Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 1 năm 2021 | 21:53

Tin PL: Tạm giữ 45 tấn bột ngọt in chữ Trung Quốc nghi nhập lậu

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT TP.HCM phối hợp với các lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra hai kho hàng tại hẻm 907 Hương Lộ 2, quận Bình Tân phát hiện một khối lượng lớn bột ngọt đựng trong 1.800 bao, in chữ Trung Quốc nghi nhập lậu.

 Lực lượng chức năng kiểm tra số bột ngọt nghi nhập lậu.

 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.800 bao bột ngọt nhãn hiệu hai con tôm loại 25 kg/bao. Bề mặt bao bì đều in bằng chữ Trung Quốc, ước tổng khối lượng khoảng 45 tấn. Chủ lô hàng không xuất hiện nên số bọt ngọt này không có hoá đơn, chứng từ mua bán và nguồn gốc xuất xứ. 

Được biết, loại bột ngọt này cấm lưu thông trên thị trường Việt Nam, ước tính giá trị của lô hàng trị giá gần 2 tỉ đồng. Toàn bộ số hàng nói trên được Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh niêm phong, tạm giữ để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện gần 40.000 sản phẩm khóa, phụ kiện cửa giả

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP .Hà Nội cho biết, cơ quan này đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ phát hiện số lượng lớn phụ kiện cửa, khóa cửa là hàng giả. Trước đó, qua quá trình nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 2 công ty, cơ sở kinh doanh phát hiện gần 40.000 sản phẩm khóa, phụ kiện cửa giả.

 

 Cảnh sát kiểm tra số phụ kiện cửa, khóa cửa là hàng giả.

 

Cụ thể, cơ quan chức năng kiểm tra Công ty TNHH liên doanh HHT Việt Nhật (địa chỉ số 30 liền kề số 18, khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) do Lê Thị Tâm (SN 1988, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là Giám đốc, phát hiện hơn 10.000 sản phẩm là ngũ kim (phụ kiện cửa) nhãn hiệu KIN LONG của công ty TNHH Kin Long Việt Nam có dấu hiệu là hàng giả.

Qua kiểm tra sơ bộ, xác định toàn bộ 10.000 sản phẩm ngũ kim nói trên là hàng giả, không phải hàng do công ty nhập khẩu và phân phối trên thị trường. Trị giá hàng hoá khoảng 500 triệu đồng.

Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh Ngô Huy (huyện Đông Anh, Hà Nội) do Lê Minh Tú (SN 1976, trú tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) là chủ kinh doanh, cơ quan chức năng phát hiện 350 thùng gồm hơn 29.000 sản phẩm ngũ kim có dấu hiệu là hàng giả sản phẩm ngũ kim nhãn hiệu KIN LONG.

Đại diện Công ty TNHH Kin Long xác nhận toàn bộ hàng hoá trên là hàng giả, không phải hàng do công ty nhập khẩu và phân phối. Trị giá hàng hoá khoảng 600 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát Kinh tế công an Hà Nội đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng, đồng thời khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ và điều tra mở rộng, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. 

Vĩnh Phúc: Bắt gần 470 kg pháo lậu

Sáng ngày 23/1, trên địa bàn xã Phương Khoan, (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), Công an huyện Sông Lô phát hiện, bắt quả tang Lại Hữu Dũng (sinh năm 1987) và Đỗ Đình Thắng (sinh năm 1992) đều trú ở xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch điều khiển xe ô tô vận chuyển 240 hộp pháo lậu, có tổng trọng lượng 465 kg.

 

 Công an huyện Sông Lô kiểm tra tang vật thu giữ gần 470 kg pháo lậu, ( Ảnh Công an cung cấp).
 

Bước đầu các đối tượng khai nhận mua số pháo trên của một đối tượng ở tỉnh Lào Cai. Sau đó, vận chuyển bằng đường bộ đi qua các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ rồi đưa lên xe ô tô vận chuyển qua huyện Sông Lô về tỉnh Vĩnh Phúc để bán kiếm lời.

Trong quá trình vận chuyển, để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan công an, các đối tượng đã thường xuyên thay đổi tuyến đường vận chuyển, dừng đỗ ở nhiều địa điểm, đồng thời cắt cử đối tượng đi theo xe ô tô để cảnh giới. Hiện, Công an huyện Sông Lô đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Bắt giữ nhóm người vận chuyển 14.000 gói thuốc lá lậu

Mới đây, Công an tỉnh Kiên Giang vừa bắt quả tang hai người buôn lậu thuốc lá và ba người khác có liên quan. Theo đó, lực lượng chức năng phát hiện vợ chồng Đặng Văn Đạt (37 tuổi), Trần Thị Ngọc Bê (34 tuổi cùng ngụ TP Rạch Giá) và ba người khác đi trên hai xe ô tô vận chuyển thuốc lá lậu.

 

 Đối tượng Đạt và Bê cùng tang vật.

 

Theo kết quả điều tra ban đầu, vợ chồng Đạt đến địa bàn giáp biên giới (thuộc tỉnh Long An) để mua thuốc lá lậu về Rạch Giá tiêu thụ. Trên đường đi, nhóm của Đạt liên tục thay đổi biển số xe giả để di chuyển về Rạch Giá trên tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Khi bị phát hiện, Đạt không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà điều khiển xe với tốc độ cao vượt qua hai trạm kiểm soát của CSGT. Ba người khác chạy theo sau xe của Đạt làm nhiệm vụ cản đường lực lượng truy bắt để xe của Đạt thoát thân.

Tuy nhiên, đến cuối đường cao tốc thấy có lực lượng Công an chốt chặn, không làm chủ được tốc độ Đạ đã đâm xe vào phương tiện xe của lực lượng CSGT gây hư hỏng nặng. Ngay sau đó, vợ chồng Đạt mở cửa xe nhảy xuống mương nước lội qua ruộng lúa hòng thoát thân nhưng đã bị lực lượng trinh sát khống chế bắt giữ.

Qua khám xét phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô của Đạt đang vận chuyển 14.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.

Phá đường dây sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả quy mô lớn

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá một đường dây sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả với quy mô đặc biệt lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định tạm giữ 6 đối tượng gồm: Nguyễn Quốc Thắng, Trần Thiện Giác, Nguyễn Nguyên Điền, Hồ Tuấn Khanh, Phan Trung Nhân và Nguyễn Ngọc Hoài để điều tra làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán thuốc BVTV giả, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 Thuốc BVTV giả bị phát hiện.

 

Trước đó, tại xã Tân Quý Tây, (Bình Chánh), tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện đối tượng Trần Thiện Giác đang sử dụng xe lôi máy vận chuyển 13 thùng thuốc BVTV từ tỉnh Long An lên TP. HCM tiêu thụ nghi làm giả.

Bước đầu, Giác thừa nhận buôn bán thuốc BVTV giả. Tháng 11/2020, Giác được Nguyễn Quốc Thắng thuê sản xuất thuốc với tiền công 180.000đ/thùng hàng giả thành phẩm. Địa điểm sản xuất tại TP.HCM và tỉnh Long An.

Mở rộng điều tra, tổ công tác kiểm tra 2 địa điểm là nơi sản xuất thuốc BVTV giả trong đường dây này, đã bắt quả tang 5 đối tượng gồm: Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Nguyên Điền, Hồ Tuấn Khanh, Phan Trung Nhân và Nguyễn Ngọc Hoài đang sản xuất một lượng lớn hàng giả là thuốc BVTV.

Ước tính ban đầu, toàn bộ số hàng giả bị thu giữ tương đương với giá trị hàng thật hơn 800 triệu đồng.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top