Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 6 năm 2016 | 2:43

Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn: Chung tay xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình, Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn (tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP.Bắc Kạn, Bắc Kạn) đã có những đóng góp thiết thực nhằm tạo ra cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực trẻ địa phương, mang tới thu nhập bền vững cho bà con nông dân một số vùng nông thôn và góp phần đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt thêm nhiều thành tích.

Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Bản Nghè hăng say học lý thuyết.

Là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, được thành lập năm 2015 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp nghề Bắc Kạn, Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn bắt đầu chỉ với 3 phòng chức năng và 3 khoa chuyên môn gồm: Khoa Điện, Cơ khí và Nông - lâm nhưng vẫn đảm bảo đào tạo được 13 ngành nghề khác nhau cùng với 1 trung tâm chuyên đào tạo lái xe cơ giới đường bộ các hạng. Trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên có sự liên kết với các đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo cơ hội việc làm sớm cho mỗi học viên, sinh viên khi tốt nghiệp.

Vừa đào tạo, vừa đầu tư cơ sở vật chất nhằm nhanh chóng đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng mà xã hội cần, tới nay, nhà trường đã khá hoàn thiện về cơ sở vật chất, mua sắm nhiều trang thiết bị dạy nghề hiện đại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên đủ trình độ, đáp ứng được nhu cầu đào tạo của một cơ sở dạy nghề chính quy, hiện đại. Hiện, nhà trường đang có 2 khoa đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, đó là Cơ khí và Điện, 1 khoa đạt cấp độ quốc gia là Nông - lâm. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, đến nay, Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn đang là đơn vị đào tạo nghề công lập lớn nhất tỉnh, với quy mô tuyển sinh trên 1.000 chỉ tiêu mỗi năm. Nhà trường đã trở thành địa chỉ đào tạo nghề có uy tín, được nhiều thanh niên trong và ngoài tỉnh lựa chọn, được bà con địa phương yên tâm gửi gắm con em theo học. Bên cạnh việc đào tạo hệ chính quy, nhà trường còn tham gia vào công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho mọi đối tượng; ưu tiên nông dân, với hình thức đào tạo gắn với sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, giúp bà con có chuyên môn vững chắc, có kiến thức về sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, đảm bảo thu nhập cao. Năm 2015, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo một lớp sơ cấp nghề kiểu mẫu về chăn nuôi, trồng trọt cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Bản Nghè (xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm); phương pháp đào tạo được xây dựng với thời gian học lý thuyết chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại 80-90% thời gian dành cho thực hành trên các mô hình sản xuất và diện tích canh tác của HTX. Vào cuối khoá học, nhà trường còn tổ chức 1 chuyến học tập ngoại khoá (3 ngày), giúp học viên tiếp cận các mô hình sản xuất thực tế và hiểu thêm về chuỗi “sản xuất - bán hàng - tiêu thụ sản phẩm” khép kín tại địa bàn có nhiều mô hình HTX phát triển như ở TP.Hà Nội hay ở một số siêu thị lớn như Gorden plaza, BigC,...

Một góc Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn.

Ông Trịnh Tiến Long, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với khóa học như vậy, các thành viên HTX, đặc biệt là ban chủ nhiệm, đã có những nhận thức rất tiến bộ về kiến thức khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, nhận thức được về đạo đức nghề nghiệp cũng như các yếu tố liên quan để phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu,...

“Đây là hướng đào tạo mà Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, với phương châm người học phải tự nguyện, kết hợp với chúng tôi có kiến thức, chắc chắn sẽ cho kết quả học tập tốt”, ông Long nói.

Với quyết tâm phấn đấu đưa nhà trường  trở thành cơ sở dạy nghề có chất lượng cao, đa ngành nghề, với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho thực hành, kết hợp với những trái tim vì người dân nông thôn của ban lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn, tin rằng thời gian tới, nhà trường sẽ phát triển, sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân địa phương. Chúc cho nhà trường luôn phát triển.

Đồng Nghiệp - Dương Chức

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top