Hàng chục nghìn sản phẩm nhập lậu không hóa đơn

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Biên Hòa (Đồng nai) kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Đào Doãn Dự (49 tuổi), địa chỉ 158/7, khu phố 5B, phường Tân Biên làm chủ. Khi kiểm tra, phát hiện bên trong kho xưởng rộng khoảng 600m2 có 20 người đang thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội facebook và chốt đơn hàng.

Tại kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục nghìn sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau với tổng trị lên đến hàng tỷ đồng.

 

 Hàng chục nghìn sản phẩm nhập lậu không hóa đơn chứng từ bị Công an TP Biên Hòa (Đồng nai) phát hiện, thu giữ, (Ảnh: Công an Đồng Nai).

 

Tại thời điểm kiểm tra, ông Dự không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Bước đầu, ông Dự cho biết, toàn bộ hàng hóa tại kho được chuyển từ Mỹ về Việt Nam.

Số hàng này do khách hàng tại Việt Nam đặt từ trang facebook Shop Mơ Đào do bà Đào Thị Thanh Mơ (chị ruột của ông Dự) livestream bán hàng trực tiếp từ Mỹ. Hiện, Công an TP Biên Hòa tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Hải quan ra văn bản siết chặt nhập khẩu cá tầm

Mới đây, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và chủng loại.

Theo văn bản của Tổng cục Hải quan, ngày 26/1/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT có công văn về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, trong đó có đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

 

 Giờ đây, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bị siết chặt.

 

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện các nội dung đảm bảo công tác quản lý. Cụ thể, về chính sách quản lý, căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và các văn bản quy phạm pháp luật, cá tầm nhập khẩu phải có Giấy phép CITES gồm:

Cá tầm Đại Tây dương (Acipenser brevirostrum) và Cá tầm Ban tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nhập khẩu không vì mục đích thương mại; các loài cá tầm (trừ các loài quy định tại Phụ lục I) thuộc Phụ lục II của Công ước CITES.

Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam bao gồm: Cá tầm Beluga (Huso huso), Cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), Cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), Cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), Cá tầm Xiberi (Acipenser baerii).

Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.

Về thủ tục hải quan đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu, Tổng cục yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan đồng thời gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Trong đó, lưu ý tại ô mô tả hàng hóa phải khai đầy đủ tên thương mại, tên khoa học và mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top