Người dân ở gần trạm trộn bê tông xây dựng không phép trên đất nông nghiệp của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Duyên Hải đang phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng, trong khi chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Theo đơn thư của người dân sinh sống tại Tổ dân phố 1, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên - Lào Cai), Trạm trộn bê tông tươi Duyên Hải của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Duyên Hải (Công ty Duyên Hải) được lắp đặt tại đây hơn 1 năm, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và giao thông, khiến bà con khu phố bức xúc. Mặc dù người dân đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền nhưng trạm trộn bê tông nói trên vẫn sừng sững trong khu dân sinh, bất chấp dư luận và pháp luật.
Nhiều người dân sinh sống tại đây bức xúc cho biết, từ ngày Trạm trộn bê tông tươi Duyên Hải được lắp đặt và hoạt động, cuộc sống của bà con khu phố hoàn toàn bị đảo lộn. Hằng ngày, nhiều xe tải có trọng tải lớn ra vào rầm rộ trên đường dân sinh, khiến cho các cung đường ở đây bị hư hỏng nặng, mùa mưa thì đường sá nhậy nhụa như đang đi trên ruộng, mùa nắng thì bụi phủ từng lớp dày đặc lên nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt. Đặc biệt, lượng xe ra vào quá tải đã để lại trên đường dân sinh những hố sâu, ổ gà, ổ voi xuất hiện khắp nơi. Ngoài ra, trạm trộn hoạt động ngày đêm với công suất tối đa cũng gây ra tiếng ồn rất lớn trong khu vực.
Nhiều người dân cho biết, họ đã kiến nghị nhiều lần, kể cả trong các cuộc họp Tổ dân phố 1, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Yên thừa nhận, Trạm trộn bê tông tươi Duyên Hải của Công ty Duyên Hải hoạt động mà không có giấy phép xây dựng. Khu đất mà Công ty Duyên Hải thuê để lắp đặt trạm trộn bê tông nói trên là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. UBND huyện Bảo Yên đã từng ra văn bản xử phạt hành chính đối với hành vi hoạt động không có giấy phép xây dựng của trạm trộn bê tông trên, đồng thời yêu cầu dừng sản xuất cho đến khi hoàn thiện giấy phép và các thủ tục khác theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, Công ty Duyên Hải dường như không hề quan tâm đến văn bản của huyện, vẫn ngang nhiên tiếp tục sản xuất bê tông để kinh doanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 03/2018, Công ty Duyên Hải có công văn gửi UBND huyện Bảo Yên đề nghị cho phép lắp đặt một trạm trộn bê tông thương phẩm tại khu phố 1A, thị trấn Phố Ràng. Đến tháng 07/2018, UBND huyện có công văn phúc đáp với nội dung đồng ý chủ trương đề xuất của Công ty Duyên Hải, và nêu rõ cần phải hoàn thành các thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật trước khi đi vào hoạt động. Vậy nhưng, công ty này bất chấp quy định, bất chấp pháp luật, dựng lên một trạm trộn mà chỉ dựa vào duy nhất một văn bản chấp thuận chủ trương từ UBND huyện mà không cần đến bất kì giấy phép nào khác.
Tháng 4/2019, UBND huyện Bảo Yên ra Quyết định số 765/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty Duyên Hải vì hành vi hoạt động trạm trộn bê tông trái phép với số tiền 35.000.000 đồng và yêu cầu dừng sản xuất để hoàn thiện giấy phép. Nhưng quyết định trên hoàn toàn vô nghĩa đối với công ty này?!
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có sự nâng đỡ nào từ “một thế lực lớn” nên Công ty Duyên Hải mới dám lộng hành như vậy?
Quan sát thực tế, nhóm phóng viên ghi nhận sự ô nhiễm trầm trọng tại Tổ dân phố 1, thị trấn Phố Ràng khi bụi và cát phủ trắng từng con đường, từng ngôi nhà, từng ngõ xóm và cây cối xung quanh. Và chúng tôi tự hỏi, lãnh đạo các cấp của tỉnh Lào Cai có cảm thấy lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của người dân nơi đây?
Không dừng lại ở đó, tại thôn Mường 1, xã Xuân Giao (Bảo Thắng - Lào Cai), Công ty Duyên Hải cũng lắp một trạm trộn bê tông tươi, và đương nhiên, giấy tờ pháp lý cũng tương tự như trạm trộn tại Bảo Yên, không hề có bất kì giấy phép nào, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Ban đầu, ông Ngô Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Xuân Giao không nắm rõ, nhưng sau khi “hỏi lại” cấp dưới, đã thừa nhận tất cả sai phạm trên của trạm trộn bê tông tươi Duyên Hải, thuộc Công ty Duyên Hải.
Mặc dù thừa nhận sai phạm nghiêm trọng, nhưng lãnh đạo cả 2 huyện Bảo Yên và Bảo Thắng đều không chỉ ra được ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu, và cả phương án để khắc phục nhằm trả lại môi trường sạch cho người dân sinh sống xung quanh. Để rồi người dân luôn phải chịu thiệt thòi, dân kêu nhưng chính quyền bất lực, còn doanh nghiệp thì vẫn cứ ngang nhiên vi phạm. Có thể thấy, chính quyền nơi đây đang để cho quyền lợi của doanh nghiệp đi ngược với quyền lợi của người dân.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Lào Cai cần sớm vào cuộc giải quyết thấu đáo sự việc, không thể vì sự phát triển của doanh nghiệp mà bỏ quên sức khỏe người dân, không thể vin vào cái cớ “doanh nghiệp phát triển thì kinh tế địa phương lớn mạnh” để hợp thức hóa và ru ngủ những bất mãn và âu lo của người dân. Một chính quyền vững mạnh hay không thể hiện ở an sinh xã hội, là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và đời sống lành mạnh của người dân, không nên đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.