Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 9 năm 2022 | 16:8

UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản chỉ đạo phòng trừ bệnh tuyến trùng hại dâu tằm

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ bệnh tuyến trùng gây hại dâu tằm, không để lây lan trên diện rộng.

ld.jpg
 Tuyến trùng khiến nhiều vườn dâu của nông dân tại Lâm Đồng bị chết dần.

 

Trước đó, từ tháng 7/2019, trên diện tích khoảng 12ha cây dâu tằm tại huyện Đạ Huoai và  huyện Đạ Tẻh bắt đầu xuất hiện tuyến trùng gây hại tỷ lệ 5 - 10%. Đến năm 2020 - 2021, cũng trên địa bàn 2 huyện này, tuyến trùng gây hại dâu tằm tăng lên 425ha, trong đó gần 90ha nhiễm nặng. 7 tháng đầu năm 2022, diện tích dâu tằm nhiễm tuyến trùng lên đến 700ha (có gần 130ha nhiễm nặng) từ 2 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh lan qua huyện Cát Tiên và ngược về huyện Lâm Hà. Tình trạng này ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều hộ nông dân ở nông thôn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã tiến hành lấy mẫu đất, mẫu rễ cây dâu tằm bị bệnh gửi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung phân tích, xác định nguyên nhân do loài tuyến trùng Meloidogyne spp., mật số 130 - 250 con/100 g đất, 30 - 60 con/10 g rễ… 

Trên cơ sở các kết quả khảo nghiệm, năm 2020 và 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc sinh học Tiêu tuyến trùng 18EC - hoạt chất tinh dầu quế; Tervigo 020SC - hoạt chất Abamectin để phòng trừ.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đang tiếp tục triển khai 2 mô hình đánh giá hiệu lực phòng trừ tuyến trùng của một số loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sinh học tại 2 xã Triệu Hải và Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh. Kết quả khảo nghiệm sẽ được tổng hợp, bổ sung trong quy trình tạm thời phòng, chống tuyến trùng gây hại dâu tằm. Đối với các diện tích nhiễm nhẹ đến trung bình, vận động nông dân nhổ bỏ, thu gom toàn bộ rễ cây bị bệnh để tiêu hủy. Sau đó rải vôi kết hợp sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để xử lý đất; bổ sung chế phẩm kích thích ra rễ, phân hữu cơ, phân lân…

Tuyến trùng hại dâu tằm là đối tượng dịch hại mới, hiện chưa có nghiên cứu trong nước về thành phần loài, đặc điểm gây hại, điều kiện phát sinh cũng như các biện pháp phòng trừ. Vì vậy Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng đặt hàng và lựa chọn đơn vị chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh tuyến trùng gây hại cây dâu tằm tại Lâm Đồng” nhằm đưa ra giải pháp phòng trừ lâu dài.

 

 

Thanh Hòa
Ý kiến bạn đọc
Top