Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 5 năm 2020 | 8:33

TT - Huế: Khai thác cát rầm rộ tại hồ chứa thủy điện Hương Điền

Hoạt động khai thác cát đã và đang diễn ra một cách rầm rộ tại hồ chứa thủy điện Hương Điền. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, quá trình này diễn ra vào khung giờ chiều tối, đêm khuya khiến họ ngờ vực về tính pháp lý của hoạt động trên.

Quy mô như thế, sao lại hoạt động khả nghi như vậy?

Những ngày qua, Kinh tế nông thôn nhận được nhiều phản ánh của người dân về hoạt động khai thác, vận chuyển cát trong lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Điều khiến những người dân băn khoăn là, tại sao hoạt động này lại diễn ra một cách lén lút mà biểu hiện rõ nhất là thường thực hiện vào những khung giờ “độc” như cuối buổi chiều, sáng sớm và đặc biệt là đêm khuya.

Theo đó, nhiều người dân cho biết, đã hàng chục ngày qua, đến tầm cuối giờ chiều đoàn xe tải không chở hàng hóa bắt đầu chạy rầm rộ trên đường tỉnh lộ 16 hướng từ thị xã Hương Trà lên xã Hương Bình (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Khi đến Trạm kiểm lâm Hương Bình, những chiếc xe này sẽ rẻ phải vào con đường đất xuyên rừng tràm, cao su để vào bến neo đậu ghe, thuyền trong lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền thường dùng để trung chuyển gỗ tràm (thuộc địa phận xã Hương Bình). Tại đây, từng chiếc xe tải sẽ được bơm đầy cát và vận chuyển đi nơi khác.

Mỗi ngày, hoạt động vận chuyển cát nói trên lại diễn ra vào một khung giờ khác nhau, có thể bắt đầu từ 15h00, 16h00 hoặc 18h00… và thường kết thúc vào khoảng 3h00, 4h00 hoặc 8h00… sáng hôm sau. Tuy nhiên, khung giờ phổ biến nhất vẫn là vào đêm khuya. Những ngày diễn ra hoạt động khai thác, vận chuyển này, sau khi thức dậy, người dân thường thấy đường ướt nhẹp như trời mưa vì nước từ các xe cát chảy ra.

Nhiều người dân phản ánh về hiện tượng khai thác, vận chuyển cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền đã diễn ra trong thời gian dài.
Nhiều người dân phản ánh về hiện tượng khai thác, vận chuyển cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền đã diễn ra trong thời gian dài.

 

Họ (người dân - PV) miêu tả rành rọt về quy trình hoạt động của “điểm hẹn” trung chuyển cát trong hồ chứa thủy điện Hương Điền. Theo đó, sau khi vào tới “điểm hẹn” các xe tải sẽ quay đầu hướng thùng và đậu sát phía lòng hồ này. Tiếp đó, cát từ các thuyền đã nằm chờ sẵn dưới hồ sẽ bơm trực tiếp lên thùng xe.

Người dân xác định có nhiều xe tải vào chở cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền ra bên ngoài và qua nhiều lần chứng kiến, họ ước định rằng, mỗi lượt di chuyển (đi hoặc về) của một xe tải tham gia chở cát giao động trong khoảng 20 – 30 phút.

Kể về những chiếc thuyền chở cát trong hồ chứa thủy điện Hương Điền, người cung cấp thông tin đến PV cho biết, có khoảng 3 - 4 thuyền có kích thước lớn. Khối lượng cụ thể bao nhiêu thì họ không biết, nhưng họ so sánh những chiếc thuyền hút cát này có kích thước như một ngôi nhà. Họ còn rỉ tai nhau rằng, mỗi chiếc thuyền này có giá trị lên đến gần 01 tỷ đồng.

Tiếp tục về chuyện những chiếc thuyền hút cát trong lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền, người dân thắc mắc không biết bằng cách nào những chiếc thuyền lớn này lại được đưa vào trong đó. Thêm vào đó, vào thời điểm ban ngày, những chiếc thuyền này lại “mất tích”. Rồi, chẳng biết nó (những chiếc thuyền – PV) hút cát từ vị trí nào mà đến tầm chiều tối lại quay về “điểm hẹn” đang được nói tới để bơm cát lên xe.

Con đường mang dấu tích của việc vận chuyển cát

Một ngày đầu tháng 5/2020, theo lời kể của người dân, PV lần tìm đến “điểm hẹn” trung chuyển cát từ thuyền lên các xe tải nằm trong lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền. Không khó để nhận diện con đường trong câu chuyện của những người dân đã kể vì nó nằm ngay bên cạnh Trạm kiểm lâm Hương Bình.

Con đường nối từ tỉnh lộ 16 đến hồ chứa thủy điện Hương Điền (nằm ngay bên cạnh Trạm kiểm lâm Hương Bình) nhiều đoạn bị “băm nát”.
Con đường nối từ tỉnh lộ 16 đến hồ chứa thủy điện Hương Điền (nằm ngay bên cạnh Trạm kiểm lâm Hương Bình) nhiều đoạn bị “băm nát”.

 

Tuyến đường này gập ghềnh, khó đi vì đá lổm nhổm, cùng với đó là dấu vết của bánh xe tải đã hằn sâu. Đặc biệt, dù đang thời điểm nắng nóng gay gắt nhưng nhiều đoạn đường xuất hiện sình lầy cho thấy dấu hiệu của nước, đất, cát bị “băm nhuyễn” khi xe tải chở hàng hóa có trọng tải nặng đi lại tại đây. Nhiều đoạn vệt bánh xe hằn xuống quá sâu và thêm sình lầy khiến ai đó đã phải vận chuyển đá, đất vào san lấp.

Nhiều đoạn trong tuyến đường này có vết bánh xe lún quá sâu đã được ai đó mang đất, đá vào san lấp.
Nhiều đoạn trong tuyến đường này có vết bánh xe lún quá sâu đã được ai đó mang đất, đá vào san lấp.

 

Ì ạch từng đoạn, mon men theo dấu vết bánh xe tải hằn sâu PV đã đến được bến thuyền hồ chứa thủy điện Hương Điền nằm ở điểm cuối của tuyến đường này. Ước tính, tuyến đường đất, đá lổm nhổm nối từ tỉnh lộ 16 đến “điểm hẹn” trung chuyển cát mà người dân miêu tả có chiều dài khoảng 1,5 km.

Trung chuyển cát trực tiếp từ thuyền lên xe tải là có thật

Khoảng 17h40 ngày 05/5, không gian yên tĩnh của hồ chứa thủy điện Hương Điền mà cụ thể là tại bến bãi thường ngày người dân hay sử dụng để trung chuyển gỗ tràm (đoạn thuộc địa phận xã Hương Bình) bỗng trở nên huyên náo.

Bì bạch! Bì bạch!... tiếng động cơ của thuyền? Đúng! Tiếng động cơ bắt đầu gần hơn với điểm quan sát, một chiếc thuyền lớn kéo theo chiếc ghe nhỏ và nhiều người ngồi, đứng, đi lại trên đó. Họ nói chuyện, kêu gọi nhau í ới.

Vì chở hàng có trọng tải nặng nên khúc giữa của chiếc thuyền chỉ còn một phần nhỏ nổi trên mặt nước. Giữ lòng thuyền đang chở vật gì đó có gam màu sáng, thi thoảng có giọt nắng chiều còn sót lại chiếu vào khiến chúng lóe lên những đốm sáng li ti.

Các thuyền đang hút cát trực tiếp từ hồ thủy điện Hương Điền (đoạn thuộc địa phận xã Hương Bình) lên xe tải.
Các thuyền đang hút cát trực tiếp từ hồ thủy điện Hương Điền (đoạn thuộc địa phận xã Hương Bình) lên xe tải.

 

Chiếc thuyền di chuyển vào bến đậu. Nhiều chiếc ô tô tải màu xanh đã nằm chờ sẵn trên bờ. Neo đậu chắc chắn, tiếng máy nổ khác lại vang lên sau khi người đàn ông dùng tay kéo mạnh động cơ trên thuyền. Ống dẫn đã được nối từ động cơ dưới thuyền phun lên thùng xe tải một dòng nước xám xịt vì lẫn nước và cát.

Phía dưới thuyền, một người đàn ông khác cầm vòi phun nước trắng xóa đi đi lại lại để dồn cát cho động cơ hút lên thuyền. Nước từ thùng xe bắt đầu chảy ngược trở lại mặt đất và chảy ra lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền.

Toàn bộ quá trình vận chuyển cát bằng thuyền về bến và bơm lên xe được thực hiện một cách thành thục, ăn ý, nhịp nhàng. Sau khoảng 15 phút, những chiếc xe tải đã được bơm đầy cát. Tiếp đó, họ phủ bạt che thùng xe và bắt đầu di chuyển theo con đường đất để ra tỉnh lộ 16.

Tiếng cười nói, tiếng gọi ý ới, tiếng động cơ của thuyền, máy bơm, xe ô tô tải… cứ vậy nối tiếp nhau theo xe ra, xe vào, thuyền về, thuyền đi… bất chấp màn đêm đang buông xuống.

Cuộc đeo bám tìm điểm đến của việc tiêu thụ cát bị cắt ngang

Quyết định lần tìm đến những địa điểm tiêu thụ cát chở ra từ hồ chứa thủy điện Hương Điền, PV đã chờ đợi và tìm cách đeo bám theo những xe tải này.

Sau khoảng 15 phút ì ạch vượt qua quãng đường đất nối từ địa điểm trung chuyển cát ra lại tỉnh lộ 16, những chiếc xe rẻ trái để chạy về hướng thị xã Hương Trà. Đường đã dễ đi hơn, nhưng nhiều đoạn dốc cao, những xe tải vẫn phải di chuyển khá chậm.

Màn đêm đã buông xuống dày đặc. Trên tuyến đường tỉnh lộ 16 nhiều đoạn gần như chỉ còn ánh sáng từ đèn xe ô tô tải chở cát và đèn từ chiếc xe của PV. Lúc này, dường như tài xế đã phát hiện được sự đeo bám của “những vị khách không mời” nên cố tình chạy lúc nhanh, lúc chậm. Và, không biết có phải vì vậy nên 02 chiếc xe đi ra từ điểm trung chuyển cùng thời điểm đã tách nhau một khoảng cách khá xa!?

Cuộc đeo bám để tìm ra địa điểm tiêu thụ cát của PV bị cắt ngang bởi một người thanh niên chạc 25 tuổi. Lúc đó, đang trên đường Văn Xá (thị xã Hương Trà – đoạn gần đến điểm giao với tuyến đường tránh thành phố Huế), nam thanh niên này đã tìm cách dừng xe PV để… hỏi chuyện.

Qua câu chuyện, nam thanh niên cho biết mình là người cũng đang tham gia khai thác cát tại lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền. Tận dụng thời gian này, chiếc xe chở cát đã thoát khỏi sự đeo bám của PV.

Phán đoán, túc trực tại điểm xe vận chuyển cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền thường chạy qua, PV nhận ra một chiếc xe tải khác của đoàn xe này đang chở cát đi tiêu thụ. Tài xế cho xe di chuyển đường QL 1A theo hướng từ Ngã ba Tứ Hạ vào TP. Huế, sau đó, xe này rẻ trái vào huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và đổ cát cát trong một bãi tập kết tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Theo nguồn tin của PV, dù chưa biết lý do, nhưng hoạt động vận chuyển cát đang được đề cập tới diễn ra bỗng có phần dè dặt hơn trong tối ngày 07/5. Cụ thể hơn, nguồn tin cho biết, hoạt động vận chuyển cát từ lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền ra ngoài được thực hiện vào 2 khung giờ là khoảng 20h00 và khoảng 24h00.

Tìm hiểu thêm những vấn đề xoay quanh sự việc này được biết, hoạt động khai thác, vận chuyển cát từ lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền không phải là sự việc mới xảy ra lần đầu.

Điều đó khiến người dân băn khoăn rằng: Tại sao hoạt động rầm rộ như vậy; được đầu tư, thực hiện bài bản như vậy mà quá trình này lại diễn ra lén lút như thế? Và, nếu có giấy phép thì đơn vị nào đang thực hiện, quy trình khai thác như vậy có đảm bảo được việc bảo vệ môi trường hay không? Còn, nếu không có giấy phép – khai thác “lậu” thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho sự việc này?...

Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top