Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 8 năm 2021 | 10:32

Tuyên Quang kiểm tra toàn diện công tác khai thác cát, sỏi lòng sông

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tuyên Quang sẽ kiểm tra toàn diện tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật…, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kết quả trong tháng 9/2021.

Chủ tịch tỉnh chỉ ra nhiều hạn chế

Tại Thông báo số 101/TB-UBND ngày 29/7/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang Kết luận Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh về “quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kết luận vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Về quản lý đất đai: Một số nơi còn để xảy ra vi phạm như: để đất bị lấn, chiếm, sử dụng không đúng mục đích; cho thuê, cho mượn nhưng chưa kê khai đăng ký theo quy định, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính; sử dụng đất chậm tiến độ, chưa ký hợp đồng thuê đất, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ tài chính; thực hiện dự án trên đất khi chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, ...; với tổng diện tích đất vi phạm hơn 36 ha trong 333 vụ vi phạm hành chính và còn một số vụ đang kiểm tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Mới đây, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang 120 triệu đồng, Công ty TNHH Thương mại ô tô Tuyên Quang 60 triệu đồng.

 

 

Trong lĩnh vực quản lý khoáng sản: Một số đơn vị còn khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt công suất quy định, thiết bị chưa được đăng ký, đăng kiểm; còn nhiều bến bãi tập kết khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, nhiều vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép... chưa được xử lý dứt điểm, còn để tái diễn.

Một số doanh nghiệp được cấp phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và yêu cầu của các cơ quan chức năng, chậm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định, như: hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, chuyển đổi đối với các phương tiện, thiết bị khai thác và vận chuyển cát, sỏi theo quy định; chưa cắm (hoặc chưa cắm lại) đầy đủ, đúng quy cách mốc giới, thả phao tiêu xác định ranh giới khu vực khai thác; khai thác ngoài thời gian quy định.

Các hạn chế, yếu kém nêu trên đã được đề cập tại các Thông báo kết luận các kỳ họp về quản lý khoáng sản và chưa được tổ chức thực hiện triệt để.

 Từ phản ánh của Kinh tế nông thôn, Thanh tra Sở TN&MT Tuyên Quang ra quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Thành Long (Hồng Lạc, Sơn Dương) số tiền 32.784.000 đồng, do đã lấn đất lòng sông Lô, vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông.
 
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, là do trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành và các đơn vị được giao tại Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa cao, chưa kịp thời phát hiện vi phạm, chưa chủ động xử lý vụ việc vi phạm.
 

Điều 2, nguyên tắc thực hiện, Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ:

  1. Công tác quản lý đất đai, khoáng sản phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
  2. Mọi vi phạm phải được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
  3. Tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm trong quản lý đất đai, khoáng sản mà không thực hiện hết trách nhiệm được giao, để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Một số vụ việc khi phát hiện đã có xử lý nhưng chưa nghiêm, mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính; thiếu sự chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, giám sát sau thanh tra, kiểm tra dẫn đến có vụ việc không thực hiện khắc phục hậu quả vi phạm tiếp tục tái vi phạm.

Công tác thông tin và xử lý thông tin các vụ việc vi phạm về đất đai, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn cấp huyện, cấp xã còn chậm, chưa kịp thời (chủ yếu là các vụ việc theo phản ánh của cử tri, cơ quan báo chí); lúng túng trong quá trình xử lý. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, kể cả cấp huyện với cấp huyện, cấp xã với cấp xã theo Quy chế phối hợp trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn.

Siết chặt công tác quản lý

Để thực hiện nghiêm Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường với nội dung có trọng tâm, trọng điểm; các điều, khoản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao tại Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 Nhiều tàu cuốc ở Tuyên Quang hoán cải thành tàu hút hay còn gọi là tàu cuốc hoán cải.

 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất đai, khoáng sản theo quy định của pháp luật; xem xét, xử lý các dự án chậm tiến độ, thực hiện không hiệu quả, ngừng hoạt động và kiên quyết thu hồi các giấy phép vi phạm nếu đủ điều kiện theo quy định. Từng sở, ngành theo Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường rà soát, kiểm tra trách nhiệm năm 2021 ít nhất 01 cuộc kiểm tra, ... và nhất thiết phải thực hiện kiểm tra sau kết quả thanh kiểm tra, xử lý các vụ việc (hậu kiểm).

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản tỉnh), ngay trong tháng 8/2021 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh chủ trì, phối hợp Tổ công tác 1242, các cơ quan liên quan, UBND huyện, thành phố kiểm tra toàn diện tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật,… báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 9/2021.

Rà soát tổng thể các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy hoạch sử dụng đất, tham mưu đề xuất bổ sung vào Quy hoạch tỉnh đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, sử dụng đất cấp huyện, cấp xã, xử lý nghiêm các sai phạm (sử dụng đất sai mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch đã duyệt, ...) theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất việc giải quyết lấy đất san lấp mặt bằng, thực hiện công trình, dự án đầu tư công. Hướng dẫn các huyện, thành phố giải quyết kịp thời các tồn tại về hiến đất thực hiện công trình, dự án, đất cho các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, xử lý các Quy hoạch treo, ... bảo đảm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản, nâng cao ý thức cộng đồng về chấp hành pháp luật đất đai, khoáng sản; giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thuộc huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý địa bàn để nắm chắc và kịp thời xử lý các vướng mắc, vi phạm trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản theo quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm trên địa bàn quản lý.

Tàu cuốc hoán cải hút cát ở sông Lô không khó bắt gặp ở Tuyên Quang.
 
Thực hiện nghiêm, chặt chẽ thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND và cán bộ, công chức địa chính cấp xã trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn quản lý. Trong năm 2021, mỗi huyện, thành phố ít nhất có 01 cuộc kiểm tra đối với cấp xã, từ năm 2022 có ít nhất 02 cuộc kiểm tra đối với cấp xã. Yêu cầu phải kiểm tra sau kết quả thanh kiểm tra, xử lý các vụ việc (hậu kiểm). Đề nghị Bí thư huyện ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của UBND dân tỉnh.
 

Mới đây, sau khi thống nhất với các cơ quan có liên quan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành; Chánh Thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường là Phó Trưởng đoàn; Các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh); Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Giao thông vận tải; Cục Thuế tỉnh; UBND huyện, thành phố.

 

Cần truy trách nhiệm người đứng đầu

Việc Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ ra những hạn chế trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đúng, tuy nhiên, khâu phát hiện và xử lý vi phạm còn rất hạn chế. Qua theo dõi địa bàn, phóng viên thấy ở nhiều huyện, thành phố ở Tuyên Quang xảy ra tình trạng lấn chiếm, san lấp, sử dụng đất không đúng mục đích nhưng chính quyền không kịp thời phát hiện, xử lý.

 Tàu cuốc hoán cải, tàu chở không biển số, không đăng kiểm, ký đăng kiểm vẫn khai thác cát trên sông Lô thời gian gần đây.

 

Điển hình như ở 2 huyện Hàm Yên và Sơn Dương, năm 2019, năm 2020 có một số cá nhân, doanh nghiệp san lấp, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích sử dụng nhưng chính quyền không hề hay biết. Khi phóng viên phát hiện, thông tin đến với UBND huyện, thông tin đến phòng chuyên môn (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì huyện mới vào cuộc xử lý.

Đặc biệt, là công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn nhiều lỗ hổng. Tuyên Quang cấm tàu cuốc khai thác cát, sỏi từ lâu nhưng vẫn có doanh nghiệp (nếu không nói là nhiều doanh nghiệp) đã hoán cải (chế) tài cuốc thành tàu hút (dân trong nghề gọi là tàu cuốc hoán cải) để ngang nhiên khai thác cát một cách công khai.

Nguy hiểm hơn, nhiều tài hút, tàu chở không có biển số, đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn nhiên khai thác cát như trốn không người. Người dân phản ánh nhưng không được xử lý kịp thời.

Phóng viên thấy, thời gian qua, trên sông Lô đoạn chảy ra địa phận huyện Yên Sơn, TP. Tuyên Quang, huyện Sơn Dương có việc tàu cuốc hoán cải, nhiều tài hút, tàu chở không có biển số, đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn nhiên khai thác, chở cát, nhưng không bị xử lý kịp thời. Phần lớn các tàu này đều là của các doanh nghiệp có số má trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

 Người dân cho rằng, tàu cuốc hoán cải thành tàu hút để hút cát đây là hành vi lách luật.

 

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần truy trách nhiệm người đứng đầu, cùng với đó cần xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, nếu vi phạm nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hy vọng, những dấu hiệu vi phạm, những bất cập nói trên sẽ được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý dứt điểm trong thời gian tới.


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top