Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán 4 dự án theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) giai đoạn 2014 – 2018 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, qua đó kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng về ngân sách, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
Đáng chú ý, trong số này là sai phạm tại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư.
Từ chỉ định nhà đầu tư...
Dự án đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ được khởi công từ năm 2008, hoàn thành vào năm 2014. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án theo các quyết định được UBND TP. Hồ Chí Minh là 1.275 tỷ đồng.
Theo KTNN, tại dự án này việc chuyển hình thức đầu tư từ sử dụng ngân sách Nhà nước sang hình thức đối tác công tư chưa được UBND thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến.
UBND thành phố không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ định Công ty BOT cầu Phú Mỹ (sau đổi thành Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ) làm nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi hình thức thanh toán, không thực hiện đúng cam kết về việc hoàn thành 5,5km còn lại của tiểu dự án đường vành đai phía Đông sau khi được thanh toán 450 tỷ đồng và hoàn thành công trình sau 4 tháng kể từ khi nhận được số tiền thanh toán 179 tỷ đồng.
Dự án được triển khai nhưng không lập, phê duyệt theo Nghị định số 78/2007/NĐ-CP của Chính phủ, thiếu nội dung thuyết minh về hiệu quả đầu tư, không thẩm định dự án. Giá trị tổng mức điều chỉnh tăng 226,9 tỷ đồng chưa đúng. Việc áp dụng giá vật liệu, nhân công chưa đúng thời điểm lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Cũng theo KTNN, việc chỉ định Công ty TNHH Xây dựng How Yu – Việt Nam làm nhà thầu xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý thực hiện; tổ chức thi công không đúng thiết kế nên để xảy ra sự cố và hư hỏng một số hạng mục khi kiểm tra, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tiến độ dự án kéo dài 55 tháng nhưng UBND TP chưa xác nhận trách nhiệm của nhà đầu tư khi chậm tiến độ. Thời gian quyết toán dự án bị kéo dài 4 năm kể từ khi hoàn thành.
...Đến thu hồi 355 tỷ đồng cho ngân sách
Theo KTNN, việc ký kết hợp đồng BT số 1509/UBND-HĐ dự án không nêu căn cứ pháp lý, cơ sở ký kết điều chỉnh. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình, thanh toán 3 đợt cho chủ đầu tư 1.329 tỷ đồng nhưng không lập kế hoạch phương án phân bổ vốn đầu tư trình HĐND TP quyết định, không phân bổ và giao kế hoạch vốn cho dự án, thanh toán khi chưa được phê duyệt tổng vốn đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng BT…
Tại dự án này đã diễn ra 4 phụ lục hợp đồng, trong đó đáng chú ý là vào tháng 6/2016, ông Bùi Xuân Cường (lúc này là Giám đốc Sở Giao thông TP. Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố) ký Văn bản số 7607/SGTVT-KH kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chi phí đầu tư của dự án BT đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ là 2.917 tỷ đồng. Chi phí này làm cơ sở để Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ lập, trình duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và phối hợp với các đơn vị liên quan của thành phố thực hiện các thủ tục điều chỉnh hợp đồng, thanh quyết toán dự án.
Từ đây, ngày 1/9/2016, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND thành phố (đã nghỉ hưu) ký Văn bản số 4807/UBND-DA chấp thuận đề xuất của Sở GTVT về chi phí đầu tư hoàn thành dự án BT đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ là 2.917 tỷ đồng bao gồm: Lãi vay và lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng, lãi phải trả cho ngân hàng, lợi nhuận chủ đầu tư và thuế VAT.
Đến ngày 16/7/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND thành phố (hiện là bị can trong vụ án liên quan đến SAGRI) ký Quyết định số 2927/QĐ-UBND duyệt quyết toán công trình đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ với giá trị quyết toán là 2.792 tỷ đồng. Như vậy, giá trị dự án tăng 1.517 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư được duyệt ban đầu, trong đó, ngân sách thành phố đã thanh toán cho chủ đầu tư là 2.779 tỷ đồng.
Quyết định 2927/QĐ-UBND ghi rõ, Sở GTVT có trách nhiệm ghi sổ sách quản lý tài sản 2.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào ngày 10/10/2018, ông Bùi Xuân Cường lại thay mặt UBND TP ký Phụ lục Hợp đồng số 04/UBND-HĐ điều chỉnh, bổ sung một số điều của Hợp đồng 1509/UBND-HĐ, hợp thức hoá số tiền 2.792 tỷ đồng vào phụ lục hợp đồng, xác định phụ lục hợp đồng này là một phần không thể tách rời của hợp đồng BT.
Điều nay khiến dư luận hoài nghi: Từ con số 1.275 tỷ đồng tổng mức đầu tư, đáng lẽ Sở GTVT kiên trì đàm phán để đưa ra giá trị phù hợp, hài hòa ngân sách Nhà nước nhưng gía trị lại “nhảy lên” 2.972 tỷ đồng. Từ đó, dẫn tới việc ngân sách thành phố tăng chi cho doanh nghiệp, làm lợi cho DN và không tuân thủ quy định trong hợp đồng BT đã được ký kết.
Về vấn đề này, KTNN chỉ rõ, Quyết định 2927/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán của UBND TP. Hồ Chí Minh còn nhiều sai sót, qua kiểm toán phải giảm trừ 368 tỷ đồng; trong đó giảm quyết toán chi phí trong tổng mức đầu tư gần 122 tỷ đồng, giảm quyết toán chi phí khác thuộc Hợp đồng BT là 246 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND TP phê duyệt quyết toán dự án còn có một số nội dung chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với các quy định của Hợp đồng BT với giá trị 646,5 tỷ đồng, chưa xem xét điều chỉnh chi phí lãi vay, chi phí lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng tương ứng với thuế GTGT nhà đầu tư đã được hoàn, khấu trừ khi quyết toán.
Cùng với đó, việc xác định tổng chi phí đầu tư vượt tổng vốn đầu tư, vượt giá trị Hợp đồng BT và các phụ lục đã ký kết đến thời điểm trình thẩm tra quyết toán, các cơ sở xác định chi phí đầu tư chưa căn cứ vào các thỏa thuận giữa 2 bên tại hợp đồng BT và các quy định của pháp luật cũng như việc tính toán khối đơn giá, khối lượng chưa phù hợp với các thoả thuận trong hợp đồng thuộc trách nhiệm nhà đầu tư.
Từ các sai phạm nêu trên, KTNN kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành, nhà đầu tư thu nộp ngân sách Nhà nước 355 tỷ đồng; kiểm tra, rà soát, quyết toán lại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ theo đúng quy định pháp luật, không để thất thoát tiền, tài sản Nhà nước…
Thực hiện kiến nghị của KTNN, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã nộp ngân sách Nhà nước 5 tỷ đồng, cam kết từ quý 4/2020 và đều đặn hàng quý tiếp theo sẽ nộp ngân sách nhà nước số tiền 355 tỷ đồng theo 10 đợt thanh toán, thời gian từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021. UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ thực hiện theo đúng kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Sở Tài chính khẩn trương rà soát, tham mưu, dự thảo văn bản của UBND TP gửi KTNN xem xét giải quyết kiến nghị của Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ. Đối với việc rà soát quyết toán giá trị 646,58 tỷ đồng theo kiến nghị của KTNN, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành liên quan rà soát hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết, có ý kiến chuyên ngành, đề xuất kiến nghị. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.