Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 9 năm 2020 | 14:54

Tuyên Quang: Hiệu quả từ phát triển kinh tế tập thể

Đến tháng 5/2020, Tuyên Quang có 284 hợp tác xã (HTX) nông,  lâm nghiệp, thủy sản  đang hoạt động, với 10.358 thành viên, giá trị tài sản 503,08 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu của các HTX  đạt 167,4 tỷ đồng, lợi nhuận 31,809 tỷ đồng.

30.jpg
Giờ đây, nhiều HTX đã hình thành được vùng nguyên liệu sản xuất an toàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Nhiều chính sách ưu đãi

Những năm gần đây, Tuyên Quang có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để kinh tế tập thể, HTX có điều kiện hoạt động. Điển hình như giai đoạn 2013 - 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 41 lớp (3.192 lượt người tham gia) tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ HTX, với kinh phí thực hiện 3.506 triệu đồng.

Hướng dẫn các HTX xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm hàng hóa nông sản, chế biến. Lập dự án mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại các khu quy hoạch sản xuất hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản và ngành nghề nông thôn của các xã.

Phối hợp với các huyện, thành phố hỗ trợ, hướng dẫn thành lập mới 159 HTX, tổ chức lại hoạt động 140 HTX phù hợp với quy định của Luật HTX năm 2012. Các HTX mới thành lập gắn với tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản.

Thực hiện Nghị quyết 05 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản, đến tháng 5/2020, Tuyên Quang có 9 HTX được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ 50% lãi suất với tổng số tiền 8,817 tỷ đồng.

Năm 2019-2020, Tuyên Quang đã phê duyệt hỗ trợ các HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với kinh phí 75,28 tỷ đồng. Cùng nhiều chính sách hỗ trợ để các HTX thực hiện mô hình HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các HTX báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng hợp báo cáo, đánh giá và phân loại hoạt động của các HTX, từ đó có giải pháp củng cố, đổi mới đối với các HTX hoạt động kém hiệu quả.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Sau 10 năm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động của các HTX từng bước được cải thiện, số HTX xếp loại tốt, khá, kinh doanh có lãi ngày một tăng. Xuất hiện nhiều HTX sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

 

t31.jpg
Mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang (Quang Vinh, Chiêm Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Tuyên Quang hiện có 33 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 22 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, 11 sản phẩm đã cấp quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tăng lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế - xã hội địa phương.

Thành lập năm 2013, HTX Chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) là điển hình trong phát triển bền vững thông qua sản phẩm VietGAP. Ban đầu HTX có 26 thành viên, khoảng 30ha chè nguyên liệu, vốn điều lệ chưa tới 200 triệu đồng. Cùng việc duy trì giống chè xanh truyền thống, HTX đã phát triển thêm một số giống chè mới, có chất lượng và giá trị kinh tế.

Cùng với đó, HTX thực hiện liên kết với các hộ trồng chè, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra. Sản phẩm chè của HTX đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch và được xác nhận chỉ giới địa lý cho vùng sản xuất chè đặc sản.

Đến nay, HTX có hơn 90 xã viên với vùng chè tập trung khoảng 100ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất nên năng suất chè đạt bình quân 12 - 14 tấn/ha. Giá sản phẩm chè được nâng cao, từ mức 100.000 đến 160.000 đồng/kg lên hơn 250.000 đồng/kg.

Giờ đây, chè Vĩnh Tân không chỉ tiêu thụ ở Tuyên Quang mà có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. Nhờ cây chè, thôn Vĩnh Tân có hơn 96% số hộ có nhà xây kiên cố, hơn 50% số hộ có cuộc sống khá và giàu.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (huyện Yên Sơn-Tuyên Quang) lại thành công với mô hình liên kết sản xuất nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, HTX đã cung ứng 1.236 con trâu và 584 con bò để các hộ nuôi vỗ béo và tiêu thụ được 840 con trâu, bò. Sau thời gian nuôi vỗ béo 2,5 - 3 tháng, trừ chi phí, mỗi hộ nuôi lãi 4 - 5 triệu đồng/con trâu và 2,5-3 triệu đồng/con bò.

Theo ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, các HTX đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế hộ và đặc biệt là đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, các HTX đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp 9-11 tiêu chí...

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Sở đã tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 25 của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Đến nay, 73 HTX được thành lập mới, tổ chức lại hoạt động cho 140 HTX phù hợp với quy định của Luật HTX năm 2012; hướng dẫn hỗ trợ cho 20 HTX xây dựng được 22 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ 13 HTX xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội hỗ trợ các HTX kết nối tiêu thụ 14 loại sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tại thị trường Hà Nội.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top