Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 9 năm 2014 | 11:34

Tĩnh Gia: Bồi thường, hỗ trợ mỗi xã một kiểu!

KTNT- Báo Kinh tế nông thôn đã có nhiều bài phản ánh nội dung đơn thư của gia đình bà Hồ Thị Hồng và các hộ dân thuộc xã Tân Dân (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) xung quanh việc bồi thường, hỗ trợ tiền đất khi thực hiện nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn. 
Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, người dân  tiếp tục gửi đơn khẩn cầu lên các cấp chính quyền để đòi quyền lợi chính đáng…


Mặt bằng giao trước, quyết định ra sau
Sau khi Báo Kinh tế nông thôn đăng tải nội dung đơn thư của công dân và nêu lên những thiếu sót trong quá trình thực hiện kiểm kê bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Tĩnh Gia, ngày 30/7/2014, Ban biên tập nhận được Công văn số 283 của UBND huyện Tĩnh Gia do ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện, ký. Nội dung công văn không tiếp thu và nghiêm túc chấn chỉnh những việc làm sai trong quá trình thực hiện bồi thường hỗ trợ GPMB Quốc lộ 1A mà lại dùng những lời lẽ chì chiết đổ thừa việc làm sai của mình cho báo. Trong khi công tác GPMB Quốc lộ 1A của UBND huyện Tĩnh Gia trước đây đã có hàng trăm đơn thư khiếu nại về việc bồi thường hỗ trợ tiền đất và tài sản trên đất chưa thỏa đáng. 

Đơn thư của công dân gửi Báo Kinh tế nông thôn.

Để chứng minh những việc làm mập mờ này, phóng viên tiếp tục xác minh thông tin đến bạn đọc những tình tiết mới qua đơn thư của công dân. Đó là đơn thư của các ông, bà Lê Thị Thạch, Lê Thị Túc, ông Lê Đình Bình, Phạm Văn Xã. Bốn hộ này đều chứng minh nguồn gốc đất của họ có trước năm 1982. Tuy nhiên, từ tháng 11/2011 đến nay, Ban GPMB huyện Tĩnh Gia và chính quyền địa phương cứ vòng vo, áp dụng các văn bản không đúng pháp luật để không ra quyết định thu hồi đất để bồi thường, hỗ trợ cho họ. Trao đổi với phóng viên, các hộ cho biết: “Liên tục chúng tôi gửi đơn thư, ý kiến thì đến ngày 28/3/2014, UBND huyện ra quyết định thu hồi đất gửi cho mỗi hộ. Trong quyết định đều chung nội dung là: “… thu hồi đất vườn cùng thửa đất ở, có nhà ở thuộc khu dân cư hình thành sau ngày 18/12/1980 đến trước ngày 21/12/1982 không được công nhận là đất ở…”. Từ nội dung quyết định này thì Ban kiểm kê bồi thường và GPMB thông báo hỗ trợ cho chúng tôi 20%. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý và tiếp tục đấu tranh thì đến tháng 5/2014 lại được thông báo nâng lên 40% và ráo riết thúc ép chúng tôi đi nhận tiền”. 
Bà Lê Thị Thạch cho biết thêm: “Đất của gia đình tôi có đủ điều kiện để nhà nước hỗ trợ 100%. Tuy nhiên, ban đầu Ban GPMB huyện Tĩnh Gia định thu không đất của chúng tôi,  khi gia đình viết đơn đòi quyền lợi thì từ không nâng lên 20% rồi 40%... Đến ngày 14/6/2014, tôi đã viết giấy tạm nhận số tiền 40% là 459.202.600 đồng, số còn lại hiện Ban GPMB huyện Tĩnh Gia vẫn chưa thực hiện chi trả cho gia đình”.
Cũng bằng cách làm mập mờ này, Ban GPMB huyện Tĩnh Gia lại làm ngược quy trình như trường hợp của gia đình ông Trương Bá Phúc ở thôn Thành, xã Xuân Lâm. Cụ thể: Ngày 31/3/2014 ,Ban GPMB huyện Tĩnh Gia đã vận động gia đình ông Phúc bàn giao mặt bằng để thi công. Tuy nhiên khi bàn giao xong mà huyện không ra quyết định thu hồi đất với lý do đất này nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trước sự việc này, ngày 23/6/2014, ông Phúc làm đơn khiếu nại thì đến ngày 30/6/2014, UBND huyện Tĩnh Gia mới ban hành Quyết định 2771 về việc thu hồi đất của gia đình ông với diện tích 56,7 m2 nhưng không thực hiện bồi thường tiền đất. Điều nực cười là việc thực hiện bàn giao đất của gia đình ông Phúc diễn ra từ ngày 31/3 thì đến 30/6 mới có quyết định thu hồi và đến ngày 10/7 quyết định này mới được bàn giao cho gia đình ông Phúc nhưng trong quyết định vẫn ghi: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Như vậy Quyết định 2771 của UBND huyện Tĩnh Gia  đã vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND. Tại Điều 51, khoản 1, đoạn 2, ghi rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện có hiệu lực sau bảy ngày và phải được niêm yết chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày HĐND thông qua hoặc Chủ tịch UBND ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn”. 

Công tác giải phóng mặt bằng để nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia chậm tiến độ.

Chậm tiến độ thi công, do đâu? 
Quay lại vấn đề đang diễn ra ở xã Tân Dân, 25 hộ dân đã chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp có trước năm 1982. Đó là đất của 4 hộ gia đình ông Đặng Văn Mẹo, Đặng Văn Miêu, Trần Thế Phong, Trần Văn Nghinh (Phôi). Do nhu cầu phục vụ công tác vận chuyển vật liệu xây dựng trường học, nên UBND xã Tân Dân đã đổi đất cho 04 hộ trên. Người đứng ra đổi đất là ông Vũ Đức Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Dân. Năm 1989, sau khi trường học hoàn thiện, chính quyền đã phân lô khu đất nói trên và tiến hành giao đất cho 25 hộ tiếp nối, sử dụng liên tục. Như vậy, theo Luật Đất đai cũng như các nghị định 181/NĐ-CP, 197/NĐ-CP, 84/NĐ-CP, 69/NĐ-CP…, việc chuyển giao đất này hoàn toàn là hợp pháp. 
Trao đổi với chúng tôi bà, Hồ Thị Hồng cho biết: Đất giao cho hộ gia đình tôi gồm: 480 m2(đổi đất) cộng với 2 lô đất nền chính quyền giao thêm có thu lệ phí đất theo hai tờ biên lai thu số 04 ngày 19/04/1989 và 06 ngày 21/04/1989, số tiền lần lượt là 300.000 đồng, 200.000 đồng. Tại Kết luận Thanh tra 2348/KL-UBND, Chủ tịch UBND huyện cố tình làm sai lệch hồ sơ đất của dân không đưa đầy đủ hai tờ hóa đơn thu lệ phí khi giao đất, chỉ công nhận phần diện tích đất đổi với thêm một lô đất nền. Khi giao đất, chính quyền xác định ranh giới giao từ mép đường Quốc lộ 1A vào và UBND xã, huyện hoàn toàn không biết về thông tin hành lang an toàn giao thông và không thông báo cho tôi biết, cụ thể: Hồ sơ đất của gia đình tôi không hề có chứng cứ nào chứng minh rằng đất giao có mốc lộ giới nằm trong hành lang an toàn giao thông. Khi thực hiện GPMB, UBND huyện đã thu hồi 137,4 m2 đất của gia đình tôi nhưng huyện không thực hiện bồi thường, hỗ trợ một đồng nào”.
Tại xã Hải An, các hộ như: bà Thạch, bà Túc, ông Bình, ông Xã từ 0%, khi các hộ có đơn trình lên huyện thì lại tăng dần lên 20%-40% và theo ý kiến của các hộ thì con số này không dừng lại ở đây. Còn các hộ ở xã Tân Dân thì lại bỏ qua, khi đất của họ có nguồn gốc trước năm 1982 nhưng lại không được bồi thường hỗ trợ. Để rõ hơn, chúng tôi trao đổi với ông Lê Ngọc Hà, Giám đốc Ban GPMB huyện Tĩnh Gia. Ông Hà cho biết: “Căn cứ vào các nội dung sau: nếu hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thu hồi theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tùy theo từng loại đất; còn các hộ không có một loại giấy tờ gì về đất thì UBND huyện hướng dẫn cho Phòng Tài nguyên và Môi trường xác định việc bỏ phiếu từ cộng đồng dân cư để xét”. Như vậy, tại xã Hải An, khi được thực hiện làm theo quy trình bỏ phiếu của cộng đồng dân cư thì được bồi thường hỗ trợ; còn tại xã Tân Dân không làm theo quy trình bỏ phiếu lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì không được bồi thường hỗ trợ? Trong khi các hộ dân ở Tân Dân khẳng định, họ được ông Vũ Đức Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã, làm chứng là đất có nguồn gốc trước năm 1982, là đất đổi của bốn hộ dân trước đây.
Khi Báo Kinh tế nông thôn có nhiều bài phản ánh, UBND huyện Tĩnh Gia không những không rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót mà còn ra văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sai sự thật rằng: Tác giả xử lý thông tin mang tính phiến diện, một chiều, thiếu khách quan, không trung thực, chủ quan duy ý chí đưa ra những thông tin thiếu căn cứ, không có tính định hướng làm cho nhân dân hoài nghi, mất lòng tin vào chính quyền cơ sở. Một số kẻ xấu đã lợi dụng nội dung bài báo để tuyên truyền, kích động người dân cản trở thực hiện dự án, khiếu kiện thiếu căn cứ gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương… Báo cáo không trung thực của UBND huyện Tỉnh Gia nhằm lấp liếm sai phạm, đánh tráo khái niệm nâng cao quan điểm. Thực tế, sự yếu kém trong công tác BT-HT-GPMB của UBND huyện Tĩnh Gia trước khi Báo Kinh tế nông thôn phản ánh thì đã có hàng trăm hộ dân của 11 xã có dự án đi qua làm đơn khiếu nại đòi bồi thường về đất, Thanh tra huyện cũng đã vào cuộc.
Đến nay ít nhất 2 lần UBND tỉnh Thanh Hóa nhắc nhở, ra hạn cho UBND huyện Tĩnh Gia bàn giao mặt bằng toàn tuyến cho nhà thầu thi công nhưng vẫn khá ì ạch. Các bài báo đều viết dựa trên sự thật khách quan nhưng “Báo cáo số 283” đã mượn cớ đổi lỗi cho phóng viên và người dân đồng loạt viết đơn khiếu nại, cản trở không cho nhà thầu tiếp tục thi công, làm ảnh hưởng xấu  đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương là không có cơ sở. 
Ngày 21/8/2014, chúng tôi có lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia và ông Lê Ngọc Hà, Giám đốc Ban GPMB huyện. Buổi làm việc nhằm mục đích tìm ra những việc làm còn chưa thông trong công tác GPMB Quốc lộ 1A, nhất là những kiến nghị của nhân dân thông qua đơn thư gửi cơ quan báo với tinh thần cởi mở, lắng nghe ý kiến của chính quyền địa phương để cùng nhau tháo gỡ. Tuy nhiên, buổi làm việc được bắt đầu bằng sự thiếu hợp tác và cản trở nhà báo của Phó chánh thanh tra Lê Ngọc Đại. Trong buổi làm việc, ông Đại liên tục xua tay ngăn cản báo chí chụp ảnh; ông này còn rút thẻ thanh tra ra với ý đồ dọa lại nhà báo. Hành động thiếu thiện chí này đã làm cho buổi làm việc không hiệu quả và sự hoài nghi của chúng tôi đặt ra khi Phó chánh thanh tra này hành xử như vậy nhằm mục đích gì? 
Trong buổi làm việc, chúng tôi cũng nêu câu hỏi tại sao đất của 25 hộ dân ở xã Tân Dân lại không được bồi thường và một trong 25 hộ dân này có gia đình ông Nguyễn Đức Cậy lại được hỗ trợ? Ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Căn cứ vào việc xét duyệt nguồn gốc đất và các giấy tờ liên quan đến đất của các hộ thì các hộ này không đủ điều kiện và không thuộc diện được bồi thường hỗ trợ. Ông Bùi Khắc Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết thêm: Khi có Công văn 3107 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết một số vướng mắc trong GPMB Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia, chúng tôi có mời các hộ lên làm việc để cung cấp các giấy tờ liên quan đến đất nhưng các hộ không lên, buộc chúng tôi phải lấy các trích đo của UBND xã để làm căn cứ, do vậy những hộ thừa đất đều không được hỗ trợ. Cũng trong buổi làm việc, ông Lê Ngọc Hà cho biết: Việc hỗ trợ tiền đất đối với gia đình ông Nguyễn Đức Cậy là hoàn toàn không có….
Để sự việc được rõ hơn, chúng tôi gặp trực tiếp ông Nguyễn Đức Cậy. Tại nhà, ông Cậy vừa gửi đơn vừa nói: “Không biết tại sao Viện Kiểm sát gọi tôi lên lúc đầu “gạ” đưa tôi 20 triệu đồng, ngày sau “gạ” đưa thêm 20 triệu đồng nữa là 40 triệu đồng. Tiền lấy tại tay của anh Nguyễn Duy Hải nói là tiền của nhà thi công”. 
Như vậy, việc bồi thường, hỗ trợ tiền đối với các hộ thuộc diện bị thu hồi đất để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A tại xã Tân Dân đang thực hiện theo nghị định và luật nào, khi công dân  cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng về những việc làm sai trái này? 
Trong đơn gửi các cơ quan báo chí, ông Cậy cũng đặt câu hỏi: Không biết tại sao tháng trước gia đình tôi nhận được quyết định cưỡng chế do ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, ký; mấy hôm sau lại nhận được công văn đề nghị dừng cưỡng chế do ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện, ký. Tôi không hiểu đây là chiêu thức gì của UBND huyện Tĩnh Gia khi mà chủ tịch thì ra quyết định cưỡng chế, còn  Phó chủ tịch thì lại ra thông báo dừng cưỡng chế?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin.
                                                                                                 Tân Thành


KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top