Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2019 | 14:48

Tủa Chùa giảm nghèo từ sản phẩm OCOP

Năm 2019, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) mới bắt tay triển khai Chương trình OCOP. Hai sản phẩm chủ lực thực hiện chương trình OCOP là chè Tuyết san và rượu Mông Pê.

che-shan-tuyet.jpg
cây chè Tuyết san

Chọn sản phẩm chủ lực

Huyện Tủa Chùa xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chúc sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của đại phương, có khả năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao theo hình thức “Kinh tế và tổ chức sản xuất”.

Trước mắt, tập trung phát triển 2 sản phẩm đã được tỉnh phê duyệt trong giai đoạn 2018 – 2020; phát triển tổ chức kinh tế và nguồn nhân lực. Đồng thời, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở trong và ngoài tỉnh.

Hai sản phẩm của huyện được UBND tỉnh phê duyệt trong Ðề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 là chè Tuyết san và rượu Mông Pê. Hai sản phẩm này, có ở nhiều xã, nhưng chủ yếu là ở các xã: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Ngoài 2 sản phẩm được tỉnh phê duyệt, huyện cũng định hướng cho mỗi xã xây dựng cho địa phương mình một sản phẩm.

Ông Tô Văn Tuân – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa, cho biết: Trên cơ sở điều kiện thực tế cũng gắn kết với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện chúng tôi cũng xác định được một số sản phẩm mang tính chất thế mạnh của địa phương. Trong đó, đối với địa bàn 12 xã, thị trấn thì chúng tôi cùng với các xã thống nhất bàn bạc để lựa chọn những sản phẩm đảm bảo tiêu chí cũng như đảm bảo sự tồn tại và phát triển sau này. 

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cố gắng phấn đấu được khoảng 50%, tức là 12 xã, thị trấn thì có 6 doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác tham gia vào liên kết với người dân để xây dựng những sản phẩm có khả năng trở thành hàng hóa giá trị trên thị trường.

Ngoài chè Tuyết san và rượu Mông Pê, bước đầu, huyện Tủa Chùa cũng đã lựa chọn, xác định thêm được một số sản phẩm: Vịt ở Mường Đun; Đậu đỏ, gà xương đen và đậu đỏ ở xã Sính Phình; cá lồng ở xã Tủa Thàng và du lịch hang động ở xã Xá Nhè. Qua tín hiệu ban đầu đã cho thấy, đa số các sản phẩm được xác định để xây dựng, phát triển đều là sản phẩm nông nghiệp.

Tương lai, Tủa Chùa cũng sẽ phát triển thêm các sản phẩm khác như: Rượu thóc Huổi Só; Rau an toàn xã Mường Báng; Táo mèo xã Sính Phình và Du lịch trải nghiệm hái chè cây cao tại xã Sín Chải.

Ưu tiên kiên cố hệ thống giao thông nông thôn

Ngoài lựa chọn các sản phẩm chủ lực để thực hiện triển khai Chương trình OCOP giúp bà con xóa đói giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Tủa Chùa luôn ưu tiên nguồn vốn Chương trình 30a đầu tư mở rộng, kiên cố hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn. Năm 2019, công trình đường Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng (từ thôn Ðề Hái - thôn Nhè Sua Háng, xã Trung Thu) được UBND huyện Tủa Chùa đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 7,94 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a.

Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Tủa Chùa Lê Quang Ðạo, cho biết: Trung Thu là 1 trong 2 xã của huyện Tủa Chùa có hạ tầng giao thông rất khó khăn, việc đầu tư tuyến đường này sẽ giúp người dân trên địa bàn thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là trong mùa mưa. Ðến nay, dự án đã nghiệm thu và giải ngân 3,354 tỷ đồng, phấn đấu đến 31/12/2019 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của tỉnh là 138,2 tỷ đồng. Chính quyền các địa phương đã thực hiện hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất cho 1.293 lượt hộ, cộng đồng dân cư với diện tích 6.879,69ha rừng; hỗ trợ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho 1.483 lượt hộ với diện tích 382,08ha; hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho 10.347 hộ.

Thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tủa Chùa giảm đáng kể, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

 

Minh Tân
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top