Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 3 năm 2017 | 4:32

Tứ Yên hôm nay

Chúng tôi đến Tứ Yên (Sông Lô - Vĩnh Phúc) vào một ngày mưa phùn. Nơi đây giờ đã đổi thay rất nhiều, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt nhờ những quyết sách đúng đắn của chính quyền địa phương.

Mô hình nuôi gà của gia đình ông Lê Khanh, thôn Phú Thịnh, xã Tứ Yên

Xác định mục tiêu phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy Tứ Yên chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; cải tạo diện tích đất đồi trồng cây lâm nghiệp; đầu tư mở rộng diện tích các trang trại, gia trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế…

Năm 2016, sản lượng cây lương thực của Tứ Yên ước đạt trên 1.500 tấn, tăng 118,6 tấn so với năm trước; năng suất lúa bình quân đạt 46,4 tạ/ha; bình quân lương thực đầu người đạt 302kg/năm.

Hiện, toàn xã có trên 6.000 con gia súc, hơn 21.600 con gia cầm các loại. Nhằm phát triển chăn nuôi, xã phân công cán bộ thú y phụ trách, hướng dẫn, tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn con giống, nguồn thức ăn, cách phòng, điều trị bệnh, giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi; tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất; khuyến khích các gia đình cải tạo vùng đất chiêm trũng khó canh tác đào ao nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, Tứ Yên có 20 mô hình trang trại, gia trại kết hợp giữa chăn nuôi, thả cá, trồng cây ăn quả, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/trang trại/năm. Điển hình như trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Bảy (thôn Yên Lương) với mô hình VAC, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng; mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô của gia đình các ông Nguyễn Đại Sơn, Nguyễn Văn Toản (thôn Yên Kiều); mô hình nuôi gà, vịt nhà ông Khanh thôn Phú Thịnh; mô hình nuôi lợn của gia đình ông Hoàng Hữu Hiền (thôn Phú Thịnh) cho thu hàng trăn triệu đồng/năm.

Mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Đỗ Văn Bảy, thôn Yên Lương, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, Tứ Yên còn phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Hiện, xã có trên 300 hộ phát triển nghề đan lát tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm dùng đánh bắt tôm, cua ở 3 thôn: Phú Thượng, Phú Thịnh, Phú Hạ; 2 lò gạch sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới ở hai thôn Yên Kiều, Phú Cường, giải quyết việc làm cho 70 lao động; 35 hộ bán hàng tạp hóa; 15 phương tiện vận tải ô tô, tàu thuyền, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, giao lưu buôn bán hàng hóa giữa các vùng miền. Xã còn vận động, hướng dẫn các gia đình có con em trong độ tuổi lao động tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay, đã có 20 lao động đang làm việc có thời hạn ở các nước và 300 lao động đi làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Tài, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Yên, cho biết, nếu 10 năm trước Tứ Yên là một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất của huyện Sông Lô thì đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt trên 23 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, hộ gia đình khá - giàu tăng lên. Kinh tế phát triển đúng hướng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm.

Năm 2016, Tứ Yên có trên 81% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 100% các gia đình có ti vi, điện thoại, phương tiện đi lại; cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được trang bị đầy đủ, chất lượng giáo dục được nâng lên. 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, tiêm chủng mở rộng…

Tứ Yên phấn đấu trở thành xã đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sông Lô năm 2017.

Lê Xoan

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top