Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 8 năm 2019 | 14:34

Lào Cai: Có hay không việc gây khó dễ cho doanh nghiệp?

Đang hoạt động bình thường, doanh nghiệp bị yêu cầu dừng sản xuất.Trên một khu đất hơn 20ha của chính doanh nghiệp đó lại được Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND tỉnh cấp đến bốn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 tổ chức và cá nhân khác nhau.

Đó là sự việc hy hữu xảy ra giữa Công ty cổ phần Tứ Đỉnh (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) với UBND tỉnh Lào Cai, và đơn vị bị cuốn theo vòng xoáy này là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.
 
“Dồn” đến đường cùng!
 
Sự việc bắt nguồn trong hơn một năm qua, khi UBND tỉnh Lào Cai liên tục ban hành những văn bản yêu cầu và chỉ đạo dừng hoạt động sản xuất của Nhà máy luyện kim màu Lào Cai của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh.
1-2.jpg
Nhà máy của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh phải dừng hoạt động trong khi đang đối mặt với số nợ gần 500 tỷ đồng.
Cụ thể, Quyết định số 711/QĐ-UBND ký ngày 07/03/2018 với nội dung “đình chỉ hoạt động nhà máy luyện kim màu Lào Cai vô thời hạn” với lý do dự án chậm tiến độ đầu tư quá 16 tháng so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư số 12121000123.
 
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh và chứng minh được nguyên nhân của việc chậm tiến độ này là do sai phạm của Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị khác đã cấp bìa đỏ chồng chéo lên chính thửa đất mà Công ty đang triển khai dự án (dự án mở rộng Nhà máy luyện kim màu Lào Cai).
 
Sau đó, UBND tỉnh Lào Cai thu hồi quyết định trên, nhưng ngày 18/5/2018, lại ban hành Quyết định 1488/QĐ-UBND chỉ đạo “ngừng sản xuất sten tại Nhà máy luyện kim màu Lào Cai vô thời hạn” với lý do “Công ty cổ phần Tứ Đỉnh đã nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu hết khối lượng 18.887,629 tấn quặng/tinh quặng đồng nguyên liệu được UBND tỉnh cho phép tại Văn bản số 5917/UBND-CT ngày 02/12/2016 về việc tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy luyện kim màu Lào Cai của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh”.
2.jpg
Quyết định số 1488/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai  đẩy Tứ Đỉnh vào con đường phá sản.
Đối với Quyết định 1488, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh đã có khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và nêu rõ quan điểm: Sten đồng là sản phẩm trung gian, được Bộ Công Thương cho phép và không bị cấm cũng như hạn chế nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu. Vì thế, việc UBND tỉnh hạn chế về số lượng nguyên liệu nhập khẩu của Công ty là vi phạm nghiêm trọng quyền của doanh nghiệp.
3-3.jpg
Đơn khiếu nại của Công ty cổ phần  Tứ Đỉnh gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai xung quanh việc Nhà máy bị ngừng sản xuất.
 
Với Quyết định này, UBND tỉnh Lào Cai đang đẩy doanh nghiệp vào đường phá sản khi mà hiện tại Công ty cổ phần Tứ Đỉnh đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ đồng của Ngân hàng SHB và phải trả lãi suất hàng ngày. Ngoài ra, việc bị ngừng sản xuất, hàng hóa tồn đọng dẫn đến khoản nợ công nhân và cổ đông lên đến 150 tỷ đồng; máy móc trị giá hàng trăm tỷ đồng bị hoen gỉ sau 2 năm dừng hoạt động.
6-2.jpg

 

4-3.jpg
Hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào Nhà máy sản xuất sten đồng có nguy cơ mất trắng khi máy móc bị hoen gỉ.
Được biết, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng xem xét và có phương án phù hợp để Công ty được tiếp tục “sống”, nhằm đảm bảo cuộc sống và kinh tế ổn định cho hàng nghìn cán bộ, công nhân viên.
 
Một thửa đất cấp 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
 
Dư luận Lào Cai đang xôn xao về việc khu đất rộng hơn 20ha của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh đang tồn tại cùng lúc 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 tổ chức và cá nhân khác nhau. Việc sổ chồng sổ này khiến cho những người trong cuộc bức xúc, dẫn tới khiếu kiện kéo dài.
 
Từ năm 2003, khu đất trên thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư VIDIFI. Trong quá trình VIDIFI quản lý và sử dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng nằm trên diện tích của khu đất trên, đó là vào năm 2007 và năm 2011.
 
Năm 2014, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với khu đất trên từ VIDIFI, và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai. Cũng trong năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai lại tiếp tục cấp cho một hộ gia đình khác một sổ đỏ cũng nằm trong diện tích của khu đất thuộc sở hữu của Công ty CP Tứ Đỉnh.
 
Dư luận đặt câu hỏi: Khi xem xét cấp sổ đỏ phải qua nhiều khâu thẩm định, đánh giá từ huyện cho đến tỉnh mà sao vẫn tồn tại nghịch lý nhiều sổ đỏ trên một diện tích đất? Hệ quả là người dân không có đất canh tác, khi thu hồi thì đền bù chẳng thấy đâu. Doanh nghiệp thì vướng vào việc khiếu kiện kéo dài khi triển khai xây dựng nhà máy. Lỗi do "lỗ hổng" pháp lý hay là năng lực yếu kém của đơn vị chức năng trong quản lý đất đai? Hay đằng sau 4 quyển sổ đó là “quyền lợi ngầm”?
 
Về vấn đề này, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh khẳng định: Căn cứ Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 22/05/2015 của UBND tỉnh Lào Cai về việc cho Công ty cổ phần  Tứ Đỉnh thuê đất; căn cứ biên bản bàn giao đất cho Công ty cổ phần  Tứ Đỉnh ngày 25/05/2015 có đại diện sở ngành, chính quyền địa phương ký biên bản xác nhận đất không tranh chấp, bàn giao theo mốc giới thửa đất theo đúng như diện tích đất 211.987m2 đã cấp cho Công ty cổ phần Tứ Đỉnh; căn cứ Hợp đồng thuê đất số 19/HĐTĐ ngày 22/7/2015 giữa UBND tỉnh Lào Cai, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY086250 cấp ngày 16/06/2015 cho Công ty cổ phần Tứ Đỉnh, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty cổ phần Tứ Đỉnh được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 với tổng diện tích là 211.987m2 để thực hiện dự án, diện tích đất đã được các cơ quan sở, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương xác định rõ là không có tranh chấp ngay từ khi nhận chuyển nhượng dự án. Vì vậy, thửa đất trên hiện nay hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của công ty.
 
Đồng thời, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh cho biết, từ năm 2015 đến nay, công ty đã có rất nhiều văn bản, đơn thư gửi UBND tỉnh Lào Cai xem xét giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến việc chồng chéo bìa đỏ nói trên để Công ty có đủ mặt bằng triển khai dự án mở rộng nhà máy theo đúng quy mô và tiến độ dự án trong giấy chứng nhận đầu tư, nhưng UBND tỉnh Lào Cai vẫn chưa giải quyết thỏa đáng khiến Công ty phải nhiều lần làm văn bản, đơn kêu cứu gửi các cơ quan Trung ương và đã nhận được các văn bản chỉ đạo từ Thanh tra Chính phủ số 1402/TTCP-C.I ngày 03/07/2018 gửi UBND tỉnh Lào Cai; Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3764/VPCP-ĐMDN ngày 13/09/2018 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cũng đã ra nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị giải quyết các vướng mắc kiến nghị của Công ty. Thay vì giải quyết tháo gỡ thì UBND tỉnh Lào Cai liên tục có những chỉ đạo, văn bản, quyết định mang tính áp đặt, ép buộc Công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh gây nên thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và uy tín cho doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ phá sản.
vb.jpg

 Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình .

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai xem xét giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh liên quan đến dự án đầu tư mở rộng Nhà máy luyện kim màu Lào Cai.
 
Rất mong UBND tỉnh Lào Cai xem xét thấu đáo sự việc, thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ.
 
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc trên.
 
 
 
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top